Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Làng chuyên làm đồ cho người cõi âm

07:55 | 06/02/2012

1,977 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
– Đến làng Phúc Am, Duyên Trường (Thường Tín, Hà Nội) vào những ngày này, rất dễ nhận thấy không khí tất bật chuẩn bị, sản xuất những đồ vàng mã dành cho người cõi âm như: voi, ngựa, thuyền, hình nhân.

>> Tết Nguyên tiêu, về thăm làng vàng mã Phúc Am

Làm đồ cho cõi âm

Làng Phúc Am, Duyên Trường thuộc huyện Thường Tín (Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng nhờ nghề làm đồ vàng mã với các mặt hàng chủ yếu như voi, ngựa, hình nhân, thuyền… Đối tượng phục vụ của họ là người cõi âm, thông qua các đền, chùa, miếu. Trong đó, làng Phúc Am có số lượng cơ sở và nhân công lớn hơn cả.

Tương truyền rằng làng Phúc Am vốn có nhiều nghề tổ như nghề sơn mài (Hạ Thái) và đặc biệt là nghề đan lát mây tre, mặt hàng chính là rổ, rá để phục vụ cho nhân dân trong vùng và những nơi phụ cận. Người thợ đan chắc tay, cẩn thận nên hàng làm ra chắc chắn, bền, đẹp nên được bà con quanh vùng rất ưa thích. Các cụ già trong làng kể lại, thời ấy, quanh làng đi đâu cũng thấy người đan rổ, đan rá, bàn tay thoăn thoắt chuốt, vót, đan, buộc, rổ rá chất hàng đống chờ người đến lấy.

Làng Phúc Am chuyên sản xuất voi, ngựa, hình nhân giấy

Nhưng từ sau khi có rổ nhựa, rá nhựa, người làng Phúc Am dần mất nghề, người đặt hàng thưa dần, người đan rổ cũng ít dần rồi chỉ còn sót lại vài cụ già đan lát cho khỏi quên nghề. Ruộng đất trong làng ít, nhân khẩu lại nhiều, nghề chính mất đi, cuộc sống hết sức khó khăn, vất vả. Lúc ấy, một số người trong làng tìm tòi được cái nghề làm vàng mã, thấy có lãi lắm, sau dần cả làng cùng làm. Bây giờ quanh làng Phúc Am, cái rổ cái rá được thay bằng các “ông” ngựa, “ông” voi, thuyền và hình nhân giấy. Sau gần 20 năm, nghề làm vàng mã đã giúp người làng Phúc Am thoát nghèo, dần trở nên khấm khá.

Theo trưởng thôn Phúc Am, ông Nguyễn Văn Giang, cả làng có hơn 20 hộ gia đình chuyên làm vàng mã. Đất canh tác của làng hiện chỉ còn 40 mẫu, chia đều cho 250 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, nếu chỉ trông vào trồng trọt cấy hái thì cuộc sống vô cùng cực khổ. Từ khi cả làng chuyển sang làm vàng mã cách đây khoảng 15 năm, đặc biệt là 6 – 7 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân đang dần khấm khá hơn và dần trở thành nghề chính của người dân trong làng.

Đến Phúc Am vào dịp rằm tháng Giêng, các cơ sở sản xuất đều tất bật hoàn thiện nốt các công đoạn cuối cùng cho các chuyến hàng. Bàn tay của các người thợ thoăn thoắt dán áo, bồi giấy, chỉnh khung cho các “ông” voi, “ông” ngựa, thuyền lớn, hình nhân, vua quan… để chuẩn bị đưa các “ông” tới các đền, các phủ, phục vụ cho nhu cầu tâm linh của người dân khắp nơi.

