Khi sếp nhà băng "sắm vai" lừa đảo
Những vụ việc chấn động
Mới đây, Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt tạm giam Hà Hải Đăng (35 tuổi, trú P.Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng), nguyên là Giám đốc phòng giao dịch (PGD) Nam Phước, Ngân hàng TMCP An Bình vì có hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 14 tỉ đồng, thông qua việc vay mượn tiền để làm thủ tục đáo hạn ngân hàng.
Qua điều tra của công an, đối tượng Hà Hải Đăng đưa thông tin gian dối cần mượn tiền làm thủ tục đáo hạn ngân hàng cho khách nhưng thực tế là đem đi đầu tư bất động sản kiếm lời, trả nợ cá nhân dẫn đến không có khả năng trả nợ.
Quầy giao dịch tại ABBank/ Ảnh minh hoạ |
Ngày 12/4/2024, TAND tỉnh Bạc Liêu mở phiên tòa sơ thẩm vụ án hình sự “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Có 7 bị cáo bị đưa ra xét xử gồm: Phạm Văn Liệt (49 tuổi, cựu Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu chi nhánh Cà Mau, gọi tắt ACB Cà Mau), Nguyễn Ngọc Lê Hoàng (49 tuổi, cựu kiểm soát viên tín dụng ACB Cà Mau), Nguyễn Văn Sơn (48 tuổi, cựu Giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình chi nhánh Bạc Liêu, gọi tắt ABBank Bạc Liêu), Võ Văn Trương (41 tuổi, cựu Trưởng phòng Quan hệ khách hàng), Kim Hoàng Minh Tân (44 tuổi, cựu Trưởng phòng Quản lý tín dụng), Đinh Quốc Toàn (37 tuổi, cựu chuyên viên quan hệ khách hàng ABBank Bạc Liêu và Trương Bích Thủy (42 tuổi, cựu chuyên viên quan hệ tín dụng ABBank Bạc Liêu.
HĐXX nhận định, 2 cựu giám đốc và 5 thuộc cấp của ACB Cà Mau, ABBank Bạc Liêu đã vi phạm về xét duyệt, thẩm định cho vay; thiếu kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay; giải ngân cho vay, thẩm định tài sản đảm bảo là hàng tồn kho không đúng, không đầy đủ theo quy định, dẫn đến hậu quả là ACB Cà Mau, ABBank Bạc Liêu không thu hồi được tổng số tiền hơn 36,6 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 16/4/2015, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai cho biết đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đặng Thanh Nhàn (43 tuổi), nguyên Trưởng phòng giao dịch Pleiku của ABBank Chi nhánh Gia Lai về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra xác định, trong thời gian làm Trưởng phòng giao dịch Pleiku của Ngân hàng TMCP An Bình, Chi nhánh Gia Lai, Đặng Thanh Nhàn lợi dụng chức vụ đã vay mượn tiền của nhiều người nhưng không có khả năng trả nợ.
Từ những việc trên, có thể thấy uy tín của ABBank ít nhiều đã bị ảnh hưởng bởi những vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng của cán bộ ABBank.
Cũng liên quan đến các “sếp” ngân hàng lừa đảo, gần đây nhất, VKSND TP Hà Nội đã hoàn tất cáo trạng, chuyển hồ sơ vụ cựu Phó giám đốc Ngân hàng Eximbank chi nhánh Ba Đình lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng sang TAND TP Hà Nội để xét xử.
Vụ án bắt đầu được hé lộ từ sau khi Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) nhận được trình báo của bà N.T.H. (SN 1979, ở Hoàng Mai, Hà Nội) tố cáo bà Vũ Thị Thu Nhung (SN 1977, cựu Phó Giám đốc Ngân hàng Eximbank Chi nhánh Ba Đình) có hành vi chiếm đoạt 23 tỷ đồng thông qua việc làm giả các Chứng chỉ tiền gửi có kỳ hạn rút vốn linh hoạt tại Ngân hàng Eximbank.
Kết quả điều tra cho thấy, năm 2014, bà Nhung cần tiền chi tiêu cá nhân nên đã có hành vi gian dối, đưa ra các thông tin không có thật với những người quen biết để lừa đảo chiếm đoạt hơn 2.705 tỷ đồng của khoảng 100 người.
Một vụ việc khác, Công an tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị này đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Vinh (35 tuổi, trú tại P.Phù Đổng, TP.Pleiku), cán bộ tín dụng Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), chi nhánh Gia Lai khi lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng chiếm đoạt 3,5 tỉ đồng.
Không chỉ các vụ đơn lẻ trên, ngay trong các vụ đại án lớn như tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đã có hàng nghìn khách hàng bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền khi quá tin tưởng vào nhân viên ngân hàng. Ngoài sự chủ động giăng bẫy của các nhân viên, lãnh đạo nhà băng thì sự thiếu cẩn trọng, quá tin tưởng vào các đối tượng này khiến khách hàng chịu thiệt hại.
Trách nhiệm của các ngân hàng thế nào?
