Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Lại chuyện chức vụ có thể làm hỏng con người

09:10 | 23/06/2011

1,727 lượt xem
|
(PetroTimes) - Cách đây hơn mấy năm, một lần tôi đi máy bay vào Sài Gòn và tôi gặp anh ngồi ở hạng ghế bình dân (hạng E). Tôi rất ngạc nhiên bởi vì anh là Ủy viên Trung ương Đảng, hàm cấp Bộ trưởng gần như về mặt tiêu chuẩn thì hoàn toàn anh được ngồi ở hạng C (hạng ghế VIP).

Thế rồi, khi máy bay hạ cánh, anh rủ tôi lên chung xe để đi về cơ quan và lúc đấy tôi mới hỏi anh rằng: Tại sao hôm nay anh lại ngồi hạng ghế phổ thông trong khi tôi thấy ở khoang VIP vẫn còn thừa nhiều ghế? Anh bảo tôi: “Thực ra là tôi có tiêu chuẩn đi hạng C nhưng bấy lâu nay tôi không dám đi bởi vì cứ nghĩ đến cái ghế đấy là tôi lại nhớ đến thầy giáo tôi”.

Và tôi được nghe câu chuyện anh kể lại thế này:

Hơn một năm trước, anh đi vào Sài Gòn và cơ quan mua vé cho anh theo tiêu chuẩn VIP. Anh lên máy bay vừa ngồi nhâm nhi ly rượu Champagne do cô tiếp viên mang tới thì có tiếng chào làm anh giật mình: “Chào anh, anh cũng đi chuyến này à?”. Anh nhìn lên và sững sờ khi thấy người vừa chào mình, đó là người thầy giáo đã dạy anh từ tấm bé. Ông đã già lắm rồi, lưng còng gập xuống. Anh còn đang lúng túng chưa kịp chào hỏi thì cô tiếp viên đã vội vàng đẩy vào lưng ông đi xuống dưới khoang hạng phổ thông. Anh nhìn theo người thầy với dáng đi lầm lũi mà thấy xấu hổ quá. Anh vội vàng đứng dậy đi xuống chỗ thầy rồi lễ phép: “Thưa thầy, em mời thầy lên trên, chỗ này để em ngồi ạ”. Người thầy giáo nhìn anh như thể nhìn cậu học trò cách đây mấy chục năm và ông cười móm mém: “Anh cứ ngồi đấy đi, đấy là tiêu chuẩn của anh, tôi không dám”. Rồi anh năn nỉ thế nào ông cũng không nghe, anh nói với cô tiếp viên rằng đổi vé cho ông lên hạng VIP, mặc dù tiếp viên đã đồng ý nhưng ông cụ vẫn không chịu. Ông bảo rằng: “Bay từ đây vào thành phố Hồ Chí Minh có một đoạn đường, việc gì phải ngồi trên đó, tốn tiền lắm. Hơn nữa, cái ghế đấy có làm cho thầy danh giá được đâu”.

Lời nói của người thầy cứ ám ảnh anh suốt và càng ngẫm anh càng thấy là lời của ông thật sâu sắc, chí lý. Từ đó, khi bay các chặng đường ngắn không bao giờ anh cho mua vé VIP nữa.

Tôi nghe anh kể lại câu chuyện đấy và cũng thấy lời của người thầy giáo sao mà sâu sắc đến thế. Đúng là không ít quan chức, khi được đề bạt lên chức cao hơn thì vội vàng đổi xe mặc dù chiếc xe người đó đang sử dụng còn rất tốt, đổi phòng, đổi ghế và cả đủ mọi thứ đồ đạc…

Cũng không ít quan chức thích thể hiện “khâu oai” bằng cách đi xe sang, đi máy bay thì phải ngồi hạng C, rồi bắt cấp dưới đưa đón đúng “nghi lễ”. Nhưng họ không biết rằng họ càng tỏ ra oai bao nhiêu thì cấp dưới, hay người dân càng xa lánh họ bấy nhiêu. Họ càng không biết rằng người lãnh đạo giỏi phải là người lãnh đạo bằng năng lực chứ không phải quyền lực, bằng uy tín chứ không phải uy lực.

Bẵng đi ba năm sau, tôi lại có dịp đi một chuyến công tác cùng anh. Lần đấy, do đường bay rất dài và cũng vì yêu cầu công việc cho nên cả đoàn được ngồi hạng C.

Tại một quốc gia Nam Mỹ, sau khi đoàn làm việc xong, ngày hôm sau lên máy bay đi sang nước khác. Chúng tôi vừa ổn định chỗ ngồi và thấy mệt rã rời, tôi liếc nhìn sang anh thì thấy anh đưa tờ báo lên che mặt. Tôi thầm nghĩ: “Sao ông này ngủ sớm thế”. Nhưng rồi chỉ hơn một phút sau, anh bỏ tờ báo che mặt ra và hỏi tôi: “Anh có nhìn thấy ai vừa đi qua không?”. Tôi nói ngay: “Ông Bộ trưởng Ngoại giao chứ gì”. Anh gật đầu và bảo: “Xấu hổ quá. Ông ấy là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, hôm qua lãnh đạo nhà mình phải đăng ký mãi ông ấy mới đồng ý gặp một tiếng. Một quan chức cấp cao như vậy mà hôm nay đi hạng phổ thông, còn anh em mình thì ngất ngưởng ngồi ghế VIP”. Nghe anh nói vậy, tôi cũng không biết giải thích thế nào và tự dưng cũng thấy ngượng. Rồi tôi cảm thấy anh ngồi trên ghế máy bay sang trọng như vậy nhưng cứ như ngồi trên tổ kiến. Khi tiếp viên mang đồ ăn tới, tôi thấy anh nhai bánh mì cứ như nhai rơm. Anh bỏ dở bữa ăn rồi bảo anh trợ lý là soạn ngay một văn bản yêu cầu cơ quan hành chính làm lại các quy định về chế độ đi công tác. Trong đó quy định rõ, chỉ trường hợp đặc biệt và bay tuyến đường dài trên 6 tiếng thì mới được mua vé VIP cho cán bộ.

Khi anh xuống sân bay thì văn bản đó đã được chuẩn bị xong và chuyển về Hà Nội.

Câu chuyện của anh và những việc làm của anh sau này cũng được lan truyền. Có những người khâm phục ý chí của anh, nể trọng cách làm của anh nhưng lại cũng có người dè bửu và cho rằng đấy là một cách “khổ nhục kế” để đánh bóng tên tuổi. Nói gì thì nói, nhờ những quyết định ấy mà hàng năm đơn vị tiết kiệm được hàng tỉ đồng tiền vé máy bay.

Nhưng rất nhiều người thì đã nói rằng, nếu như cán bộ lãnh đạo của ta có lòng tự trọng cao như vậy và biết vị trí của mình, với cái ghế của mình đang được Đảng, Nhà nước giao cho thì chắc chắn người dân hay cấp dưới sẽ thêm yêu quý người lãnh đạo của mình. Và tất nhiên, khi người dân đã tin lãnh đạo, quý lãnh đạo thì sẽ chẳng có khó khăn nào mà không vượt qua được.

Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Muốn để dân liệu thì quan trọng nhất người cán bộ phải để cho dân tin. Và người dân tin cán bộ nhiều khi chẳng phải vì cái gì to tát, mà vì những chuyện rất nhỏ như câu chuyện tôi vừa kể trên.

{lang: 'vi'}

Như Thổ