Giàu lên nhờ vàng mã

Trước kia, người dân làng Phúc Am làm vàng mã khá vất vả, bởi các công đoạn vót tre, nứa, làm khung, dán áo, bồi giấy … phải làm toàn bộ để có được sản phẩm hoàn chỉnh. Năng suất làm sản phẩm thấp nên thu nhập không cao. Giờ đây, nghề làm vàng mã ở đây đã được “chuyên môn hóa”, mỗi công đoạn đều được phân công rất rõ ràng, người làm khung, người dán áo, người bồi giấy, người trang trí. Ông Lưu, chủ một cơ sở sản xuất cho biết, các loại khung tre, giấy đều lấy từ các xã lân cận như Văn Hội, Bến; các công đoạn như dán áo, bồi giấy hay hoàn thiện được thực hiện tại các xưởng ở làng Phúc Am này, do vậy, công việc “chạy” nhanh và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, người dân còn áp dụng nhiều phương tiện hiện đại vào việc sản xuất, giúp công việc nhẹ nhàng và năng suất cao hơn. Ông Giang hồ hởi chia sẻ: “Bây giờ công việc làm vàng mã không chỉ có người dân trong làng làm, mà còn có rất nhiều người từ nơi khác đến xin làm thuê, thu nhập cũng rất khá. Người lớn thu nhập 2 triệu – 3 triệu/ tháng, trẻ em làm thêm phụ giúp gia đình cũng được 1,5 triệu/ tháng, ngoài ra các cụ già làng tôi chuyên quấn vàng mã cũng được 10.000-15.000 đồng/ngày. Cuộc sống cũng không còn khó khăn nữa”.

Các chuyến xe chở hàng vàng mã tất bật quanh năm

Anh Nguyễn Văn Thành, một người làm vàng mã đã hơn 10 năm cho biết, một hình nhân giá dao động từ 20.000 – 27.000 đồng/người tùy theo chất lượng và chất liệu giấy; một “ông” voi, ngựa giá cả từ 150.000 – 400.000 đồng; một chiếc thuyền giá 100.000 – 250.000 đồng/chiếc. Trừ đi các khoản thuê nhân công, vận chuyển (200.000 – 250.000 đồng/chuyến) thì mỗi gia đình có lãi từ 5-10 triệu với mỗi chuyến hàng.

Nhờ nghề làm vàng mã, nhiều gia đình đã thoát nghèo và dần trở nên khấm khá, diện mạo làng Phúc Am cùng dần đổi khác, khang trang và hiện đại hơn. Nhắc đến các gia đình giàu lên nhờ nghề vàng mã, ông Giang xòe tay ra liệt kê rành rọt: “Làng tôi nhiều lắm, có ông Quý, ông Chính, ông Thái, ông Nhàn … các ông ấy đều xây được nhà to, giày có lắm, mà chỉ nhờ cái nghề vàng mã ấy thôi”.

Tuy nhiên, việc Nhà nước ban hành Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 7 năm 2010 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa, trong đó có quy định về việc đốt vàng mã nơi công công cũng làm ảnh hưởng khá nhiều tới việc sản xuất của làng Phúc Am. Anh Thành chia sẻ: “Từ tháng 8 năm 2011 đến đầu năm nay, các đơn đặt hàng ít hẳn, mà số lượng cũng không nhiều như mọi năm”.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Am, phụ trách Văn hóa cho biết mặc dù Nhà nước hạn chế việc đốt vàng mã nhưng việc sản xuất ở địa phương không bị ảnh hưởng quá nhiều, lượng tiêu thụ không những không giảm nhiều mà còn “không đủ hàng để bán”. Bà Hạnh cho biết: “Vẫn biết là Nhà nước hạn chế, chúng tôi cũng đã tuyên truyền nhưng không thể yêu cầu người dân dừng sản xuất được. Có cầu ắt có cung, Nhà nước hạn chế nhưng người đặt hàng không giảm, người dân vẫn phải làm vì kế sinh nhai”. Tuy vậy, bà cũng khẳng định, làng Phúc Am tuy làm vàng mã cung cấp cho rất nhiều địa phương, nhưng người dân không có thói quen đốt quá nhiều đồ vàng mã trong các dịp lễ, tết hay các ngày rằm.

Với suy nghĩ "trần sao âm vậy” của người Việt nói chung, nhu cầu vàng mã không chi tập trung trong dịp Tết hay trong lễ Vu lan. Do vậy, nghề làm vàng mã của làng Phúc Am không chỉ hoạt động một hay hai dịp trong năm mà trở thành nghề chính của hầu hết các hộ dân trong làng. Nói như anh Thành: "Bao giờ người dân hết đốt vàng mã thì chúng tôi hết việc”.

Vương Tâm