Kiểm soát chặt chẽ, không được chủ quan
PV: Thưa ông, thi công các đập thủy điện rất phức tạp. Việt Nam có những tiêu chuẩn nào trong xây dựng đập thủy điện mà các đơn vị thi công phải tuyệt đối tuân thủ?
Chuyên gia thủy điện Bùi Thức Khiết |
Ông Bùi Thức Khiết: Tôi có một kinh nghiệm thực tế khi còn làm Phó giám đốc Nhà máy Thủy điện Thác Bà. Đây là công trình thủy điện mà ngoài 2 đập chính, còn phải xây dựng 19 đập phụ đắp bằng đất.
Hồi đó (những năm 60 của thế kỷ XX - PV), khi đắp đập, các chuyên gia đến từ Liên Xô hướng dẫn và kiểm tra rất kỹ, đặt ra những yêu cầu cực kỳ khắt khe. Ví dụ, phần lớn đất ở Việt Nam đều có độ ẩm cao, nên cần phải sấy khô trước khi đưa vào đắp đập để bảo đảm độ ẩm phù hợp. Sau này, phía Việt Nam đã có sáng kiến rất hiệu quả là bóc bỏ lớp đất ngoài cùng có độ ẩm cao, chỉ lấy lớp đất bên trong độ ẩm thấp hơn, vẫn bảo đảm được tiêu chuẩn thi công.
Ngoài ra, thành phần hạt trong đất (hạt nhỏ, hạt lớn, hạt trung bình) cũng là một tiêu chuẩn đặc biệt quan trọng khi lựa chọn đất để đắp đập phụ.
Tiếp đó là độ đầm nén. Khi đắp đập, chỉ đắp 20cm/lớp và phải đầm đến khi nào đạt tiêu chuẩn mới được đắp sang lớp khác. Ở hiện trường luôn có một đội kiểm tra chất lượng đất, việc đầm nén đã đạt tiêu chuẩn hay chưa.
Khi thi công các công trình thủy điện, những hạng mục đắp đất đều phải hoàn thành trong mùa khô, vì bước sang mùa mưa, độ ẩm trong đất sẽ tăng lên khiến lớp tiếp giáp thay đổi.
Nói chung, việc xây dựng đập thủy điện luôn phải tuân thủ những quy định chặt chẽ. Ví dụ, đắp đập chính không thể chỉ hoàn thành trong 1 mùa khô, mà phải mất đến 2-3 mùa khô. Trong trường hợp đó, người ta có quy trình hướng dẫn khi mưa xuống phải làm như thế nào, hoặc cần xử lý bề mặt ra sao để tiếp tục đắp đập, bảo đảm yêu cầu chất lượng…
PV: Vừa qua, tại Lào đã xảy ra sự cố vỡ đập phụ đắp bằng đất của thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy. Việt Nam có thể rút ra bài học gì trong xây dựng, cũng như quản lý đập thủy điện sau sự cố này, thưa ông?
Ông Bùi Thức Khiết: Đối với các đập đất, đập phụ, cần phải xử lý nền thật tốt, chống xói ngầm tốt. Trong quá trình thi công phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, quy chuẩn xây dựng.
Trong quá trình vận hành, phải thường xuyên, liên tục theo dõi và quan trắc, đo hệ số nước thấm, kiểm tra mặt đập…, để phát hiện kịp thời các tình huống, bởi dù chỉ một sự cố nhỏ có thể dẫn tới sự cố lớn hơn.
Tại Việt Nam, nhất là những công trình thủy điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý, ngay từ những công trình thủy điện đầu tiên như Thác Bà, Hòa Bình, Đa Nhim…, chúng ta đã được Liên Xô (cũ), Nhật Bản hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng rất bài bản và đều bảo đảm chất lượng. Các cán bộ quản lý, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã học tập được rất nhiều kinh nghiệm, xây dựng được các quy trình, tiêu chuẩn chất lượng công trình. Sau đó, nguồn nhân lực này tiếp tục mang những kiến thức, kinh nghiệm của mình để tham gia xây dựng các công trình thủy điện mới.
PV: Ông đánh giá như thế nào về công tác quản lý an toàn đập thủy điện ở nước ta?
Ông Bùi Thức Khiết: Các công trình thủy điện đều đang được quản lý tương đối chặt chẽ. 100% công trình đều đã có phương án phòng chống bão lũ theo quy định; có các thiết bị quan trắc và được kiểm tra, theo dõi trong quá trình vận hành.
Trước mùa mưa bão, các công trình thủy điện đều được đánh giá an toàn đập, nếu bảo đảm an toàn thì được vận hành, nếu có thiếu sót sẽ không được phép tích nước. Riêng với những công trình thủy điện trên 50MW, hằng quý, hằng năm, Tổ nghiệm thu của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đều kiểm tra chất lượng, đánh giá tình trạng hoạt động.
Có thể nói, hiện nay, các công trình thủy điện của nước ta đã và đang được kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, sự cố ở Lào cũng giúp chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm. Thiên tai không thể nói trước được, khi thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt và khó lường. Do vậy, chúng ta không được phép chủ quan.
PV: Thủy điện là dạng công trình rất phức tạp và nếu có sự cố thì mức độ ảnh hưởng tới vùng hạ du rất lớn. Nên chăng, Việt Nam cũng cần có các kịch bản rủi ro cho các công trình thủy điện cũng như khu vực hạ du?
Ông Bùi Thức Khiết: Khi xây dựng thủy điện, chủ đầu tư đã có những đánh giá, tính toán về những rủi ro an toàn đập, nhằm bảo đảm công trình gần như an toàn tuyệt đối.
Ví dụ, với Thủy điện Hòa Bình, khi xây dựng đã tính tới tình huống sẽ gặp những cơn lũ với tần suất một vạn năm mới có 1 lần. Trong khi đó, từ trước tới nay, ở Hòa Bình mới quan trắc được lũ có tần suất một trăm năm mới có 1 lần.
Còn đối với vùng hạ du, tôi cho rằng việc xây dựng các kịch bản rủi ro là cần thiết. Ủy ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp sẽ đưa ra các tình huống khác nhau, phối hợp với các địa phương, nhà máy thủy điện, người dân tổ chức diễn tập, để nâng cao năng lực ứng phó, khả năng chủ động cho người dân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nay, các công trình thủy điện của nước ta đã và đang được kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, thiên tai không thể nói trước được, khi thời tiết đang ngày càng khắc nghiệt và khó lường. Do vậy, chúng ta không được phép chủ quan. |
Hỗ trợ Lào 200.000 USD khắc phục sự cố vỡ đập thủy điện | |
Chia sẻ khó khăn với nhân dân Lào trong sự cố đập thủy điện Xe Pian | |
Giải cứu thành công các công nhân Việt do vỡ đập thuỷ điện ở Lào |
Hồng Hoa
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán và đấu nối: Tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Đồng Nai và khu vực
-
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau thảo luận tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và đường dây đấu nối, vượt tiến độ 4 ngày
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây