Kỹ năng quản lý vận hành tòa nhà chưa tương xứng với tốc độ đô thị hóa
Giải pháp vận hành, thúc đẩy hiệu năng công trình trong dịch COVID |
Với mục đích thúc đẩy thực hành tốt trong vận hành công trình xây dựng thúc đẩy hiệu năng cao và giải quyết bền vững các thách thức trong giai đoạn Covid như hiện nay, ngày 5/12, tại Hà Nội, Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam (EEN-Vietnam) tổ chức hội thảo Công trình hiệu quả năng lượng thực hành tốt trong vận hành hậu Covid.
Sự kiện có sự đồng hành của Câu lạc bộ Quản lý Toà nhà Hà Nội, Hội Kỹ sư trưởng Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về Tiết kiệm Năng lượng (ENERTEAM), AGOhub, Hội Mô phỏng Hiệu năng Công trình Xây dựng Việt Nam (IBPSA-Vietnam), Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC)…
Bà Trần Thị Thu Phương, Sáng lập Mạng lưới Hiệu quả Năng lượng Việt Nam (EEN-Vietnam). |
Theo EEN-Vietnam, trong thời điểm hiện nay, với tình trạng dịch bệnh Covid kéo dài, việc vận hành các công trình và toà nhà đang gặp nhiều thách thức trong đảm bảo an toàn về sức khoẻ cho con người. Việc này đòi hỏi các công trình phải có các biện pháp phòng tránh dịch bệnh, lưu thông không khí, tránh tiếp xúc, lây nhiễm cho người sử dụng. Bên cạnh đó, dịch Covid cũng trở thành gánh nặng tài chính cho các công trình khi tỉ lệ hấp thụ văn phòng tại Hà Nội giảm xấp xỉ 6% trong khi tỉ lệ trống vẫn được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021. Vì vậy, các chủ đầu tư hiện tại không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm mọi chi phí. Ngoài ra, vận hành công trình cũng là lĩnh vực phát thải khí CO2 cao nhất, chiếm 28% tổng phát thải toàn thế giới.
Trong bối cảnh đó, việc tìm ra lối đi đúng đắn cho việc vận hành công trình và toà nhà một cách bền vững và hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí cho các chủ đầu tư, đơn vị quản lý trong giai đoạn hậu Covid là điều bức thiết.
Ông Phạm Huy Tuấn - Chủ tịch Hội Kỹ sư trưởng Hà Nội. |
Theo ông Phạm Huy Tuấn - Chủ tịch Hội Kỹ sư trưởng Hà Nội, hiện nay tốc độ đô thị hóa tại Hà Nội rất cao trong khi đó các doanh nghiệp quản lý vận hành tòa nhà lại chưa có những kỹ năng tương xứng. Đáng kể là số lượng doanh nghiệp quản lý vận hành tăng cao nhưng không đồng đều, chất lượng dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của cư dân. Các doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn trong quản lý quỹ bảo trì của tòa nhà, quản lý dữ liệu nhà chung cư, hay tổng hợp các báo cáo liên quan.
“Từ những khó khăn đó có thể thấy, nguồn nhân lực quản lý vận hành tòa nhà đang thiếu và yếu ở nhiều góc độ như: thiếu nhân sự, nhân sự chất lượng, nguồn cung chính ngạch, thiếu sự đào tạo chuyên ngành và chưa am hiểu về pháp lý. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp yếu về kỹ năng quản lý, xử lý khủng hoảng, quản trị rủi ro, kỹ năng giám sát và ngoại ngữ” - ông Tuấn nói.
Những khó khăn đó đặt trong bối cảnh dịch Covid khiến các doanh nghiệp, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà đối diện nhiều thách thức về gánh nặng chi phí, bùng phát dịch bệnh hay phát thải khí CO2… Chủ tịch Hội Kỹ sư trưởng Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp, đơn vị quản lý vận hành tòa nhà cần tận dụng công nghệ để tối ưu việc quản lý tòa nhà.
Đưa ra quan điểm sử dụng công trình hiệu quả năng lượng ở góc độ là Giám đốc kỹ thuật khách sạn JW Marriott Hà Nội, ông Nguyễn Văn Chính cho biết, trong khách sạn, các nhu cầu tiêu tốn năng lượng đến từ việc sử dụng điện (đến 85%), Gas (đến 10%), dầu (đến 15%) và nước (đến 15%). Tuy nhiên, nếu quản lý tốt, có thể tiết kiệm năng lượng từ hệ thống điều hòa, hệ thống chiếu sáng, hệ thống cung cấp hơi, từ nước và hiệu suất thông qua bảo dưỡng, vận hành tối ưu các thiết bị.