Trước việc nhiều đối tượng đang giữ chức vụ quan trọng tại các ngân hàng, lợi dụng danh nghĩa là “sếp” để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt đã ít nhiều “lật tẩy” sự buông lỏng quản lý, dung túng sai phạm của các ngân hàng.
Câu hỏi đặt ra lúc này là nếu khách hàng đặt "trọn niềm tin" vào cán bộ của các ngân hàng thì khi họ bị chiếm đoạt, lừa đảo, trách nhiệm của ngân hàng đến đâu? Ngân hàng có đứng ra bồi thường cho khách hàng hay lại “phủi” trách nhiệm cho cá nhân?
Đề cập đến vấn đề trách nhiệm, các chuyên gia cũng cho rằng, về nguyên tắc, quản lý nhân viên ngân hàng là trách nhiệm của ngân hàng chứ không phải của người gửi tiền. Tuy nhiên, người gửi tiền cũng cần có trách nhiệm kiểm tra, giám sát đối với tiền gửi của mình và cùng với ngân hàng để ngăn chặn các rủi ro có thể xảy ra.
Theo Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Tài chính, pháp luật hiện nay đã quy định rõ ngân hàng có trách nhiệm với người gửi tiền. Tuy nhiên đó phải là một giao dịch hợp pháp và khi vụ việc xảy ra, đương nhiên ngân hàng phải khẳng định với khách hàng là ngân hàng có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ cho khách hàng. Ngân hàng không thể chối bỏ. Bên cạnh đó, cũng phải điều tra rõ xem đây có phải là lỗi từ phía ngân hàng hay là do lãnh đạo ngân hàng thông đồng với người gửi tiền để hai bên cùng rút tiền khỏi ngân hàng.
Cũng theo ông Lực, về mặt nguyên lý nguyên tắc thì cần phải dựa vào tùy tình huống cụ thể nhưng mấu chốt vẫn phải là giải quyết nhanh chóng, hợp tác cùng giải quyết.
"Chuyện rút tiền ra khỏi ngân hàng là điều không dễ dàng vì phải có giấy đề nghị từ khách hàng và phải có ít nhất 2 chữ kỹ của cán bộ ngân hàng bao gồm giao dịch viên và kiểm soát. Nếu số tiền rút ra khỏi ngân hàng càng lớn thì cấp bậc kiểm soát càng cao", ông Lực nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu |
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PetroTimes, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, các vụ việc lãnh đạo, cán bộ ngân hàng vi phạm pháp luật trực tiếp hoặc gián tiếp như gian dối, tham ô, gian lận tăng lên trong những năm gần đây. Lý do, quy mô nền kinh tế phát triển nhanh và mở rộng, ngành ngân hàng cũng tăng trưởng bùng nổ.
"Trong năm 2023, một hiện tượng rất đáng lo ngại lừa đảo liên quan đến khách hàng của ngân hàng, tài khoản ngân hàng nở rộ. Rủi ro cho ngân hàng trước tiên là về mặt uy tín khi chính cán bộ ngân hàng đáng lẽ là người phải bảo vệ khách hàng thì lại là người gây ra thiệt hại cho khách hàng. Thứ hai, chứng tỏ một điều sự kiểm soát trong nội bộ ngân hàng vẫn chưa đủ chặt chẽ và có những lỗ hổng để các đối tượng lừa đảo lợi dụng. Nếu những quy định về bảo mật được thực hiện một cách chặt chẽ nhất, ngay cả về phía khách hàng cũng vậy, không đồng lõa với tội phạm thì việc này không thể xảy ra", TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết thêm.
Cũng theo TS Hiếu, ngân hàng cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định liên quan đến giao dịch tài chính. Từ đó, tránh tạo "kẽ hở" để một số cán bộ, nhân viên lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vừa xâm hại quyền lợi của khách hàng, vừa ảnh hưởng xấu đến uy tín của chính mình.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này cũng đã có nhiều khuyến cáo, yêu cầu các ngân hàng cần thiết lập đầy đủ các phòng, ban chuyên môn theo dõi, tổng hợp và thực hiện đánh giá rủi ro liên quan đến tham nhũng đối với tất cả các hoạt động của ngân hàng. Bên cạnh đó nên có các chính sách phòng, chống tham nhũng, thực hiện tuyên truyền, phổ biến đầy đủ rõ ràng cho tất cả các cấp quản lý và nhân viên, khách hàng và đối tác.
Các ngân hàng cần xây dựng các quy chế, quy trình nghiệp vụ của tất cả các hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ luôn mô tả rõ các bước, trình tự thực hiện, thiết kế chốt kiểm soát an toàn mà tất cả các cán bộ nhân viên tham gia đều phải tuân thủ; đồng thời cũng quy định các nội dung cán bộ không được làm để hạn chế các rủi ro trọng yếu, trong đó có bao gồm cả rủi ro tham nhũng, gian lận nội bộ.
Với khách hàng, trước khi giao dịch với ngân hàng cần tìm hiểu thật kỹ các quy định, quy trình và cần thận trọng không nên tin tưởng bỏ qua các bước xác nhận cần thiết để hoàn thành giao dịch.
Huy Tùng