Từ năm 2000 đến 2016, kim ngạch hai chiều Việt Nam - EU tăng hơn 11 lần, từ 4,1 tỷ USD vào năm 2000 lên 45,1 tỷ USD vào năm 2016. Trong đó xuất khẩu sang EU tăng hơn 11 lần (từ 2,8 tỷ USD lên 34 tỷ USD), nhập khẩu từ EU tăng gần 8 lần từ 1,3 tỷ USD lên 11,1 tỷ USD). EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam, với 2 nét nổi bật: (1) cơ cấu hàng xuất khẩu từ Việt Nam chuyển dịch rõ nét từ hàng nông nghiệp hầu hết chưa chế biến sâu sang hàng công nghiệp chế biến giá trị gia tăng cao. Riêng nhóm hàng nông - lâm - thủy sản như có sự lột xác; (2) Việt Nam đã tăng cường nhập khẩu công nghệ gốc, nguyên liệu phụ tùng chất lượng cao từ EU, giúp trang bị công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch, chi phí thấp, góp phần đổi mới sản xuất, nhất là làm hàng xuất khẩu. Tuy vậy, thị phần hàng nông nghiệp còn nhỏ. Thủy sản vào EU năm 2016 chỉ ở mức 1,17 tỷ USD, chứng tỏ dư địa của thị trường còn EU “xông xênh” và cũng chứng tỏ năng lực của Việt Nam còn hạn chế.
Đội ngũ doanh nghiệp tham gia xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU có thành phần đa dạng, cả các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI. Nhờ vậy, góp phần cải thiện hình ảnh của hàng thủy sản, đáp ứng thị hiếu và khẩu vị quốc tế, gây dựng được mạng lưới bạn hàng lớn. Vượt được “vũ môn EU”, hàng Việt Nam rộng đường xuất khẩu vào nhiều thị trường khác.
Những cơ hội lớn
Cắt giảm các dòng thuế
EVFTA có nhiều dòng thuế cắt giảm ngay, số còn lại sẽ xóa bỏ trong vòng 4-8 năm và sử dụng hạn ngạch thuế quan đối với một số dòng thuế. Mức giảm từ các cam kết này dao động từ 75 - 605 EUR/tấn theo thuế tuyệt đối, từ 0-19,2% đối với thuế tương đối. Với phạm vi khá rộng, mức cắt hấp dẫn, những quy định này sẽ tạo xung lực mới cho thực phẩm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào EU.
Giảm thiểu các hàng rào thương mại bất hợp lý
Để tạo môi trường chính sách minh bạch, các bên đã thống nhất khi ra quyết định tạm thời về phòng vệ và trước khi đưa quyết định cuối cùng phải cung cấp các thông tin đầy đủ để đánh giá và quyết định. Thời điểm cung cấp phải đủ để phía đối tác có thời gian phản hồi.
Bên cạnh đó, EVFTA yêu cầu các bên áp dụng các thủ tục hải quan và kiểm soát biên giới theo hướng hiện đại, thân thiện, minh bạch, ổn định của Hiệp định. Theo đó, các bên phải công khai các quy định, các thủ tục, mức phí, đầu mối cung cấp thông tin…
Trong các cam kết về biện pháp kiểm dịch động thực vật (SPS) và hàng rào kỹ thuật thương mại (TBT), bên cạnh yêu cầu thông báo dự thảo quy chuẩn kỹ thuật, quy trình đánh giá phù hợp, Hiệp định EVFTA còn yêu cầu nước thành viên phải cho phép các tổ chức và cá nhân của bên khác tham gia vào quá trình xây dựng các quy định này, với điều kiện không kém thuận lợi hơn các tổ chức và cá nhân trong nước, giúp họ có thể nắm bắt trước các quy định.
Bảo hộ sở hữu trí tuệ nhằm ngăn chặn việc bị đánh đồng nguồn gốc sản phẩm với vùng địa lý khác nguồn gốc sản phẩm đó; Quy định về thời gian khiếu nại nếu nhãn hiệu bị vi phạm về chỉ dẫn địa lý … Ví dụ tiêu biểu của việc nước mắm Phú Quốc được đăng ký chỉ dẫn địa lý tại châu Âu, không chỉ giúp bảo vệ một thương hiệu sản phẩm mà còn tôn vinh danh thơm của Đảo ngọc này. Ngoài ra, đối với các biện pháp SPS Việt Nam khó đáp ứng, EU còn quy định linh hoạt, như khi gặp khó khăn trong đáp ứng các biện pháp SPS, Việt Nam có quyền chọn một trong 3 cách: (1) có thời gian chuẩn bị, thực hiện; (2) đề xuất biện pháp tương đương; (3) hỗ trợ kỹ thuật để Việt Nam từng bước nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu.
