Lai Châu: Hành trình xóa xã trắng về điện
Nhọc nhằn đưa điện về xã
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía bắc. Những năm qua, mặc dù nhận được nhiều sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ và các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước, cuộc sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu vẫn vô cùng khó khăn. Cái nghèo, cái khổ bao đời bám đuổi, rồi cả thói quen du canh du cư đã kéo theo nhiều hệ lụy xấu về vấn đề an ninh tôn giáo, truyền đạo trái phép, “vương quốc Mông”... Tỉnh có 8 đơn vị hành chính thì có tới 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Trong số 108 xã, phường, thị trấn thì cũng có tới 74 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội kém phát triển nên việc thực hiện đầu tư cấp điện cho khu vực nông thôn của Lai Châu gặp rất nhiều thách thức, chi phí điện khí hóa bình quân/hộ cao lên tới 200 triệu đồng/hộ.
Cán bộ Công ty Điện lực Lai Châu đóng điện cho bà con bản Huổi Pết (xã Nậm Hàng, huyện Nậm Nhùn) |
Ông Đoàn Thanh Tùng - Phó giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp công trình 478, đơn vị thi công hệ thống điện ở xã Chung Chải (huyện Nậm Nhùn, Lai Châu) - là một trong ba xã cuối cùng trắng về điện của Lai Châu bảo: Thi công lưới điện ở miền núi là vô cùng khó khăn. Ngoài chuyện đường sá đi lại xa xôi cách trở, thường xuyên bị sạt lở gây gián đoạn quá trình vận chuyển vật liệu thì phần lớn các vị trí thi công hố cột có địa hình rất hiểm trở. Ngay như ở Chung Chải, mặc dù có nhiều thuận lợi do nằm cạnh đường quốc lộ, việc vận chuyển, tập kết vật liệu rất thuận tiện nhưng vị trí thi công thường nằm ở tọa độ âm hoặc trên đỉnh núi, mà để đưa được vật liệu đến nơi chỉ có một cách duy nhất là dùng sức người để gùi, vác, tời... Có rất nhiều vị trí cột nằm mãi trên đỉnh núi, vật liệu và đặc biệt là cột chỉ chuyển đến được chỗ nào ôtô đi được, còn đâu anh em công nhân dùng xe thủ công kéo, đến núi thì dùng tời dạng cáp treo để kéo lên đỉnh. Chi phí đầu tư, thi công các công trình điện ở miền núi vì thế rất cao.
Khó khăn đối với những người làm điện là thế nhưng theo anh Tùng, thời tiết ở vùng Tây Bắc này cũng vô cùng khắc nghiệt, đặt ra nhiều thách thức với các nhà thầu thi công. Mùa khô thì gió Lào bỏng rát, cháy da cháy thịt. Còn mùa mưa thì cán bộ, công nhân viên chỉ ngồi chơi vì đường sạt lở không vận chuyển được vật liệu. Ngay như đợt cuối tháng 6 vừa rồi, mưa lớn kéo dài nhiều ngày, đường sá sạt lở, vật liệu không vận chuyển được, anh em công nhân cũng “ngồi chơi xơi nước” gần tuần liền. Và để đảm bảo tiến độ thi công, những ngày nắng ráo, anh em công nhân phải làm việc từ 6 giờ đến 18 giờ, ăn uống tại chỗ, làm hết tốc lực bù đắp những lúc thời tiết phức tạp.
Làm điện ở vùng rừng núi Tây Bắc là thế, phải biết ăn cơm núi, ngủ rừng, phải biết đương đầu, chống chọi với cái khắc nghiệt của thời tiết và phải biết chấp nhận những rủi ro mà nó mang lại. Trong câu chuyện của anh Tùng, tôi được biết có nhiều vị trí cột thi công xong nhưng rồi trời mưa to gây sạt lở thổi bay cả móng cột, các anh phải làm lại, thiệt hại về kinh tế là vô cùng lớn. Và một điều rất quan trọng đối với những người làm điện ở vùng miền núi Tây Bắc là phải biết phong tục tập quán của người dân để tránh phạm vào những điều kiêng kỵ.
Từ năm 2004 đến nay, để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lai Châu, Công ty Điện lực Lai Châu đã triển khai thực hiện đầu tư xây dựng nhiều dự án phát triển và mở rộng lưới điện nông thôn trên địa bàn, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, với quy mô, khối lượng: Xây dựng mới 1.378km đường dây trung áp; 1.120,3km đường dây hạ áp; 682 trạm biến áp; cấp điện mới cho 37.430 hộ dân với tổng mức đầu tư khoảng 1.412,2 tỉ đồng (trong đó nguồn vốn địa phương làm chủ đầu tư 218,2 tỉ đồng). Nhờ đó, tỉ lệ số xã, số hộ dân ở Lai Châu có điện dần được nâng cao và đến nay, 108/108 xã của Lai Châu đã có điện.
