“Lính đặc nhiệm” trên đường dây 500 kV
Đường dây 500 kV mạch 1.
Ngày 5/9/1998, “Đội đặc nhiệm” đầu tiên gồm 2 kỹ sư và 07 công nhân Công ty Truyền tải điện 2 đã lên đường sang Ucraina tiếp thu công nghệ mới tại Công ty quốc doanh kinh tế đối ngoại Ucrinlerenergo Ucraina. Sau khi được đào tạo tại nước ngoài 2 tháng, Công ty Truyền tải điện 2 tiếp tục chọn lựa thêm 3 kỹ sư và 4 công nhân để tự đào tạo trong nước, nâng tổng quân số của “Đội đặc nhiệm” lên 16 thành viên.
Với họ, hầu hết đều là những đoàn viên thanh niên trẻ, khỏe. Ngoài ra còn đòi hỏi những tố chất đặc biệt khác như lòng can đảm, sự thông minh nhanh nhẹn, khéo léo và cả tính tỉ mỉ cẩn trọng trong từng công việc. Trong số đó, có người đã được ghi tên vào “lịch sử ngành Điện” như là người đầu tiên tại Việt Nam ngồi trên máy bay trực thăng sửa chữa cáp quang đường dây 500 kV...
“Lính đặc nhiệm” được trang bị một bộ quần áo bảo vệ đặc biệt gồm áo, quần, mũ, găng tay, mạng che mặt và giày trùm kín cơ thể, thoạt nhìn giống như những phi hành gia vậy. Bộ quần áo bảo vệ đặc biệt này được chế tạo theo nguyên lý lồng Faraday, có tác dụng bảo vệ chống được điện từ trường khi tiếp xúc với điện áp cao.
Trước khi thao tác trên đường dây đang mang điện, phải thực hiện các biện pháp an toàn và tuân thủ các bước quy trình công nghệ hết sức nghiêm ngặt. Sau khi bố trí sơ đồ công nghệ, thực hiện đẳng thế giữa người và dây dẫn xong, người công nhân tiếp mới có thể chạm vào dây dẫn và tiến hành các thao tác sửa chữa trên lưới điện. Bởi vì, công việc sửa chữa đường dây đang mang điện, đặc biệt với đường dây siêu cao áp 500 kV là một công việc hết sức nguy hiểm. Chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng để dẫn đến những hậu quả khôn lường, không chỉ đối với người thực hiện công việc mà với cả an toàn cho vận hành lưới điện.
Ngày 9/9/2001, ngày đánh dấu mốc lịch sử của “Đội đặc nhiệm” của Công ty Truyền tải điện 2. “Người lính trẻ” Trần Quốc Phi vinh dự nhận nhiệm vụ ngồi vào ghế thao tác “đánh trận đầu tiên”, với nhiệm vụ thay một bát sứ cách điện chuỗi đỡ hình V, tại vị trí 1707 đường dây 500 kV cung đoạn Đà Nẵng - Pleiku đang mang điện. Dưới sự giám sát của các chuyên gia nước ngoài, Ban Kỹ thật An toàn Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam), sau gần một tiếng đồng hồ, Trần Quốc Phi và các thành viên trong đội đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đây có thể xem là bước đột phá của những kỹ sư, công nhân điện Việt Nam trong việc làm chủ khoa học - kỹ thuật, làm chủ công nghệ mới; Là một sự kiện lớn đánh dấu thành công của ngành Điện Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ sửa chữa đường dây 500 kV đang mang điện. Ông V.I. Pavlenkô, người Ucraina, chuyên gia sửa chữa nóng nhận xét: “Từng động tác của họ rất khéo léo và chuẩn xác! Kết quả công việc hôm nay chứng tỏ việc học tập và áp dụng thành tựu khoa học công nghệ trong hệ thống truyền tải điện của họ là rất tốt!”.
Lần thứ hai, ngày 19/3/2002, toàn đội tiếp tục thực hiện sửa chữa tại hai vị trí: Vị trí cột đỡ 1726 và vị trí cột néo 1727. Điều đáng nói là lần này, họ thực hiện sửa chữa tại hai vị trí trong một ngày, với nhiệm vụ và sơ đồ công nghệ khác nhau mà không cần có chuyên gia nước ngoài giám sát. Cho đến nay, việc thực hiện sửa chữa nóng trên đường dây 500 kV đã trở thành kỹ năng thuần thục đối với toàn đội. Những người “lính đặc nhiệm” bây giờ đã có thâm niên kinh nghiệm trên 10 năm làm việc trực tiếp với đường dây đang mang điện.
Tâm sự với chúng tôi về công tác chuẩn bị cho mỗi “trận đánh”, kỹ sư Nguyễn Thanh Sơn, người trực tiếp chỉ huy cho biết: “Để đảm bảo tuyệt đối an toàn trong mỗi lần sửa chữa, khâu chuẩn bị là hết sức quan trọng. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đã phải kiểm tra, đo vẽ, tính toán cụ thể từng chi tiết. Sau đó đến chuẩn bị các dụng cụ, thiết bị phù hợp rồi mới lên kế hoạch từng động tác cho từng người ở mỗi vị trí khác nhau. Mọi thao tác đòi hỏi phải phối hợp ăn ý và thực hiện tuyệt đối chính xác. Toàn đội phải cùng trao đổi với nhau rất kỹ về từng sơ đồ công nghệ và quy trình an toàn.
Khi “lệnh tác chiến” được phát ra, các chiến sỹ răm rắp xung trận. Những Trần Quốc Phi, Dương Hồng Vân, Trần Mạnh Hà, Đinh Phú Long... trong trang phục của các “phi hành gia” nhanh chóng lên vị trí. Tiếng máy bộ đàm liên tục làm việc để chỉ huy phối hợp nhịp nhàng các thao tác. Có như vậy, mới đảm bảo mỗi lần ra quân là mỗi lần chắc thắng.
Hai mươi năm trôi qua, đường dây 500 kV bây giờ đã nối dài hơn, trải rộng hơn. Và “Đội đặc nhiệm” chúng tôi cũng không ngừng trưởng thành, dày dạn, sẵn sàng để góp phần giữ cho tuyến năng lượng huyết mạch của đất nước luôn an toàn, liên tục.
Nguyễn Quang Thắng
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Các nỗ lực tích hợp năng lượng ở Đông Nam Á bị đe doạ
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4