Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Kê khai tài sản công chức: Liệu có khả thi?

08:26 | 30/08/2011

837 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Gần đây lại rộ lên chuyện cán bộ phải công khai tài sản của mình và nếu khai gian dối thì sẽ bị mất chức(?).

Nghe rõ thật là nghiêm minh.

Thật ra chuyện kê khai tài sản đối với công chức nhà nước chẳng có gì mới cả mà đã có từ rất lâu. Nhưng vấn đề là kê khai như thế nào? Tính minh bạch đến đâu?

Ai cũng biết, người Việt Nam ta vốn là dân "duy tình”. Chả thế mà có câu "giọt máu đào hơn ao nước lã”, "trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Cho nên, người ta hoàn toàn có thể che giấu tài sản thực của mình bằng cách mượn tên, hoặc giao tài sản đó cho người khác giữ, rồi đến khi họ "hạ cánh an toàn” thì bắt đầu mới mang những tài sản đó về.

Người ta không khỏi cảm thấy chuyện như đùa khi có những ông cán bộ mua cho con nhà hàng chục tỉ, sắm ôtô xịn cho con và nếu như có khai tài sản thì họ bảo con họ làm ra. Trong khi người ngoài biết rõ là con họ làm cái gì để ra tiền.

Chúng ta cũng thấy rất nhiều vị quan chức khi đương chức đương quyền thì chẳng làm gì có tài sản nào đáng kể, thậm chí là nghèo. Nhưng khi họ rời vũ đài chính trị thì không ít người có trang trại lớn, trang trại bé, có những biệt thự, khu nhà nghỉ mà chắc chắn giá trị tiền ở những nơi này là những con số khổng lồ.

Người dân không tin vào chuyện kê khai tài sản của cán bộ bởi vì họ thấy đó là một thứ hình thức chủ nghĩa, hoàn toàn không có tính khả thi.

Muốn việc kê khai tài sản của công chức nhà nước có hiệu quả thì trước hết phải có những biện pháp nhằm tách bạch chuyện "lương” và "bổng”.

Thời buổi này, "lương” nhiều khi chỉ là một thứ hư danh, còn "bổng” mới là thực chất.

Và quan trọng hơn nữa, đó là làm thế nào để hạn chế đến mức tối đa tính "duy tình” của người Việt. "Duy tình” tự thân đặc tính này không phải là xấu nhưng khi muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền và người dân phải có ý thức "thượng tôn pháp luật” thì tính "duy tình” sẽ là cản trở lớn nhất.

Bởi vì "trăm cái lý không bằng một tý cái tình”. Cho nên mới thấy rằng, chuyện kê khai tài sản nếu như chưa chống được tính "duy tình” thì cũng chẳng có tính khả thi chút nào.

Như Thổ