Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Lời giải cho bài toán cấp điện ở huyện đảo

07:00 | 26/06/2014

669 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những năm gần đây, trên tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cũng như ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, rất nhiều dự án đưa điện ra đảo đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế biển đảo. Tuy nhiên, để có được kết quả đó, mỗi năm, ngành điện phải bù lỗ hàng trăm tỉ đồng và khoản bù lỗ này chắc chắn sẽ tăng lên đáng kể khi quy định giá điện ở huyện đảo bằng giá bán điện ở đất liền. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam cần có chính sách phát triển năng lượng toàn diện hơn, lợi ích của cộng đồng phải được gắn với lợi ích của doanh nghiệp - ở đây là EVN.

Năng lượng Mới số 333

Lý Sơn sẽ khởi sắc nhờ điện

Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - được đánh giá là huyện đảo tiền tiêu có vị trí rất quan trọng về an ninh quốc phòng và kinh tế biển, cách đất liền 15 hải lý (khoảng 24km) - với diện tích tự nhiên trên đảo gần 10 cây số vuông, dân số vào khoảng 21.000 người. Do nằm cách xa đất liền nên nhiều năm nay, huyện đảo Lý Sơn vẫn chưa có nguồn điện lưới quốc gia. 15 năm trước, vào tháng 7/1999, tỉnh Quảng Ngãi đầu tư máy phát điện chạy dầu diezel cho nhân dân huyện đảo, nhưng vì công suất nhỏ (hơn 1MW) nên chỉ có thể cấp điện tối đa cho nửa huyện mỗi ngày. Hình thức phân bổ cách nhật cho từng khu dân cư 5 giờ mỗi đêm đã tạo ra văn hóa “trông đèn” khi có điện.

Năm 2002, ngành điện tiếp nhận toàn bộ nguồn phát và hệ thống lưới điện trên huyện đảo Lý Sơn để nâng cấp và bán điện trực tiếp đến các hộ dân trên đảo. Nhưng cũng phải tròn 10 năm sau - vào tháng 7/2012, cả hai xã trên đảo Lớn là An Vĩnh và An Hải mới cùng được cấp điện hằng đêm và mỗi đêm cũng chỉ được 6 giờ có điện. Và cũng chính vì vậy, bao năm nay, mặc dù có bãi biển đẹp, tài nguyên phong phú nhưng kinh tế của Lý Sơn vẫn tăng trưởng chủ yếu nhờ vào các sản phẩm nông nghiệp như tỏi, hành và dịch vụ tiểu thủ công nghiệp.

Theo ông Phạm Kế - 75 tuổi (thôn Đông, xã An Hải), vì thiếu điện nên tàu cá của các con ông khi đánh bắt được phải chạy thêm hơn hai chục cây số vào tận cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) để tiêu thụ vì không thể lưu trữ, bảo quản.

Còn theo bà Huỳnh Thị Sơn (thôn Đông, xã An Hải), trước đây, muốn có nước để tưới cho những cánh đồng hành, tỏi của gia đình mình, người dân đã phải sử dụng nguồn điện chạy dầu để bơm nước tưới tiêu, với giá điện lên tới 7.500-8.000 đồng/kWh, thậm chí có khi lên tới hơn 12.000 đồng/kWh, gấp 5-10 lần so với giá điện ở đất liền.

Từ thực tế trên, để đáp ứng nhu cầu điện cho Lý Sơn phát triển kinh tế - xã hội, EVN đã triển khai dự án cấp điện cho Lý Sơn bằng cáp ngầm xuyên biển và theo kế hoạch thì cuối năm 2014 Lý Sơn sẽ có điện lưới. Đặc biệt, từ ngày 1/6/2014, chính quyền và nhân dân trên huyện đảo sẽ được hưởng giá điện như trong đất liền theo Quyết định số 2165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 11/11/2013) quy định về “khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013-2015” - nghĩa là được hưởng mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 1.835 đồng/kWh - thay vì mức giá trung bình 2.700 đồng/kWh như hiện nay.

