Hợp tác năng lượng của Việt Nam với các nước
Việt Nam đã tham gia nhiều hội nghị quốc tế cấp Bộ trưởng lớn trên thế giới về năng lượng. Các hội nghị này xoay quanh các chủ đề về an ninh năng lượng, tự do hóa thương mại và đầu tư, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư về lĩnh vực năng lượng, trao đổi các đoàn song phương với các nước tại nhiều khu vực trên thế giới. Mặc dù có nhiều cuộc tiếp xúc, nhưng khả năng, cơ hội hợp tác cũng chưa đạt được nhiều do những lý do như khoảng cách (châu Phi), khác biệt về văn hóa (các nước Trung Đông), thiếu các cơ chế chính sách phù hợp (giá năng lượng thấp)… Tuy nhiên, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực năng lượng đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, bắt kịp với xu hướng công nghệ năng lượng hiện đại, tiên tiến, góp phần không nhỏ vào phát triển kinh tế đất nước.
Dầu khí: tiên phong hợp tác với nước ngoài
Cho tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết với phía Nga một số văn kiện hợp tác trong lĩnh vực năng lượng cụ thể là: Lộ trình thực hiện các dự án hợp tác Việt Nga trong lĩnh vực năng lượng; Hiệp định giữa Сhính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Сhính phủ Liên Bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng; Hiệp định liên Chính phủ Việt-Nga về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam. Đặc biệt, ngày 27/12/2010, Chính phủ hai nước Việt Nam – Liên Bang Nga đã ký kết Hiệp định tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trong khuôn khổ Liên doanh Việt – Nga, Vietsovpetro (2011-2030). Trong 30 năm hợp tác, Vietsovpetro đã khai thác trên 193 triệu tấn dầu thô, chiếm 76% sản lượng khai thác toàn ngành. Tổng doanh thu bán dầu thô đạt 54,3 tỉ USD, nộp NSNN và lợi nhuận của phía Việt Nam gần 34,4 tỉ USD, lợi nhuận phía Nga đạt 8,8 tỉ USD. Bên cạnh đó, năm 2011, ngành Dầu khí Việt Nam khai thác khoảng 1,1 triệu tấn dầu thô từ nước ngoài, chủ yếu từ Liên Bang Nga.
Hợp tác với Hoa Kỳ, một số công ty Hoa Kỳ đang hoạt động tại Việt Nam trong lĩnh vực dầu khí gồm khai thác, vận chuyển và chế biến dầu khí, như: ConocoPhillips (CoP), Exxon Mobil, Chevron, Công ty UOP, Công ty Merichem… Tháng 9/2011, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đã tổ chức Diễn đàn kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực dầu khí tại Thủ đô Washington. Diễn đàn đã thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Ở Mỹ Latin, Petrovietnam và Công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) hợp tác thuận lợi trong chuỗi các giá trị dầu khí, từ tìm kiếm thăm dò đến chế biến, thương mại, đóng tàu và vận chuyển dầu khí, trong đó có các dự án lớn, có tầm quan trọng trong chiến lược mở rộng hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài. Đặc biệt, dự án hợp tác liên doanh khai thác và nâng cấp dầu nặng tại Lô Junin 2 là một sự án có tổng vốn đầu tư và quy mô rất lớn, có ý nghĩa đầu tàu định hướng phát triển các dự án hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực dầu khí nói riêng, cũng như trong quan hệ hợp tác giữa hai nước nói chung.
Petrovietnam cũng đang triển khai 2 dự án lọc dầu ở Thanh Hóa và Bà Rịa – Vũng Tàu. Dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là dự án liên kết giữa Kuwait Petroleum International (KPI) của Kuwait, Petrovietnam và hai đối tác Nhật Bản khác là Idemitsu Kosan, Mitsui Petrochemical. Nhà máy Lọc Dầu Nghi Sơn dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2015, với công suất 200.000 thùng/ngày. Dự án bao gồm tổ hợp lọc hóa dầu, hạ tầng năng lượng, đường ống dẫn và hệ thống kho chứa, hệ thống thông tin.
Tổ hợp hóa dầu Long Sơn có số vốn lên tới 4,5 tỉ đôla, phía Công ty Nhựa và Hóa chất Thái Lan đang nắm 71% cổ phần, phía Việt Nam giữ 29% cổ phần, trong đó, Petrovietnam hiện nắm giữ 18% cổ phần, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) chiếm 11%. Long Sơn là tổ hợp hóa dầu thứ ba tại Việt Nam, sau các nhà máy Dung Quất và Nghi Sơn.
Hiện tại, Petrovietnam cũng đã hợp tác dầu khí với một loạt các nước khác như: Malaysia, Uzebekistan, Thái Lan, Trung Quốc, một số nước ở châu Phi.
Điện: Mua từ Trung Quốc; đầu tư sang Lào, Campuchia
Tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2011 ước đạt 108,93 tỉ kWh, tăng 8,86% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hợp tác mua điện từ Trung Quốc với tổng sản lượng thực tế mua của Công ty lưới điện Phương Nam – Trung Quốc (CSG) trong 7 tháng đầu năm 2011 là 3,266 tỉ kWh. Theo dự tính trong năm 2012, EVN sẽ nhập khẩu là 4,65 tỉ kWh, trong đó mùa khô là 2,565 tỉ kWh và mùa mưa là 2,085 tỉ kWh.
Hiện nay Trung Quốc đã và đang xây dựng ở Việt Nam khoảng 14 nhà máy nhiệt điện và nhiều dự án thủy điện nhỏ, cung cấp thiết bị nhà máy điện cho Việt Nam.
Ở các nước khác như Campuchia, một số dự án quy mô lớn trong năm 2011 phải kể đến là: Dự án Nhà máy thủy điện Hạ Sê San II, dự án thủy điện Sê Kông 3 Thượng và Hạ lưu tại tỉnh Sêkông, có vốn đầu tư 275,2 triệu USD; dự án xây dựng thủy điện Nậm Công 2 và 3 với tổng vốn đầu tư 134,5 triệu USD.
Việt Nam đã và đang xúc tiến đầu tư nhiều dự án điện tại Lào với tổng công suất lắp máy dự kiến khoảng gần 5.000 MW. Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất điện và góp phần nâng cao hiệu quả trong việc mua bán điện giữa hai nước, hai bên thống nhất sẽ xây dựng hệ thống đường dây tải điện 500 kV.
Theo tổng kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/12/2011, Việt Nam có 627 dự án đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của nhà đầu tư đăng ký đạt 10,8 tỉ USD tại 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vốn thực hiện lũy kế đến nay ước đạt khoảng 2,7 tỉ USD; trong đó khoảng 1,4 tỉ USD trong lĩnh vực dầu khí.
Năm 2011, Việt Nam đầu tư ra nước ngoài ước đạt khoảng 950 triệu USD. Trong đó đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, với tổng vốn chuyển ra nước ngoài khoảng 347 triệu USD.
Đức Chính