Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Hóa ra không cần nói nhiều?

08:55 | 05/01/2012

1,492 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đã đến lúc phải có quy chế rõ ràng về trách nhiệm của những người đứng đầu, nếu không cứ nói, cứ giáo dục rồi thì cũng chả đi đến đâu, mà cổ nhân đã có câu “đa ngôn đa oán” – nói lắm thì chỉ bị ghét nhiều mà thôi.

Tại Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra những vấn đề cấp thiết cần phải xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong tình hình hiện nay.

Thực trạng về một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất, hư hỏng đã làm xói mòn lòng tin của quần chúng đối với Đảng và có nguy cơ ảnh hưởng tới sự tồn vong của Đảng và chế độ là điều Đảng ta đã nhận ra từ lâu. Rõ ràng trong công tác đề bạt, thuyên chuyển, quản lý cán bộ đảng viên của chúng ta có quá nhiều vấn đề bất bình thường và những giải pháp mà Đảng ta đưa ra vẫn không đủ mạnh để buộc những cán bộ đảng viên phải chấp hành kỷ luật.

Nhờ thay tướng, Sân bay Quốc tế Đà Nẵng đã được hoàn thành trước thời hạn

Nhân đây, tôi xin kể mấy việc thế này:

1. Năm 2000, vụ án Mường Tè đã trở thành một vụ án điểm và được dư luận đặc biệt quan tâm. Thủ phạm chính gây ra vụ án này là Trần Hùng Sơn, Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng và Phát triển miền núi – một doanh nghiệp Nhà nước hẳn hoi. Tôi còn nhớ khi Trần Hùng Sơn bị bắt thì đã có một vị lãnh đạo cao cấp nói thẳng với Đại tá Đậu Quang Chín – Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu (cũ) rằng: “Anh mà không có đủ chứng cứ kết tội nó thì hãy ngồi thay nó ở trong nhà giam”. Lên Lai Châu, tôi đề nghị được vào trại tạm giam để gặp Trần Hùng Sơn. Vừa trông thấy tôi, hắn nói ngay: “Em chào anh Phong. Dạo này anh khỏe chứ?”. Tôi vô cùng ngạc nhiên vì không hiểu tại sao anh ta lại biết tôi. Tôi hỏi điều này thì Sơn bảo: “Hồi năm 1986, anh lên công tác Điện Biên bao nhiêu lần ăn phở ở quán nhà em, em vẫn nhớ”. Lúc này tôi mới bừng tỉnh và ngạc nhiên vô cùng. Trời ơi là trời! Không hiểu tại sao một gã bán phở, bán thịt lợn ở cửa chợ Điện Biên, học hành chỉ hết lớp 5, lớp 6 gì đó mà lại nhảy lên làm Tổng giám đốc một doanh nghiệp Nhà nước và rồi lại còn đang đi làm luận án tiến sĩ ở Mỹ? Rồi lần hỏi ra thì con đường thăng tiến của anh ta bắt đầu chỉ là việc được một lãnh đạo tỉnh sai mang gạo Mường Thanh mang về Hà Nội biếu một vị lãnh đạo. Rồi chả hiểu Sơn dẻo mồm, dẻo mỏ thế nào đó mà đã được chú ý cất nhắc, đề bạt và cứ thế vù vù thăng tiến. Quá trình điều tra vụ án tham nhũng hối lộ cực lớn này mới lộ diện những chuyện tày đình về Trần Hùng Sơn. Từ chuyện buôn bán thuốc phiện lậu ngày xưa khi còn là lái xe, rồi chuyện đào mả người bị sét đánh chết để lấy xương làm bùa cho đến những mánh khóe tham nhũng khác. Sơn ra tòa và bị kết án chung thân. Nhưng điều kỳ lạ nhất là không hiểu tại sao các cơ quan tổ chức ở đâu, họ đã làm gì và làm như thế nào để đề bạt một gã bán thịt lợn, bán phở lên làm Tổng giám đốc? Phải chăng trong trường hợp này, cái câu “bằng cấp không bằng bằng lòng” đã được thể hiện rõ nét.

