Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Khắc họa chân dung người cuồng tín

07:04 | 21/02/2014

3,166 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Người cuồng tín là ai? Câu trả lời thật khó dẫu phóng viên PetroTimes đã cất công thâm nhập đến cả những điện thờ đơn giản, xập xệ nhất hay cực kỳ hoành tráng. Người viết bài này đã nhiều lần giật mình vì học vấn, trình độ, khả năng “đắc nhân tâm” của các cô, “thầy” trong giới tâm linh không hề thấp chút nào. Họ giỏi lắm! Xin được phác họa chân dung người được coi là cuồng tín nhất mà phóng viên đã từng gặp.

Năng lượng Mới số 297

Cặp bài trùng ăn ý

Đầu xuân nào cũng vậy, cùng với việc lễ lạt, trẩy hội thì một việc không thể thiếu trong dịp này là đi xem bói. Chưa có một thống kê nào cụ thể nhưng nếu có chắc chắn, số người đi xem bói phải đông hơn số người chưa xem bói, giới trẻ phải nhiều hơn thế hệ ông cha trong giới đó. Và lạ càng trẻ thì càng thích, càng “mê” đi xem bói.

Anh là doanh nhân, mới ngoại tứ tuần, nhưng số lần đi xem bói tự anh thú nhận phải gấp đôi số tuổi của mình. Bởi cứ nghe ai mách ở đâu dù xa hay gần, thậm chí ở nước ngoài, anh cũng đi, không ngại mất bao nhiêu tiền cho thầy bói. Anh có niềm “đam mê” được nghe người khác dự đoán về cuộc đời của mình như say mê công việc kinh doanh.

Thế nhưng trong kinh doanh, có cảm giác anh tỉnh táo, cân nhắc cẩn thận bao nhiêu thì ngồi trước cô đồng, thầy bói, anh lại u tối, mê muội bấy nhiêu. Người ta bảo gì anh làm nấy, bảo đưa bao nhiêu tiền anh đưa bấy nhiêu, vui vẻ, thành ý chấp nhận lễ lạt, cầu cúng mà không tính toán. Anh như một đứa trẻ hơn là một ông chủ “chinh chiến” dày dạn trên thương trường trước “người dự đoán tương lai”.

Giới trẻ xếp hàng chờ xem bói ở chùa Keo, Thái Bình

Anh rất thân với giới bói toán hay nói đúng hơn anh là “đệ tử” của họ, còn họ coi anh là “thượng đế”. Trong đó có bà Hạnh, nổi tiếng trong giới hầu đồng. Bà là người xem bói bài Tây được đồn thổi là hay lắm, đúng lắm, phán việc như thần. Bà Hạnh trước có điện thờ ở quận Hai Bà Trưng, nay đã chuyển ra ngoại thành Hà Nội. Người trong giới đồn đại, sở dĩ có sự dịch chuyển bất đắc dĩ ấy là bởi điện của bà ở trong nội thành tuyệt đẹp mỗi tội trên thì điện thờ với hệ thống tượng pháp linh thiêng, dưới là nhà vệ sinh dễ gây ô uế cả điện.

Bà Hạnh đối với anh như “thánh sống”, phán gì theo nấy. Từ năm ngoái, bà Hạnh bảo anh có hạn tam tai nên trong suốt mấy năm trời, anh phải liên tục làm lễ. Mỗi lễ ngót nghét 100 triệu đồng. Mà đương nhiên không ai khác chính bà Hạnh là người hành lễ. Bà Hạnh còn bảo, cứ “khoán trắng” cho bà không phải lo gì cả, chỉ việc đưa tiền là xong.

Chưa hết, nhà anh có cô em gái không những bị thiểu năng trí tuệ mà còn bị câm, điếc. Y học bó tay nhưng bà Hạnh phán: bà sẽ làm lễ để cho em gái anh nghe, nói được!? Thế mà anh tin và lại “chủ chi” theo đề nghị quen thuộc của bà. Có lần bà bảo để “linh” việc giải vận giải hạn, anh cùng cả gia đình phải đi lễ ở một đền thờ đúng từ nửa đêm đến 3 giờ sáng. Anh cũng làm theo, lại còn bắt cả con nhỏ đi cùng. Lần đó tự anh “bật mí” làm lễ phải “tiền tấn”.

Nói tóm lại, bà Hạnh hơn cả “thánh sống” dưới con mắt anh và anh là người giúp bà Hạnh giàu có trên chính sự “mù quáng” của mình. Có người nói xa xôi với anh điều này, anh chỉ trả lời đơn giản: “Chưa biết đúng hay sai, nhưng nếu tôi thành tâm, tôi sẽ cầu được ước thấy. Còn ai lừa lọc, sẽ phải đền tội”. Chẳng biết bà Hạnh phải đền tội ở đâu, như thế nào, nhưng nói câu ấy rõ ràng một người sành sỏi trên thương trường như anh lại không thấm câu rất “đời” rằng: “Được vạ thì má đã sưng”.