Núi rừng có điện thay sao
Lai Châu vẫn là một trong những tỉnh nghèo nhất nước. Đường sá đi lại cách trở khiến việc phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, hoạt động giao thương, chuyển đổi mô hình kinh tế... gặp nhiều khó khăn. Cái nghèo, cái khổ cùng với tập quán du canh, du cư đã kéo theo nhiều hệ lụy xấu, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự trên địa bàn, tạo điều kiện cho các đối tượng thù địch, phần tử xấu lôi kéo, kích động bà con tham gia hoạt động của “vương quốc Mông”, truyền đạo trái phép...
Phó bí thư Đảng ủy xã Chung Chải, Đại úy Trần Giang Nam - cán bộ Đồn Biên phòng 303 (thuộc Đồn Biên phòng Hua Bum, Lai Châu) cho hay: Chung Chải là xã vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn. Xã có 2 dân tộc chủ yếu là Mông và Mảng. Cả xã có 257 hộ với 1.557 nhân khẩu thì có tới 97% thuộc diện hộ nghèo. Cuộc sống của bà con vô cùng cực khổ. Trước đây (trước ngày 30-6-2015, thời điểm xã Chung Chải được đóng điện lưới quốc gia - PV), bà con chủ yếu dùng đèn dầu và máy phát điện nhỏ để thắp sáng. Trẻ em vì thế không được học hành đầy đủ, nhiều đêm phải đốt củi, lợi dụng ánh sáng để học. Tập quán canh tác lạc hậu, thói quen du canh, du cư cũng vì thế bao đời không thể thay đổi được. Cuộc sống vì thế vốn nghèo, vốn khổ lại càng nghèo, càng khổ hơn.
Nhưng lo nhất, sợ nhất khi không có điện là tư tưởng bà con không ổn định, có tư tưởng du canh, du cư. Ví như trong vụ Huổi Khon (Mường Nhé, Điện Biên), vì nhận thức hạn chế nên nhiều hộ gia đình ở Chung Chải nghe theo lời tuyên truyền, kích động của các đối tượng phản động về một vùng đất sung túc, lúa ngô đầy nương rẫy, vàng bạc đầy nhà... đã bán trâu, bò, gom góp tài sản di cư sang Mường Nhé.
Tuy nhiên, Đại úy Nam cũng cho rằng, khi có điện lưới quốc gia, được các cấp chính quyền quan tâm, giúp đỡ, bà con được hướng dẫn cách làm kinh tế mới, hoạt động sản xuất được cơ giới hóa... đời sống của người dân sẽ được nâng lên. Thói quen du canh, du cư vì thế từng bước sẽ được xóa bỏ, những hệ lụy xấu như truyền đạo trái phép, “vương quốc Mông” sẽ bị đẩy lùi. Và trong thời gian tới, để cụ thể hóa những lợi ích khi có điện lưới quốc gia mang lại, Đảng bộ, UBND xã Chung Chải sẽ tổ chức các chương trình, lớp học để tập huấn, hướng dẫn bà con chuyển đổi mô hình sản xuất, đưa cơ giới hóa vào hoạt động nông nghiệp…
Cùng chia sẻ về câu chuyện này, Chủ tịch UBND xã Tá Bạ Lỳ Nhùng Chừ bảo rằng, từ khi có điện lưới quốc gia, cuộc sống của người dân trên địa bàn xã thay đổi hẳn. Nhà nào nhà nấy đều sắm cho mình các thiết bị sử dụng điện, trẻ con có điều kiện học hành tốt hơn. Tối đến, đèn điện trong bản sáng trưng, mọi người có điều kiện giao lưu, sinh hoạt tốt hơn hẳn.
Ở Lai Châu, việc cấp điện tới các xã, hộ dân khu vực nông thôn có ý nghĩa xã hội rất to lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông nghiệp chuyển dịch tích cực, người dân đã yên tâm đầu tư máy móc chế biến, phát triển sản xuất các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, tăng thu nhập cho gia đình, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Hoạt động sản xuất của người dân nông thôn chuyển dần sang sản xuất hàng hóa, dịch vụ góp phần xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Số hộ nghèo ở Lai Châu nhờ đó đã giảm từ 60,75% năm 2004 xuống còn 23,48% (theo tiêu chí mới) vào năm 2014. Con em đồng bào các dân tộc có đủ ánh sáng và điều kiện để học tập nên chất lượng dạy và học ở tất cả các cấp tại địa phương đã được nâng cao đáng kể. Y tế cơ sở, mở rộng các dịch vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được tốt hơn…
Thanh Ngọc
Năng lượng Mới 452+453
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối, vượt tiến độ 4 ngày
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025