Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khó kiểm soát thực phẩm chứa hóa chất

19:04 | 12/07/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Ngày 12/7, tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức hội thảo phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng khu vực phía Nam, nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và người tiêu dùng đối với các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).

Theo đó, Luật An toàn thực phẩm phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan, đặc biệt là trách nhiệm của ba Bộ đó là: Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đối với vấn đề đảm bảo ATVSTP. Điều này cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đến việc bảo vệ an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu tiêu thụ trên thị trường, hướng đến đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho nhu cầu thiết yếu, hằng ngày của người dân.

Tuy nhiên, hiện nay ATVSTP vẫn là vấn đề đáng lo ngại, gây bức xúc lớn cho người dân mà chưa thấy được những chuyển biến tích cực. Người dân ngày càng mất niềm tin vào chất lượng thực phẩm bởi các phụ gia, hóa chất độc hại trong thực phẩm vẫn khó kiểm soát, thực phẩm bẩn vẫn tràn lan trên thị trường.

Ngày càng có nhiều vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn được các cơ quan chức năng phát hiện. Tuy nhiên, đến lúc phát hiện ra thì các loại thực phẩm này đã được bày bán trên thị trường một thời gian dài và không ít người dân đã sử dụng mà không hề hay biết chúng độc hại.

Hóa chất, phụ gia thực phẩm bày bán tràn lan trên thị trường

Trong các hành vi vi phạm về ATVSTP, đáng lo ngại nhất hiện nay là sử dụng phẩm màu, phụ gia, hóa chất độc hại trong thực phẩm để “phù phép” cho thực phẩm trở nên bắt mắt, dễ tiêu thụ, “biến” thực phẩm ôi thiu thành thực tươi ngon, đánh lừa người tiêu dùng.

Ông Phạm Đình Thưởng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương cho biết: Mặc dù Luật An toàn thực phẩm đã quy định mức xử phạt khá cao đối với hành vi vi phạm liên quan đến sử dụng hóa chất trong thực phẩm: Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm; phạt từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa chất bị cấm trong thực phẩm;… Tuy nhiên, do lợi nhuận nên bất chấp các quy định của pháp luật và sức khỏe của người tiêu dùng, nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm vẫn vi phạm, đem lại hệ lụy rất lớn cho sức khỏe của cộng đồng không chỉ trước mắt mà còn lâu dài, đồng thời gây ảnh hưởng đến thương hiệu thực phẩm quốc gia.

Mặc dù các cơ quan, ban ngành đang nỗ lực để đảm bảo ATVSTP cho người tiêu dùng nhưng đến nay một thực tế vẫn đang diễn ra là cơ quan chức năng không thể kiểm soát hết nguồn thực phẩm trên thị trường, còn người tiêu dùng thì bằng mắt thường khó có thể nhận biết được hóa chất trong thực phẩm. Do đó, hiện nay, rất nhiều người tiêu dùng vẫn phải “đánh liều” sử dụng các loại thực phẩm mà không biết chất lượng như thế nào để đảm bảo cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày.

Mai Hiên