2. Lại có một trường hợp nữa. Đó là chuyện ông tướng Công an Nguyễn Việt Thành. Đã có một thời ông được coi là người hùng trong tấn công tội phạm nhưng rồi hàng loạt những sai lầm, thiếu sót trong công tác tố tụng bây giờ mới được phơi bày. Và đến lúc này người ta mới ngã ngửa người ra khi biết rằng, ông đã từng thú nhận: “Tôi tự thấy điều hành công việc còn khiếm khuyết, ít học, lại dốt, không am hiểu luật, thông qua điều hành một số vụ án và ở một số trường hợp tôi xấu hổ nhưng cũng xác định rõ hướng khắc phục là cầu thị và cầu thị…”. Giời ạ, hiểu mình chắc chắn chẳng ai bằng mình, một người đã nhìn thấy trình độ của mình như vậy mà được đề bạt lên cấp chức ấy thì quả là cũng khó hiểu trong công tác cán bộ.

3. Công trình Sân bay Quốc tế Đà Nẵng bị chậm tiến độ đến 2 năm, nhưng khi Bộ trưởng Đinh La Thăng ra lệnh thay thế ngay người chỉ huy thì lập tức công trình được thi công với tốc độ thần tốc và về trước hạn định nửa tháng so với yêu cầu của Bộ trưởng.

Công trình đường 18 cũng chậm tiến độ thê thảm. Khi thị sát công trình, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Nếu ông không đảm bảo tiến độ thì tôi sẽ thay ông và thay cả nhà thầu”. Thế là Tổng giám đốc phải xuống ăn ngủ tại công trình, đốc thúc thi công làm việc 3 ca và công trình đã hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Vậy điều gì đã xảy ra ở đây? Rõ ràng là công tác điều hành của những cán bộ này có quá nhiều vấn đề. Họ yếu kém năng lực, họ quan liêu, họ quen lối làm việc chỉ tay năm ngón và chắc chắn họ rất có tài trong việc tìm cách đổ lỗi cho tập thể.

Từ lâu nay người dân có câu rằng: "Mất mùa bảo tại thiên tai/ Được mùa là tại thiên tài cấp trên”. Có nghĩa rằng, không ít cán bộ, đảng viên của chúng ta khi làm được việc gì thành công thì vơ thành tích đó là của mình, còn khi thất bại hoặc làm ăn thua lỗ thì họ đổ tội tại cơ chế, tại bộ máy giúp việc mà hầu như không ai dám đứng ra nói rằng: “Sai lầm này, tội lỗi này, khuyết điểm này… là do tôi”.

Bấy lâu nay chúng ta cứ nói quá nhiều đến việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu nhưng quả thật là rất khó. Bởi lẽ việc đề bạt và xử lý cán bộ, đảng viên vướng phải tầng tầng lớp lớp các rào cản, các thủ tục hành chính hết sức nhiêu khê, rườm rà.

Trong hai trường hợp mà Bộ trưởng Đinh La Thăng xử lý nếu như không quyết đoán, không mạnh mẽ mà cứ họp, tìm nguyên nhân, tìm hướng khắc phục, rồi giáo dục, rồi động viên v.v… và v.v… thì không thể đẩy nhanh tiến độ thi công. Người này không làm được thì cử người khác làm, cho nên cái lý do mà hay được đưa ra rằng nếu như không có anh ta thì ai làm việc xem ra rất lỗi thời và đó là sự ngụy biện.

Ở thủ đô Hà Nội, công tác quy hoạch đô thị quá ư là lộn xộn, các thủ tục hành chính mặc dù bao nhiêu năm nay cứ kêu gào rằng phải cải tiến nhưng cho đến nay vẫn cứ là “lấy hành… là chính”. Hội nghị nào lãnh đạo thành phố cũng chỉ ra những yếu kém của các cấp chính quyền nhưng buồn thay chưa thấy có ông chủ tịch, bí thư quận, huyện, phường, xã nào bị cách chức nửa chừng vì không làm được việc hoặc buông lỏng quản lý để cho dưới làm bậy.

Thực hiện xây dựng và chỉnh đốn Đảng thì rõ ràng công tác giáo dục đảng viên là cần thiết, nhưng có lẽ nên nói ít thôi mà cần phải thẳng tay đưa ra khỏi hàng ngũ những cán bộ nói giỏi hơn làm, hoặc thậm chí nói cũng chẳng được mà làm cũng chẳng hay. Đã đến lúc phải có quy chế rõ ràng về trách nhiệm của những người đứng đầu, nếu không cứ nói, cứ giáo dục rồi thì cũng chả đi đến đâu, mà cổ nhân đã có câu “đa ngôn đa oán” – nói lắm thì chỉ bị ghét nhiều mà thôi.

Như Phong