Cái trò mê muội có chừa ai đâu

Không chỉ doanh nhân trên đây mà nhiều người khác, không phân biệt đẳng cấp sang - hèn, dân thường hay quan chức, nhà nước hay tư thương… cũng vậy. Họ như bị mụ mị trước những gì nhân danh tâm linh để làm những điều phi tôn giáo. Một giáo viên giữ cương vị lãnh đạo ở một trường phổ thông có tiếng, vậy mà cuồng tín chẳng khác gì những người đang hành nghề mê tín. Từ ngày còn làm giáo viên đứng trên bục giảng, cô cũng đã là người hay đi cúng lễ, xem bói toán. Nhưng từ khi được “thăng quan tiến chức”, cô càng tin nhiều hơn, không chỉ lễ bái, cầu cúng mà còn “ngồi đồng”, đi xem bói khắp nơi. Hỏi ở đâu có “thầy” nào nổi tiếng cô đều thuộc vanh vách.

Hai ngày nghỉ cuối tuần, thay vì nghỉ ngơi, thư giãn cô chỉ đi xem “vận, hạn” tương lai của mình sẽ ra sao. Cô bảo, cô có được “cái ghế” như hôm nay phần lớn là nhờ cô đi cầu cúng theo lời khuyên của… một thầy bói. Bởi nhìn tướng cô, thầy phán: “Đường quan lộ của cô rất rộng mở, nhưng phải đi “kêu” nhiều, “các quan” mới chứng rồi ban cho”. Thế là vốn đã tin, cô càng tin “thầy” hơn khi cô lên chức thực sự.

Hóa ra, ngay cả năng lực, uy tín của cô, cô không thừa nhận mà lại cho rằng nhờ… thánh thần mà cô phát triển sự nghiệp! Bây giờ cứ mỗi khi làm gì là cô đều hỏi “thầy”, nhờ “thầy” quyết định, ngay cả những việc đơn giản nhất. Chẳng hạn chuyện trồng cây gì trong nhà, trồng ở vị trí nào, cô cũng hỏi thầy. Dùng túi xách, đi xe màu gì cô cũng hỏi thầy. Chỗ ngồi ở cơ quan ra sao, cô cũng nhờ đến thầy. Quần áo màu gì, cô cũng nhờ “thầy” quyết định. Cuối cùng: gi gỉ gì gi, cô đều hỏi thầy tuốt.

Tất nhiên, mỗi lần hỏi như vậy, cô phải trả tiền và chắc chắn không ít. Vì có lần cô bảo: “Hậu đãi với các thầy thì kể cả giữa đêm hôm khuya khoắt, cần việc gì hỏi gấp là điện thoại thầy trả lời ngay”. Có người bảo, làm như cô là có “tín” quá và tốn kém không? Nhưng cô trả lời: “Phải “tín” thì những điều tốt đẹp tự nó mới đến với mình. “Thành tâm” mà! Còn tiền nếu so với những gì “thần thánh” ban cho và bảo đảm nó không mất thì chẳng là gì”. Thế nghĩa là cô đã “buôn thần bán thánh” và biến thần thánh thành công cụ vì mục đích thấp hèn của mình!

Phải thay đổi tư duy

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, một nhà nghiên cứu văn hóa sâu, rộng về vấn đề này cho biết, hiện nay, trong xã hội không thiếu những con người như vậy, sự cuồng tín như vậy. Bởi không cần phải đi đâu xa, không cần phải bí mật tìm hiểu, chỉ cần đến những nơi nào thờ thần thánh sẽ thấy ngay dù đó là của Hội Phật giáo hay của tư nhân (điện thờ), thậm chí đi trên đường cũng thấy do thầy bói dạo đã xuất hiện không ít.

Nguyên do của thực trạng này là vì niềm tin của con người với con người, với xã hội hoặc với ngay chính bản thân… bị suy giảm nếu như không muốn nói là mất đi, đã làm cho sự mê tín đến cuồng tín “lên ngôi” để trở thành “cây gậy” chống cho con người trong cuộc sống. “Cây gậy” ấy thay vì làm tốt đẹp hơn cuộc sống, mối quan hệ nhân sinh quan lại phá vỡ nhiều giá trị đã được xây dựng và khẳng định bao lâu nay, trong đó có cả cốt cách của con người. Con người lợi dụng thần thánh, “hối lộ” thần thánh theo suy nghĩ phàm tục, lừa lọc lẫn nhau trên sự cả tin lệch lạc về tôn giáo… đó chính là đánh mất nhân cách.

Để giải quyết vấn đề này, GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn văn hóa dân gian cho biết, cần phải có thời gian để trước hết thay đổi tư duy của con người hiện tại. Vì hành động là hệ quả của tư duy. Để thay đổi được tư duy, cần phải lời nói đi đôi với việc làm, nghĩa là bên cạnh tuyên truyền, thông tin phải có chế tài đối với những hành vi được coi là cuồng tín, phi tôn giáo, loại bỏ hoàn toàn những hành vi ấy khỏi cuộc sống.

Ông Thịnh cũng cho biết thêm, thực ra xem bói là một việc ai cũng thích. Nhưng xử lý những thông tin “dự đoán tương lai” như thế nào lại là một việc khác, rất cần tư duy sáng suốt, tỉnh táo của con người để không rơi vào cuồng tín, trở thành “miếng mồi ngon” cho những người lợi dụng thánh thần, lợi dụng niềm tin của con người để làm bậy. Và để có tư duy sáng suốt, tỉnh táo, không có cách gì khác là tự thân mỗi người phải tìm hiểu không những về thông tin xã hội mà cả về văn hóa.

Nguyễn Hưng