Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Không thể là nước công nghiệp khi hàng giả, hàng lậu tràn ngập

16:38 | 28/03/2012

Theo dõi PetroTimes trên
|
Đó là nhận định rất xác đáng và cũng là lời thúc giục đối với các ban, ngành mà Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đưa ra trong hội nghị về công tác chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vừa diễn ra tại Hà Nội.

Sau khi nghe xong báo cáo của các đơn vị như Bộ Tư lệnh Biên phòng, Ban Chỉ đạo 127 TP Hà Nội, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, Tổng cục Hải Quan, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng quan điểm với các đơn vị khi cho rằng việc đấu tranh, phòng chống tội phạm buôn bán hàng lậu, hàng giả hiện nay còn hết sức gian nan và gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhận định: “Nhìn chung, chúng ta vẫn chưa hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Bởi mặc dù kết quả có tốt lên, tức là giảm được tỉ lệ buôn lậu xuống thấp hơn nhưng hiện tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP)… vẫn còn tiếp diễn phức tạp”.

Xăng dầu đóng vào can, chỉ cần vượt qua kênh Vĩnh Tế (Kiên Giang) được là xem như xuất lậu thành công sang Camphuchia

Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị các đơn vị phải cùng nhau phối hợp và quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh với bọn tội phạm. Bởi “Không thể có nước công nghiệp năm 2020 khi hàng giả, hàng lậu tràn ngập đầy biên giới và tràn ngập thị trường nội địa. Người tiêu dùng và các nhà sản xuất trong nước phải được bảo vệ thì mới có thể yên tâm sản xuất, mới có thể đưa đất nước tiến nhanh lên thành nước công nghiệp vào năm 2020 được” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhức nhối hoạt động xuất lậu xăng dầu, khoáng sản

Trước đó, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô – Cục trưởng Cục Phòng chống ma tuý và Tội phạm (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng) đã có bài tham luận về công tác đấu tranh chống vận chuyển, buôn bán ma túy, chống xuất lậu quặng, xăng dầu và các loại hàng hóa khác.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, khu vực biên giới (KVBG) có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là địa bàn nhạy cảm về chính trị – xã hội; cửa ngõ giao lưu buôn bán phát triển, lưu lượng người, phương tiện, hàng hóa ra vào KVBG, vùng biển ngày càng tăng.

Năm 2011 vừa qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động; hoạt động của bọn tội phạm diễn biến phức tạp, gia tăng, tính chất hoạt động ngày càng nguy hiểm, manh động và liều lĩnh. Trong đó nổi lên là hoạt động của tội phạm về ma túy; buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới…

Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM) trên mỗi tuyến biên giới về tính chất, mức độ khác nhau. Nếu như trên tuyến biên giới phía Bắc giáp với Trung Quốc, hàng hóa nhập lậu chủ yếu là hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm, pháo nổ, hàng hóa xuất lậu chủ yếu là than, khoáng sản thì tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Việt Nam – Campuchia, mặt hàng nhập lậu chủ yếu là thuốc lá, vàng, đường cát, mỹ phẩm, gỗ, động vật quý hiếm và xuất lậu lại chủ yếu là xăng, dầu. Đối với tuyến biển, GLTM trong hoạt động xuất lậu chủ yếu là xăng, dầu, than, quặng…

Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng cũng rất tinh vi. Khi bị phát hiện, các đối tượng thường chống đối quyết liệt, manh động, tổ chức cướp hàng, đe dọa hoặc tung tin xấu nhằm vô hiệu hóa lực lượng chống buôn lậu.

Năm 2011 vừa qua, Bộ đội Biên phòng đã tập trung chỉ huy chỉ đạo, triển khai làm tốt công tác đấu tranh tội phạm ở KVBG, vùng biển, góp phần giữ vững chủ quyền an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Hiện nay, một trong những vấn đề đang được quan tâm chính là hoạt động xuất lậu xăng dầu, khoáng sản trên biển. Đáng chú ý là vùng biển thuộc các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, TP HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ như An Giang, Kiên Giang.

Công tác đấu tranh còn bị động

Trước tình hình trên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã mở nhiều kế hoạch cao điểm đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại nói riêng; tập trung đấu tranh quyết liệt, triệt phá nhiều đường dây, tổ chức mua bán, vận chuyển các chất ma túy, buôn lậu, GLTM với quy mô lớn, góp phần làm giảm tình hình hoạt động của tội phạm trên cả nước.

Kết quả năm 2011, các đơn vị bộ đội biên phòng đã phát hiện, bắt giữ 1.156 vụ/1.360 đối tượng buôn lậu, GLTM, vận chuyển trái phép hàng hóa. Tang vật thu giữ gồm: 80.000 lít xăng dầu, 963.537 lít dầu DO, 90.130 tấn than, 7.891 tấn quặng, 283.989 bao thuốc lá… nộp ngân sách Nhà nước hơn 20 tỉ đồng.

Tuy nhiên, kết quả trên được Bộ Tư lệnh Biên phòng nhận định là còn hạn chế so với thực trạng hoạt động của bọn tội phạm diễn ra trên các tuyến biên giới, vùng biển. Tuy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ song chưa đánh trúng chủ mưu, bọn cầm đầu. Công tác đấu tranh ngăn chặn đối với một số mặt hàng chiến lược, trọng điểm như xăng, dầu, than, quặng còn bị động, có lúc chưa kiểm soát được.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô, một trong những nguyên nhân khiến lực lượng Bộ đội Biên phòng còn bị động so với các đối tượng tội phạm là “do anh em còn thiếu phương tiện, trang thiết bị hiện đại, kinh phí thì ít ỏi”.

Ông lấy ví dụ: “Trường hợp như khi các anh em truy đuổi một nhóm đối tượng tàu buôn lậu trên biển chẳng hạn. Chúng ta thì lái Grip còn chúng đi toàn tàu lớn, hiện đại. Mà Grip là loại tàu cũ của Liên Xô trước đây, tốn xăng vô cùng, lại không nhanh bằng các tàu hiện đại bây giờ. Đuổi theo được ra đến giữa biển hết xăng thì tiếp nhiên liệu ở đâu, nên đành chào thua chúng chứ đuổi sao được”.

Vì vậy, Thiếu tướng Nguyễn Sinh Xô cũng đưa ra hai kiến nghị. Thứ nhất, Chính phủ cần thường xuyên sửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các nghị định để phù hợp với thực tế diễn biến tình hình hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tránh tạo kẽ hở để đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội. Thứ hai, Nhà nước cần tăng cường biên chế, trang bị phương tiện, kỹ thuật và kinh phí đảm bảo cho các lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ.

Nguyễn Nga