Đi kèm thách thức
Thủy sản là ngành phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Việt Nam hiện đứng thứ 3 thế giới về sản lượng nuôi trồng thủy sản sau Trung Quốc, Ấn Độ, song do tác động của biến đổi khí hậu, sự cố môi trường biển, kết quả không được như mong muốn. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, vốn hạn chế, trình độ quản lý chưa cao, lúng túng tiếp cận thị trường, tuyên truyền đơn điệu kém hiệu lực.
Tỷ lệ sản phẩm thô còn lớn, ít chú trọng xây dựng, bảo vệ thương hiệu có khi phải “khoác” nhãn hiệu nước ngoài, ngậm ngùi bán giá thiệt, khó cạnh tranh tại EU - nơi mà nhiều quốc gia có thế mạnh về thủy sản, cũng có FTA với EU đã hiện diện nhiều năm.
Để được hưởng ưu đãi của Hiệp định, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng quy tắc xuất xứ là nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm phải được nuôi trồng, thu hoạch trong nước. Do nguyên liệu trong nước chỉ cung cấp khoảng 40 - 45% công suất chế biến, hàng năm phải nhập khẩu tới cả tỷ USD thủy sản nguyên liệu, trong khi hệ thống cung cấp nguyên liệu nội địa dân dã, phân tán, khó truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Việc kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ vốn đã khó, nên việc đáp ứng yêu cầu trên càng khó.
Một số biện pháp của EU quy định tiêu chuẩn cao hơn các hiệp định của WTO. Ngoài các quy định SPS của EU, doanh nghiệp của ta cần đáp ứng các quy định riêng của các hãng bán lẻ, bán buôn.
Ngược lại, theo thông lệ “có đi có lại”, Việt Nam cũng phải dành ưu đãi cho các doanh nghiệp EU - mạnh về vốn, công nghệ tại thị trường Việt Nam. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp trong nước buộc phải học hỏi họ, khẳng đỉnh định vị thế của mình bằng tích lũy vốn, kinh nhiệm tiếp thị, nắm công nghệ mới, hoàn thiện các dịch vụ, tận tình với khách hàng...
Con đường bước tiếp
Bên cạnh nhiệm vụ của các cơ quan Chính phủ trong việc phổ biến đầy đủ, hướng dẫn chi tiết để doanh nghiệp dễ hiểu, dễ áp dụng. Mỗi doanh nghiệp, căn cứ vào thực lực của mình, không ngừng cập nhật thị hiếu khách hàng, tường tận đối thủ cạnh tranh trên thị trường này, chọn phân khúc thị trường, chiến lược cạnh tranh phù hợp. Lưu tâm thỏa đáng phân khúc sản phẩm ăn nhanh, đón đầu xu hướng tiêu dùng thời công nghệ cao của người dân.
Bên cạnh đó, sắp xếp, đầu tư, mở rộng sản xuất theo chuỗi khép kín kèm với kiểm soát chặt chất lượng từng công đoạn. Cắt giảm trung gian. Không tranh mua trong nước đẩy giá đầu vào, không tranh giành khách hàng nước ngoài khi xuất khẩu, dìm giá bán.
Bám sát các kết quả nghiên cứu thị trường về thị hiếu người tiêu dùng, trọng tâm là các bà nội trợ; các yếu tố liên quan đến sức khỏe con người; dung lượng thị trường, chào bán sản phẩm mới với mẫu mã, chất lượng cải tiến, đa tiện ích, giá cạnh tranh. Tận dụng hệ thống bán lẻ truyền thống, hệ thống thông tin - truyền thông. Xây dựng, bảo vệ thương hiệu. Chọn lọc, cập nhật thông tin của EU. Hợp tác với các phương tiện thông tin, trong mọi cơ hội. Liên kết với doanh nghiệp EU trong sản xuất, thương mại, tiếp cận thị trường, tận dụng ưu đãi, khắc phục thách thức.