Làm sao để xác định một công ty đang bước vào quá trình chuyển dịch năng lượng?
Thể theo nội dung “Hiệp ước xanh”, Ủy ban châu Âu đã thể hiện sự quan tâm đến “tài chính xanh” và tạo ra những quy định để đóng khung nó. Nhưng định nghĩa về “đầu tư bền vững” trong hiệp ước hiện còn quá mơ hồ đối với những người tham gia vào lĩnh vực này. Điều này cũng gây bất cập đến danh mục “phân loại xanh” - một danh sách phân loại nhiều lĩnh vực hoạt động kinh tế dựa trên những tiêu chí sau: Tác động của chúng đối với khí hậu; mục tiêu giảm thiểu tác động; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo ông Jérôme Reboul - Giám đốc về Quy định quốc tế tại AMF, quan niệm “rạch ròi” - xanh hoặc không xanh, cho “tài chính bền vững” có thể sẽ cản trở cơ hội được hỗ trợ tài chính của một vài công ty được xem là “nâu” (vì tác động nặng nề của doanh nghiệp đối với bầu khí hậu). Ông cho biết, trên thực tế có “rất nhiều dự án chuyển tiếp đang nằm trong tay” những công ty “rất nâu”.
Tại Vương quốc Anh, cơ quan giám sát thị trường chứng khoán đã quyết định tạo ra 5 loại quỹ với những mức độ yêu cầu khác nhau. Phân loại bao gồm những mức như: “Đang chuyển dịch”; “Phù hợp” với nguyên tắc phân loại xanh (dự án bền vững chiếm phần lớn hoạt động doanh nghiệp) và “Có tác động” (phấn đấu với mục đích tạo ra một tác động tích cực về mặt xã hội hoặc môi trường).
Ông Reboul cho biết thêm: Về khái niệm của từ “chuyển dịch”, AMF nghĩ đến việc đánh giá quá trình chuyển dịch của một công ty dựa trên những báo cáo bắt buộc công bố hàng năm. Dự kiến từ nay cho đến năm 2026, Chỉ thị châu Âu về việc Phổ biến Hoạt động Kinh doanh Bền vững (Corporate Sustainability Reporting Directive - CSRD), “áp đặt” các công ty “thiết lập và công bố một kế hoạch chuyển dịch".
Theo dõi những báo cáo tự công bố của các công ty là một giải pháp dễ thực hiện, vì khung pháp lý đã có sẵn. Tuy nhiên, theo lời cảnh báo của ông Jérôme Reboul, điều này có một nhược điểm: “Logic của nhà kinh doanh” - gây cản trở công ty phấn đấu triệt để nhằm đạt được mục tiêu “hoàn thành chuyển dịch cho toàn nền kinh tế”. Ông cũng trích dẫn một ví dụ chứng minh: Một nhà sản xuất năng lượng “có thể đưa ra một kế hoạch chuyển dịch hoàn hảo bằng cách bán những nhà máy nhiệt điện than của họ... Nhưng xét theo góc nhìn tổng quan nền kinh tế, ta phải đóng cửa những nhà máy nhiệt điện than, chứ không chỉ bán chúng!”.
Trong trường hợp lý tưởng nhất, AMF muốn có một cái nhìn kinh tế vĩ mô hơn và phân loại những hoạt động kinh tế thành 3 loại: Những hoạt động đã bền vững, những hoạt động góp phần vào kế hoạch chuyển dịch có trình tự và những hoạt động cần phải dừng lại.
Ông Reboul nhận định, hệ thống định hình như vậy sẽ giúp hoàn thiện danh mục “phân loại xanh” hiện có của châu Âu, nhưng quá trình thiết kế là “một công việc to lớn, thậm chí còn phức tạp hơn cả quá trình hình thành hệ thống phân loại xanh” mà Ủy ban châu Âu đã làm việc trong vài năm qua. Ngoài ra, ông Reboul còn chỉ ra thêm 1 vấn đề: “Quá trình chuyển dịch thế nào thì mới tối ưu?". Lấy ví dụ: Cuộc tranh luận về vị trí của khí đốt tự nhiên trong quá trình chuyển dịch năng lượng.
Ngọc Duyên
AFP
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp