Hướng tới Net Zero - Biến nhận thức thành hành động
Hướng tới Net Zero - Biến nhận thức thành hành động |
PV: Ông đánh giá thế nào về những thuận lợi và khó khăn của chúng ta trên lộ trình hướng tới Net Zero vào năm 2050?
GS.TSKH Lê Huy Bá |
GS.TSKH Lê Huy Bá: Thuận lợi đầu tiên mà chúng ta có thể thấy rõ ràng đó là vấn đề này được Chính phủ rất quan tâm, triển khai vô cùng quyết liệt. Kể từ sau COP26, chúng ta đã đưa ra những cam kết quốc tế, rất nhiều chương trình, kế hoạch hành động, những hội thảo khoa học... đã được triển khai nhằm tìm ra giải pháp cụ thể tiến tới Net Zero vào năm 2050. Đây là chủ trương đúng đắn của Chính phủ, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới.
Thuận lợi thứ hai là chúng ta có đội ngũ lãnh đạo ngành khoa học công nghệ khá am hiểu về Net Zero. Đây là cơ sở quan trọng để những quyết sách, những chương trình liên quan được thực hiện thành công.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng có không ít những khó khăn. Đó là nhận thức về Net Zero chưa cao, thậm chí cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa hiểu Net Zero là gì. Do đó, những hành động tiến tới mục tiêu mới chỉ nhen nhóm ở một số nhỏ chứ chưa lan tỏa mạnh mẽ ra toàn xã hội. Với rất nhiều chương trình, hội thảo, hội nghị về Net Zero đã và đang diễn ra được truyền thông trên rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng, hy vọng sự nhận thức về Net Zero sẽ sớm được cải thiện.
Kế đến là vấn đề đầu tư. Muốn tiến tới Net Zero, chúng ta phải mạnh dạn loại bỏ những công nghệ sản xuất cũ, phát thải nhiều, thay thế bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Chẳng hạn như Quy hoạch điện VIII, tương lai không cho phát triển điện than, thủy điện nữa, thay vào đó là điện mặt trời, điện gió...
Theo tôi, vấn đề cốt lõi là muốn tiến tới Net Zero, chúng ta phải phát triển mạnh năng lượng tái tạo thay thế năng lượng hóa thạch. Nhưng hiện nay cơ chế, chính sách của Nhà nước về năng lượng tái tạo, năng lượng sạch vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa hấp dẫn nhà đầu tư lớn nước ngoài tham gia, chưa khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển.
Chúng ta có hơn 3.000km bờ biển, đó là tiềm năng rất lớn để Net Zero thông qua phát triển điện gió ven biển. Ninh Thuận, Bình Thuận có khả năng làm điện gió rất mạnh nhưng vì một vài lý do về con người và cơ chế về giá điện phát lên lưới điện quốc gia vẫn chưa thuận lợi, hấp dẫn nên gây quan ngại cho các nhà đầu tư. Không chỉ điện gió, với lĩnh vực điện rác, điện LNG..., cơ chế về giá điện vẫn là một trở ngại lớn.
Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3, 4 sử dụng khí LNG |
PV: Việc xây dựng thị trường tín chỉ carbon tại nước ta hiện nay có ý nghĩa như thế nào trong lộ trình hướng tới Net Zero, thưa ông?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, quản lý chất thải... và giao chỉ tiêu hấp thụ khí nhà kính cho lĩnh vực lâm nghiệp.
Nước ta có “rừng vàng, biển bạc” và chính rừng có tiềm năng tạo ra nhiều tín chỉ carbon. Việc bán tín chỉ carbon rừng sẽ giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải. Chủ rừng, người dân sẽ nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế, góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ.
Việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam sẽ góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới phát triển nền kinh tế carbon thấp, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quay lại lịch sử hơn 10 năm qua, chúng ta đã mua bán tín chỉ carbon với giá rất cao, tôi nhớ khoảng hơn 40 USD/tín chỉ, nhưng bây giờ không hiểu sao giá lại rất thấp trong khi thị trường thế giới mới bắt đầu sôi động? Điều đó cũng nói lên rằng, chúng ta phải xây dựng lộ trình, quy hoạch thị trường bài bản chứ đừng chạy theo trào lưu.
