Hà Nội: 28 đường phố được đặt tên mới
Phố Quan Hoa: (thuộc quận Cầu Giấy) dài 1.160 mét, rộng 15,5 mét: Đoạn từ Cầu T11 (cầu Cót) sát chung cư Bộ Kế hoạch và Đầu tư chạy ven sông Tô Lịch đến ngã tư giao cắt với đường Cầu Giấy (trụ sở UBND quận Cầu Giấy).
Quan Hoa là tên gọi của một phường thuộc quận Cầu Giấy. Trước đây Cầu Giấy là một phần đất của huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1831 thời nhà Nguyễn thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Tháng 8/1997 quận Cầu Giấy được thành lập bởi 4 thị trấn: Nghĩa Đô, Nghĩa Tân, Mai Dịch, Cầu Giấy và 3 xã Dịch Vọng, Yên Hoà, Trung Hoà. Sau thành lập thêm phường Dịch Vọng Hậu nâng tổng số phường trong quận thành 8 phường. Quận Cầu Giấy khi mới thành lập (8/1997) trùng tên với thị trấn Cầu Giấy, để tránh nhầm lẫn nên thị trấn Cầu Giấy được đổi tên là phường Quan Hoa.
Phố Thành Thái: (quận Cầu Giấy) dài 710 mét, rộng 30 mét (đoạn từ ngã tư cuối phố Duy Tân giao cắt với phố Trần Thái Tông đến khu đô thị mới Dịch Vọng (tòa nhà N07 - B3).
Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Chiêu (1879 - 1954), húy là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 - 1907. Vua Thành Thái là một người có tư tưởng cải cách và có tinh thần tự cường dân tộc cao. Dưới thời ông trị vì chính trị đã đi vào ổn định, nhiều công trình mới được xây dựng như kinh đô Huế, các bệnh viện, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền... Ông đã âm thầm thiết kế vũ khí để chống Pháp nhưng bị phát hiện nên phải giả điên và tiêu hủy các bản thiết kế. Bị Pháp ép phải ký vào giấy xin lỗi, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp và phải thành thực hồi tâm thì sẽ được tại vị nhưng ông đã ném bản tuyên cáo viết sẵn đó và kiên quyết từ chối. Ngày 29/7/1907, Khâm sứ Pháp Levécque tuyên bố truất quyền và quản thúc vua Thành Thái trong Đại nội. Ngày 03/9/1907, ông bị ép thoái vị và đưa đi quản thúc ở Cap Saint Jacques (Vũng Tàu), năm 1916 đày đi đảo Runion cùng với con trai là vua Duy Tân. Ông mất ngày 24/3/1954 sau được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên, hưởng thọ 75 tuổi.
Tên Nhà thơ Tố Hữu sẽ được đặt làm tên đường.
Phố Nguyễn Đình Hoàn: (quận Cầu Giấy) dài 650 mét, rộng 15,5 mét (đoạn từ ngõ 1 đường Hoàng Quốc Việt đến cầu T11 (cầu Cót) sông Tô Lịch).
Nguyễn Đình Hoàn (1661 - 1743), hiệu Đồng Phu, người phường Bái Ân, huyện Quảng Đức, phủ Phụng Thiên, thành Thăng Long (nay là phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Năm 15 tuổi ông đỗ thi Hương, sau học tại trường Quốc Tử Giám. Năm 1688 đỗ Đình Nguyên, đệ nhị giáp Tiến sĩ khoa Mậu Thìn. Từ năm 1075 đến năm 1919, ông là Đình Nguyên duy nhất của quận Cầu Giấy. Ông được cử là người đứng đầu trấn Nghệ An, sau chuyển sang làm Binh bộ Thị lang và tăng dần lên chức Bồi tụng - Phó tể tướng. Ông đã đem hết tài năng và trí tuệ ra phò tá triều đình xây dựng kỷ cương phép nước, chăm lo chính sự, ổn định biên viễn phía Nam đàng Ngoài. Ông có những đóng góp trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, quân sự, chính trị, ngoại giao… ông được phong Đặc Tiến Từ Vinh Lộc Đại Phu, Nhập Nội Thị Bồi Tụng, tước Ân Hải Hầu. Khi mất ông đã đuợc vua Lê truy tặng tước Ân Quận Công (Quận Công làng Bái Ân).
Phố Trần Kim Xuyến: (quận Cầu Giấy) dài 550 mét, rộng 20 mét (đoạn từ ngã tư phố Trung Hoà - Vũ Phạm Hàm đến điểm giao cắt với đường 30m.
Trần Kim Xuyến (1921-1947), quê ở xã Sơn Mỹ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, ông được cử giữ chức Đổng lý văn phòng của Bộ, kiêm Phó Giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, được giao nhiệm vụ cùng với một số đồng chí khác chuẩn bị cho ngày dộc lập. Ông là đại biểu Quốc hội khóa I khu vực Bắc Giang. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, trong khi đang chỉ huy việc sơ tán tài liệu ông bị quân Pháp bắn và hy sinh tại khu vực Đầm sen, xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Trong 2 cuộc kháng chiến có khoảng 460 nhà báo hy sinh, trong đó có khoảng 260 nhà báo công tác tại Thông tấn xã. Ông là một trong những liệt sĩ nhà báo cách mạng đầu tiên hy sinh trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến khi mới 26 tuổi.
