ITA lấy gì để “không buông” dự án 6,7 tỉ USD
>> Vì sao siêu dự án 6,7 tỉ USD của Tập đoàn Tân Tạo bị kiến nghị thu hồi?
Sau 5 năm, Dự án Nhiệt điện Kiên Lương vẫn gần như bỏ trống.
Như PetroTimes đã thông tin, trước sự “ì ạch” trong quá trình triển khai Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương gây bức xúc trong dư luận, UBND tỉnh Kiên Giang đã chính thức lên tiếng về việc sẽ xem xét thu hồi nếu ITA không có câu trả lời dứt khoát về dự án này.
Ít ngày sau khi thông tin trên được đăng tải, ông Nguyễn Tuấn Minh - Tổng giám đốc ITA tại buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang đã khẳng định ITA sẽ tiếp tục kế hoạch đầu tư Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 6,7 tỉ USD này. Và để thực hiện kế hoạch “khổng lồ” này, ông Minh cũng cho biết, ITA sẽ chuyển hình thức đầu tư Dự án từ BOO (đầu tư, kinh doanh, sở hữu) sang BOT (xây dựng, kinh doanh, chuyển giao).
Ông cũng cho biết, ITA sẽ tiến hành kêu gọi các đối tác đầu khác phù hợp với việc bảo lãnh vay tín dụng nước ngoài của Chính phủ.
Lý giải cho việc chậm trễ triển khai Dự án trong 5 năm qua, ông Minh cho biết, bênh cạnh việc chưa đàm phán được Hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thì việc chưa thu xếp được vốn đầu tư là một nguyên nhân.
Nói như vậy để thấy rằng, vấn đề tiền đâu chính là nỗi ám ảnh đã đè nặng lên vai ITA trong 5 năm qua (từ 2008 đến nay) khiến Tập đoàn này chưa thể tiếp tục triển khai Dự án. Và theo thông tin từ đại diện lãnh đạo tỉnh Kiên Giang thì chính quyền UBND Kiên Giang đã làm hết trách nhiệm với Dự án nhưng từ năm 2010 đến nay, sau khi tiến hành san lấp được 88 ha, Dự án đã “ngủ đông”, bất động đến nay.
Từ thực tế đó, UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất 2 phương án xử lý:
Thứ nhất, nếu ITA có thể tập trung thu xếp vốn cho Dự án này thì cần khẩn trương triển khai theo đúng tiến độ.
Thứ hai, nếu ITA thấy không đủ khả năng thực hiện Dự án, Bộ Công Thương thu hồi Dự án theo quy định để làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư khác đủ năng lực để thực hiện. Và như PetroTimes thông tin trong bài “Vì sao siêu dự án 6,7 tỉ USD của Tập đoàn Tân Tạo bị kiến nghị thu hồi?” thì hiện đang có rất nhiều nhà đầu tư đã đến tìm hiểu và chờ cơ hội để đầu tư vào Dự án này.
Hai phương án trên đã được UBND tỉnh Kiên Giang đưa ra và ITA đã chọn phương án thứ nhất, tức là sẽ tiếp tục triển khai Dự án, xin chuyển hình thức đầu tư, tìm kiếm đối tác để hợp tác đầu tư. Tuy nhiên, có một thực tế, trong bối cảnh tình hình tài chính tuy đã thoát lỗ nhưng mức lãi chỉ dừng ở con số 8,7 tỉ đồng trong quý II/2013, quyết tâm này của Tân Tạo xem ra không dễ thực hiện.
Báo cáo tài chinh hợp nhất quý II/2013 cho thấy, tình hình sản xuất kinh doanh của ITA đã được cải thiện đáng kể so với cùng kỳ 2012 khi lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn này đã tăng từ 800 triệu đồng trong 6 tháng đầu năm 2012 lên 10,4 tỉ đồng vào quý II/2013. Tuy nhiên, bản báo cáo cũng cho thấy, các khoản chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) lại tăng mạnh tới 50% trong quý II/2013 và 67% trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ. Đây thực sự là một rào cản lớn cho kế hoạch “quyết không buông” Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương của Tập đoàn này.
Một điểm nữa khiến nhiều người tỏ ra nghi ngại việc ITA sẽ thành công trong việc triển khai kế hoạch 6,7 tỉ USD tại Dự án này là vốn đề tồn kho của Tập đoàn này hiện rất lớn. Theo báo cáo tài chính thì tính đến cuối quý II/2013, giá trị hàng tồn kho của ITA lên tới 3.050 tỉ đồng, tăng 168 tỉ đồng so với thời điểm đầu năm.
Những con số trên cho thấy, vấn đề tài chính của ITA sẽ khó cải thiện trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn rất khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp mới đang trong quá trình phục hồi nên gánh nặng hàng tồn kho chắc chắn sẽ còn theo Tập đoàn này thời gian dài. Và chỉ tính riêng các khoản vay để triển khai các dự án khu công nghiệp và đặc biệt là những dự án bất động sản, áp lực tài chính vốn khó sẽ càng khó hơn.
Con số 2.000 tỉ đồng vốn vay mà ITA đang gánh vì vậy cũng sẽ trở thành một rào cản khiến kế hoạch triển khai Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương sẽ không dễ thực hiện.
Tình hình kinh doanh của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT)... những doanh nghiệp gắn liền với tên tuổi của gia đình ông Đặng Thành Tâm cũng không mấy lạc quan. Theo báo cáo tài chính hợp nhất của các doanh nghiệp này thì: 6 tháng đầu năm 2013, KBC lỗ 61 tỉ đồng, SGT tuy có lãi nhưng chỉ dừng ở mức 493 triệu đồng - một con số quá khiêm tốn so với quy mô vốn lên tới 740 tỉ của doanh nghiệp này.
Thanh Ngọc
-
Tin tức kinh tế ngày 20/11: Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp