Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khi Singapore không còn Lý Quang Diệu…

11:07 | 23/03/2015

1,026 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Singapore đã chuẩn bị thế nào cho một tương lai không có Lý Quang Diệu - vị Thủ tướng đầu tiên, người được coi là Cha đẻ, kiến tạo nên nền độc lập và có ảnh hưởng to lớn tới sự phát triển phồn vinh của đảo quốc Sư tử không chỉ trong thời gian tại vị mà còn cả khi đã lùi vào hậu trường chính trị?

Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu

Trong 41 năm lãnh đạo Singapore, ông Lý Quang Diệu đã biến đổi một lãnh thổ thuộc địa Anh vốn cằn cỗi, không tài nguyên thành một quốc gia có nền kinh tế phồn thịnh, bằng những chính sách quyết đoán, tầm nhìn xa trông rộng hiếm thấy và bằng lòng nhiệt huyết tột cùng với đất nước, viết nên một câu chuyện huyền thoại về một con rồng châu Á khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ, học tập, nghiên cứu.

Người Singapore ngày nay đang hưởng một mức sống tương đương với Nhật Bản và các nền kinh tế tiên tiến của châu Âu và Bắc Mỹ, mặc dù không có một hệ thống chính trị đa nguyên như các quốc gia này. Dấu ấn Lý Quang Diệu trong sự phát triển của Singapore mạnh mẽ đến nỗi nói đến Singapore không thể không nhắc tới Lý Quang Diệu và nói đến Lý Quang Diệu không thể không trân trọng đặt cạnh tên ông những cụm từ danh xưng “cha đẻ” hay “người cha lập quốc” của Singapore.

Có một sự thật là nhiều người vẫn nhầm tưởng rằng, cho đến khi “nhắm mắt xuôi tay”, ông Lý Quang Diệu vẫn là Bộ trưởng Cố vấn trong Chính phủ của con trai ông - Thủ tướng Singapore đương nhiệm Lý Hiển Long. Nhưng kỳ thực là ông đã rời khỏi vị trí này vào năm 2011, chỉ một tuần sau khi Đảng Nhân dân hành động cầm quyền nhận kết quả bầu cử tồi tệ nhất trong 5 thập kỷ qua - hệ quả mà các quan chức chính phủ và các nhà quan sát chính trị đã gán cho những căng thẳng kinh tế xã hội trong những năm gần đây ở đảo quốc Sư tử.

Những căng thẳng này chủ yếu xoay quanh các vấn đề: giá nhà ở và chi phí giao thông vận tải tăng, sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng mở rộng và đặc biệt là chính sách nhập cư. Bởi trong hơn 10 năm qua, Singapore trở thành điểm đến hấp dẫn với người nước ngoài vì chính sách nhập cư thông thoáng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng dân số. Dòng chảy lao động nhập cư góp phần củng cố vị thế một trong những quốc gia giàu nhất thế giới của Singapore, nhưng cũng là đối tượng bị chỉ trích vì đẩy giá nhà đất và các chi phí sống tăng cao, cơ sở hạ tầng không đủ đáp ứng, làm tăng thêm khoảng cách giàu nghèo.

Bốn năm qua cũng là lần đầu tiên mà Singapore tự lực và độc lập phát triển mà không có kinh nghiệm của ông Lý Quang Diệu trong nội các. Đảng cầm quyền đã cam kết hạ mục tiêu tăng trưởng và nghiên cứu các chính sách tốt hơn để chia sẻ những thành quả phát triển kinh tế của đất nước với các tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và thấp. Chính con trai ông Lý Quang Diệu, Thủ tướng Lý Hiển Long đang thiết kế và giám sát những hiệu chỉnh này.

Dưới sự lãnh đạo của ông Lý Hiển Long, người lên nắm quyền Thủ tướng vào năm 2004, chính phủ đã cố gắng thoát khỏi hình ảnh xưa của Singapore và tái thương hiệu đảo quốc sư tử như là một trung tâm quốc tế về văn hóa và thương mại. Singapore gần đây đã tăng thuế thu thập đối với tầng lớp 5% những người giàu nhất đất nước để có tiền chi cho các chương trình trợ cấp xã hội cho người nghèo và người già - một phần trong nỗ lực dài hạn để tái thiết nền kinh tế và điều chỉnh thay đổi nhu cầu xã hội.

“Với những thay đổi sâu sắc trong bối cảnh kinh tế của Singapore và một môi trường chính trị phức tạp hơn, một số ý tưởng và phong cách chính sách của Lý Quang Diệu có thể trở nên ít liên quan”, ông Yeoh Lam Keong, một chuyên gia kinh tế và giáo sư trợ giảng tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận xét. Tuy nhiên, ông Yeoh khẳng định: “Mặc dù vậy, những lý tưởng dân chủ xã hội cốt lõi và các mục tiêu mà người cha lập quốc Lý Quang Diệu theo đuổi vẫn là kim chỉ nam trong con đường phát triển của Singapore ngày nay. Đó là đưa đến cho người dân các cơ hội tiếp cận bình đẳng với giáo dục, y tế, nhà ở và cơ sở hạ tầng công cộng. Bên cạnh đó, chính sách dân số và nhập cư theo hướng thu hút nhân tài vẫn quan trọng hơn nhận thức về những nguy cơ đối với môi trường và xã hội do tình trạng quá tải. Chúng tôi chắc chắn có thể làm nhiều hơn nữa để tái tập trung nỗ lực vào việc theo đuổi những mục tiêu này”.

Ngoài ra, những thay đổi của Singapore về chính sách xã hội cũng đang là đề tài tranh luận về cách quốc gia Đông Nam Á này nên vạch đường đi cho mình trong một tương lai không có “kiến trúc sư” Lý Quang Diệu. Các cuộc tranh luận này đặc biệt nổi bật trong bối cảnh Singapore đang chuẩn bị kỷ niệm 50 năm ngày độc lập, tách khỏi Malaysia.    

Về nội bộ Đảng Nhân dân hành động, ông Inderjit Singh, một nhà lập pháp đảng cầm quyền nhận định, phong cách cứng rắn của ông Lý Quang Diệu về quản trị đảm bảo sự ổn định của Singapore và cho phép đất nước 5,4 triệu dân này phát triển thịnh vượng. Một chính phủ trong sạch và hoạt động hiệu quả ngày hôm nay là kết quả của nền văn hóa lãnh đạo mà ông Lý Quang Diệu và các cộng sự, cũng như thế hệ lãnh đạo Đảng đã kiến tạo. Những di sản đó chắc chắn sẽ vẫn được duy trì, phát huy trên con đường phát triển của Singapore.

Ngay cả khi con trai ông Lý Quang Diệu là thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long có thôi chức thì nền tảng Lý Quang Diệu vẫn còn đó. Mọi sự thay đổi sẽ là dần dần và không quá lớn, ít nhất là trong vài thập niên tới.

Linh Phương (tổng hợp)