Phố Yên Lãng: (quận Đống Đa) dài 684 mét, rộng 46 mét (đoạn đường từ số 220 phố Thái Hà đến số nhà 394 đường Láng).
Yên Lãng gồm có 3 làng Láng: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ. Thổ cư của ba làng Láng trải dài bên bờ phía tây sông Tô Lịch, trước kia vốn là con sông lớn, thuận tiện thuyền đi lại, giao thông với các địa phương khác. Vùng đất này có nhiều dòng họ lớn: Láng Thượng có họ Nguyễn, họ Trương, họ Nghiêm, họ Đoàn Láng Trung có họ Phạm, họ Nguyễn, họ Đỗ Láng Hạ có họ Nguyễn. Ba làng Láng có những dải hồ xen lẫn với các cánh đồng trồng rau. Di tích lịch sử văn hóa ở vùng Yên Lãng nổi tiếng với chùa Láng, chùa Nền, chùa Thưa... gắn liền với lễ hội và tín ngưỡng thờ đức Thánh tổ Từ Đạo Hạnh.
Phố Văn Yên: (quận Hà Đông) dài 540 mét, rộng 7 mét (đoạn từ sân chơi CT7 đến giao với đường 19/5, phường Văn Quán).
Văn Yên là tên một xã thuộc thị xã Hà Đông, được hình thành sau Cách mạng tháng 8/1945 gồm có các thôn Văn Quán, Mộ Lao, Xa La và Yên Phúc. Đầu năm 1964 thuộc tỉnh Hà Tây, năm 1976 thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, đến năm 1991 lại thuộc tỉnh Hà Tây. Từ ngày 23/6/1994 theo Nghị định 52/CP của Chính phủ, xã Văn Yên được tách thành 2 phường Văn Mỗ và Phúc La. Ngày 01/3/2008, Chính phủ ra Nghị định số 155/2006/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Đông để thành lập các phường Văn Quán, Mộ Lao thuộc thành phố Hà Đông. Theo đó phường Văn Quán được thành lập trên cơ sở một phần diện tích và nhân khu của phường Văn Mỗ.
Phố Văn Quán: (quận Hà Đông) dài 560 mét, rộng 10,5 mét (đoạn tiếp giáp với đường 19/5, TT13 khu đô thị Văn Quán đến giao nhau với đường Chiến Thắng tại TT15 khu đô thị Văn Quán).
Văn Quán là tên làng cổ nay thuộc phường Văn Quán, quận Hà Đông. Thời Lê được gọi là Văn Quán trang. Thời Nguyễn, Văn Quán thuộc tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Hòa. Sau Cách mạng tháng 8/1945 thuộc xã Văn Yên, thị xã Hà Đông. Văn Quán còn bảo lưu được cụm di tích đình và chùa Văn Quán đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
Phố Bạch Thái Bưởi: (quận Hà Đông) dài 950 mét, rộng 5,5-7,5 mét (đoạn từ giao với đường Nguyễn Khuyến, nhà A32 khu TT18 đến giao với đường Yên Phúc gần chợ Yên Phúc và Nghĩa trang liệt sĩ).
Bạch Thái Bưởi (1877 - 1932) quê làng Yên Phúc (nay thuộc phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội). Ông vốn họ Đỗ, nhà nghèo, cha mất sớm, ông phải giúp đỡ mẹ sinh nhai bằng nghề bán rong, sau nhờ một người họ Bạch nhận làm con nuôi cho ăn học nên đổi sang họ Bạch. Ban đầu, ông làm thư ký cho một hãng buôn người Pháp ở phố Tràng Tiền. Năm 1909, ông bước vào lĩnh vực kinh doanh vận tải đường sông. Trong vòng 10 năm, công ty của ông đã có 30 chiếc tàu lớn nhỏ và nhiều xà lan chạy các tuyến đường sông ở miền Bắc và vươn ra các nước như Hồng Kông, Nhật Bản. Ông là người kinh doanh rất thành đạt và đóng góp nhiều cho đất nước. Ông được coi như biểu tượng của phong trào chấn hưng thương trường của giới tư sản dân tộc Việt Nam thời đó.
Phố Nguyễn Văn Lộc: (quận Hà Đông) dài 1.100 mét, rộng 25 mét (đoạn từ giao nhau với đường Trần Phú, cạnh Khu đô thị Bắc Hà chạy vòng đấu nối với đường 36m tại khu vực dự án Booyoungvina).