Các thị trường tự nguyện của tín chỉ carbon tại Việt Nam hiện nay cũng đang trong quá trình phát triển, một vài doanh nghiệp đã ra mắt các sàn giao dịch tín chỉ carbon đầu tiên. Với tiến độ triển khai các việc liên quan như hiện nay, hy vọng thị trường tín chỉ carbon sẽ sớm đi vào vận hành chính thức năm 2028 như kế hoạch đề ra.
PV: Doanh nghiệp phải đóng góp bù trừ cho chính lượng phát thải của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất. Để đây không còn là chuyện “tùy tâm” của mỗi doanh nghiệp, phải chăng chúng ta cần có những quy định bắt buộc, kiểm soát chặt chẽ, thưa ông?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Doanh nghiệp xả thải thì phải có nhiệm vụ thu gom và xử lý chất thải đó. Đó là nguyên tắc. Nhưng chúng ta chưa làm đến nơi đến chốn. Chẳng hạn, chúng ta đã có chương trình phân loại rác tại nguồn từ 7-8 năm trước, nhưng tới nay cũng chưa đi đến đâu dù tiêu tốn rất nhiều ngân sách.
Năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Theo đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ngành dệt may và da giày, phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính. Đến năm 2026, doanh nghiệp bắt buộc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải theo kế hoạch, để tuân thủ hạn ngạch phát thải được phân bổ.
Chúng ta cần có những chính sách kiểm soát phát thải như thế và phải làm quyết liệt thì mới mong đạt Net Zero như cam kết.
PTSC chế tạo cấu kiện chân đế điện gió ngoài khơi cho Đài Loan tại Cảng PTSC Vũng Tàu |
PV: Vậy chúng ta cần thêm những gì để đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050?
GS.TSKH Lê Huy Bá: Thứ nhất, chúng ta cần những cơ chế, chính sách để thu hút mạnh các nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Đây là lĩnh vực mà chúng ta đang có rất nhiều điều kiện để phát triển nhưng chưa thể phát huy, nhất là lĩnh vực điện đó ngoài khơi. Vừa qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) có dự án điện gió ngoài khơi hợp tác với Singapore để xuất khẩu điện sang Singapore. Đây là bước khởi đầu quan trọng, hướng tới phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam thời gian tới.
Thứ hai, ý thức và nhận thức là quan trọng. Do đó, việc tuyên truyền về Net Zero cần được đẩy mạnh để mọi người hiểu, nhận thức sâu sắc, từ đó mới có thể đồng hành, thực hiện. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần nắm rõ để xây dựng chương trình, tránh rơi vào tình trạng lúng túng trong sản xuất...
Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc cần phải làm để bảo đảm cam kết của Thủ tướng Chính phủ về Net Zero năm 2050. Muốn công cuộc chuyển đổi xanh được thực thi hiệu quả và thành công, chúng ta cần phải chuyển tải được những khái niệm, tính cấp thiết của phát triển xanh, chuyển đổi xanh vào đời sống của người dân, vào hơi thở kinh doanh của từng doanh nghiệp, để nâng cao nhận thức và biến nhận thức thành hành động cụ thể.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone. Các doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm kiểm kê khí nhà kính. Đến năm 2026, doanh nghiệp bắt buộc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải, để tuân thủ hạn ngạch phát thải được phân bổ. |
Lê Trúc
-
Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp
-
Tháo gỡ rào cản để xanh hóa nguồn điện
-
Huy động nguồn lực “khơi thông” nguồn vốn tín dụng xanh, tài chính xanh
-
Cách tiếp cận kép của Azerbaijan đối với an ninh năng lượng và chuyển đổi xanh
-
Nỗ lực bền bỉ của Vinamilk trong việc hình thành bể hấp thụ carbon từ rừng, hướng đến Net Zero
-
Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp
-
Tìm giải pháp thúc đẩy phát triển ngành năng lượng Việt Nam
-
Singapore mong muốn hợp tác với Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển điện gió ngoài khơi
-
CIP chuẩn bị xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng quy mô lớn đầu tiên tại Chile
-
Việt Nam có tiềm năng hứa hẹn trở thành trung tâm điện gió ngoài khơi ở châu Á - Thái Bình Dương