Lưới điện trên đảo Cô Tô (Quảng Ninh)

Chính quyền và người dân huyện đảo Lý Sơn đang rất trông chờ dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển sớm hoàn thành. Có điện lưới quốc gia, giá thấp, lại được cung ứng đầy đủ, với độ an toàn cao, tiềm năng kinh tế biển với những bãi biển đẹp, tài nguyên biển phong phú cùng nhiều di tích lịch sử… của huyện đảo Lý Sơn sẽ có nhiều cơ hội phát triển. Và điều này cũng được ông Phạm Hoàng Linh - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định: Sau khi dự án hoàn thành, giá điện trên bán trên đảo bằng giá đất liền chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đảo Lý Sơn theo hướng “Thương mại - Dịch vụ - Nông lâm thủy sản - Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, thế mạnh du lịch “biển đảo Lý Sơn” sẽ được khai thác tối đa. Đời sống nhân dân huyện đảo sẽ ngày càng khấm khá hơn”.

Để ngành điện bớt khó

Như đã đề cập ở trên, việc đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo chính là tiền đề quan trọng bậc nhất phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhưng nó lại chính là gánh nặng với ngành điện. Ông Nguyễn Hồng Thái - Tổng giám đốc Công ty Xây dựng điện Thái Dương - đại diện Liên danh nhà thầu Prysmian - Thái Dương, đơn vị thực hiện hai dự án đưa điện lưới bằng cáp ngầm ra huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang) khi đề cập tới câu chuyện này đã khẳng định rằng, tất cả các dự án đưa cáp ngầm ra biển đều lỗ.

Còn nếu xét đến việc cấp điện cho các huyện đảo chưa có điện lưới quốc gia, tức là EVN sẽ phải huy động các nguồn điện chạy bằng diesel, với giá thành theo quy định của Chính phủ bằng 1,5 giá đất liền thì nguồn điện cũng không ổn định. Thậm chí, theo tính toán của EVN, mỗi năm Tập đoàn còn phải bù lỗ khoảng 300 tỉ đồng cho việc cấp điện bằng nguồn chạy dầu. Chính vì vậy, phải làm sao việc cấp điện cho các huyện đảo được đầy đủ, với chính sách giá điện đồng nhất, công bằng... đang trở thành vấn đề cấp thiết đặt ra không chỉ với ngành điện mà cả với các nhà hoạch định chính sách phát triển ngành điện.

TS Chu Hồi - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam khi đề cập tới vấn đề này đã thẳng thắn cho rằng: Giải pháp căn cơ nhất vẫn là đảm bảo đủ nguồn điện cấp tại chỗ đối với các đảo không thể nối lưới từ đất liền ra. Với tiềm năng về gió, mặt trời và sóng biển của Việt Nam thì hoàn toàn có thể xây dựng các nhà máy điện sạch với quy mô vừa đủ cung cấp cho các đảo.

Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm Năng lượng TP Hồ Chí Minh kiến nghị, với các huyện đảo xa đất liền, không thể kéo cáp đưa điện nối lưới từ đất liền ra đảo, Chính phủ cần tính đến việc hỗ trợ nguồn tiền này cho phát triển năng lượng mới và tái tạo, đồng thời phải tách bạch giữa nhiệm vụ chính trị và kinh doanh của EVN.

PGS.TS Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Xác định tầm quan trọng đặc biệt của điện đối với quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế - xã hội biển đảo, tại Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải “xây dựng nhanh kết cấu hạ tầng để thu hút đầu tư, ưu tiên xây dựng mạng lưới cấp điện đồng bộ cho các khu vực trung tâm đảo và các khu du lịch, dịch vụ bảo đảm cấp điện ổn định, chất lượng cao; phấn đấu đến năm 2020 - 100% dân cư các huyện đảo, xã đảo được sử dụng điện…”. Theo đó, bên cạnh việc đẩy nhanh kế hoạch đưa cáp ngầm ra một số huyện đảo, thì các nguồn năng lượng mới và tái tạo cũng thuộc diện ưu tiên.

Nói như vậy để thấy rằng, để kinh tế biển có thể đóng góp 53-55% GDP của cả nước theo Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam, đồng thời với nâng cao chất lượng sống của người dân trên đảo và thực hiện tốt nhiệm vụ an ninh quốc phòng, thì rõ ràng giải pháp căn cơ nhất chính là giải quyết “bài toán” điện năng. Phát triển nguồn điện tại chỗ, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời... vì thế có thể xem là lời giải hợp lý cho việc cung cấp điện an toàn, ổn định, với giá thành phù hợp cho các huyện đảo.

Thanh Ngọc