Tuy nhiên, theo ông Chính, trong quản lý vận hành công trình tại Việt Nam nói chung còn nhiều khó khăn, thách thức về con người, về kỹ thuật, về tài chính, về pháp lý…
Giám đốc kỹ thuật khách sạn JW Marriott cũng cho rằng, để khắc phục những khó khăn và sử dụng công trình hiệu quả năng lượng, các đơn vị cần tăng cường công tác kiểm toán năng lượng; cần có định mức năng lượng phù hợp cho các loại hình cơ sở, khí hậu, vùng miền trong tương lai; thực hiện miễn giảm thuế cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng một cách rõ ràng, dễ thực thi phù hợp với chính sách khuyến khích tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường của Chính phủ…
Các khách mời tại hội thảo. |
Nói về việc đảm bảo vận hành hiệu quả, phòng chống dịch Covid tại các tòa nhà trong thời điểm có dịch bệnh, ông Trần Khánh - Chủ tịch Câu lạc bộ Quản lý Toà nhà Hà Nội cho biết: "Trong thời điểm dịch bệnh Covid, khối lượng công việc tăng bởi cư dân không đến văn phòng mà làm việc ở nhà, từ đó dẫn đến tần suất quản lý vận hành tăng cao và không thể gián đoạn. Công việc nhiều hơn trong khi kinh phí có hạn, không thay đổi dẫn đến nhiều khó khăn cho các đơn vị quản lý vận hành tòa nhà. Tại Hà Nội, Câu lạc bộ đã thông báo đến các thành viên thực hiện tăng cường vệ sinh, tăng cường kiểm soát, giám sát hành khách đến chung cư để kiểm soát dịch bệnh đồng thời tiết giảm các chi phí để có thể đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả và hoạt động của thành viên".
Liên quan đến vấn đề tiết kiệm năng lượng tại các tòa nhà, trả lời câu hỏi của PV Năng lượng Mới tại hội thảo về việc có nên đưa các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng vào diện bắt buộc khi xây dựng các công trình tại Việt Nam, Trần Thành Vũ Giới thiệu về CLB mô phỏng Hiệu Năng Công trình Xây dDựng Việt Nam - IBPSA-Vietnam cho rằng, Việt Nam có quy chuẩn 09/2005 về tiết kiệm năng lượng cho các công trình với diện tích lớn hơn 2.500m2, tuy nhiên, từ năm 2005 đến bây giờ chưa áp dụng được vào thực tế trong thiết kế, xây dựng các tòa nhà, nguyên nhân là không có chế tài thưởng phạt rõ ràng. Ông Vũ cũng cho biết, nên đưa các tiêu chí vào khâu xin giấy phép xây dựng và khi nghiệm thu công trình cũng phải có tiêu chuẩn này thì mới có thể đưa vào diện bắt buộc.
Mạng lưới hiệu quả năng lượng Việt Nam (EEN-Vietnam) được thành lập bởi Doanh nghiệp Xã hội bền vững Việt Nam (VSSE) từ năm 2017. Đây là nơi cung cấp, trao đổi các kiến thức thực tiễn giữa các trường đại học, cộng đồng chuyên gia, kỹ sư, tổ chức tư vấn, đơn vị cung cấp giải pháp và các cơ sở sử dụng năng lượng, nhằm giải quyết những thách thức về sử dụng năng lượng bền vững và hiệu quả. |
Xuân Hinh
-
[PetroTimesTV] Cỗ máy làm từ rác thải nhựa khai thác năng lượng thủy triều
-
[PetroTimesTV] Từ tuabin gió 20 năm tuổi đến ngôi nhà tí hon hiện đại
-
Giảm phát thải khí nhà kính - Giải pháp nào cho ngành phân bón
-
Bản tin Năng lượng xanh: Sự trở lại của Tổng thống Trump có thể làm chậm lại chứ không ngăn sự bùng nổ năng lượng sạch của Mỹ
-
Bài cuối: Những khuyến nghị quý giá để phát triển điện gió ngoài khơi