Nguyễn Văn Lộc (1914 - 1979), tên gọi khác là Trương Đỗ Uông (quê ở xã Tảo Dương Văn, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Năm 1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4/1946 ông được giao phụ trách phong trào của 3 tỉnh Cao Bằng, Bắc Cạn và Thái Nguyên… Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ông được cử làm Phó Bí thư Khu ủy khu II; Phó Bí thư liên khu III (1948); Bí thư liên khu ủy III, Chủ tịch mặt trận thống nhất Liên khu III (1954). Ông cũng từng giữ chức Bí thư tỉnh ủy Hà Đông và Bí thư tỉnh ủy Sơn Tây. Tháng 7/1958, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Thủy lợi. Năm 1960, ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TW Đảng Lao động Việt Nam. Sau đó được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Chính phủ…
Phố Tố Hữu: (quận Hà Đông) dài 3.400 mét, rộng 42 mét (đoạn từ ngã tư cuối đường Lê Văn Lương giao cắt với đường Khuất Duy Tiến qua địa bàn huyện Từ Liêm đến ngã tư giao với đường Vạn Phúc, Hà Đông).
Tố Hữu (1920 - 2002), tên thật là Nguyễn Kim Thành (quê ở làng Phù Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Năm 1936, ông gia nhập Đoàn thanh niên, năm 1938 được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị của Việt Nam như: Ủy viên Bộ Ch nh trị, Bí thư Ban chấp hành TW Đảng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng, Trưởng Ban Khoa giáo TW, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc, Trưởng Ban Thống nhất TW, Trưởng Ban Tuyên huấn TW, Đại biểu Quốc hội khoá II và VII… Tố Hữu là một tác giả có vị trí đặc biệt quan trọng, một nhà thơ tiêu biểu của dòng thơ cách mạng Việt Nam với nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng.
Phố Sở Thượng: (quận Hoàng Mai) dài 400 mét, rộng 7 mét (đoạn từ ngõ 156 Tam Trinh đến đường Pháp Vân - vành đai III).
Sở Thượng là một làng Việt cổ, nằm ở tả ngạn sông Hồng, phía Nam kinh thành Thăng Long, một vùng đất có lịch sử tạo dựng và phát triển rất sớm. Làng Sở Thượng hình thành vào cuối thế kỷ XV, vốn là đất Yên Duyên vào đời Lê Thánh Tông (1460-1479). Đất Sở Thượng là sở đồn điền, một vùng đất rộng, nhiều hồ ao, sau phát triển thành làng mạc trù phú. Trải qua mấy thế kỷ, đất Sở Thượng là một khu căn cứ về đường thuỷ rất quan trọng, để bảo vệ Nam kinh thành Thăng Long được bình yên trong những cuộc chiến tranh giữ nước. Hiện nay, Sở Thượng là một làng thuộc xã Yên Sở, quận Hoàng Mai tên nôm là Sở, hay còn gọi là Sở Lờ. Trước 1945 là xã Sở Thượng, huyện Thanh Trì . Từ năm 1945 là thôn của xã Yên Sở (thuộc quận VII Ngoại thành) từ 1961 xã thuộc huyện Thanh Trì, sau này là quận Hoàng Mai.
Phố Trần Hoà: (quận Hoàng Mai) dài 1.500 mét, rộng 7 mét (đoạn từ Cầu Lủ, trước cửa Đình Lủ đến Cầu Dậu ngã tư giao cắt với đường Nghiêm Xuân Yêm, trước cửa Viện Y học Cổ truyền dân tộc).
Trần Hoà, ở làng Định Công, cha mẹ mất sớm, ba anh em Trần Hoà, Trần Điện, Trần Điền phải đùm bọc lẫn nhau kiếm sống. Sau khi Lý Nam Đế bại trận, ba anh em phải đưa nhau đi chạy loạn. Khi qua huyện Quế Dương, thuộc tỉnh Bắc Ninh, không may họ bị lạc nhau, mỗi người một ngả. Người anh là Trần Hoà chạy sang phương Bắc, học nghề làm nữ trang. Trần Điện và Trần Điền chạy sang nước khác vào làm thuê cho một phường thợ bạc. Mặc dù đều trở thành những người thợ giỏi, được dân nước sở tại trọng đãi, song nỗi nhớ quê hương không lúc nào nguôi, cả ba anh em đều tìm đường trở về, mở cửa hàng làm nghề chế tác vàng bạc. Ba người lại dạy cho dân làng cùng làm nghề, từ đó làng Định Công có nghề làm vàng bạc, truyền từ đời này qua đời khác, được khắp nơi biết tiếng. Để ghi nhớ công ơn của ba vị tổ nghề, những người thợ Định Công đã quyên góp xây dựng đền thờ Tổ tại số nhà 52 phố Hàng Bạc ngày nay. Những năm đầu thế kỷ XX, người làng Định Công đã chuyển ngôi đền thờ về làng. Vào ngày 12/02 âm lịch hàng năm, dù đi làm ăn xa đến đâu, những người thợ kim hoàn Định Công cũng trở về quê, thắp hương để tỏ lòng thành kính biết ơn ba vị tổ nghề.
Phố Cầu Bây: (quận Long Biên) dài 900 mét, rộng 13,5 mét (đoạn từ 108 Vũ Xuân Thiều, tuyến ven sông cầu Bây đến số 845 đường Nguyễn Văn Linh, Quốc lộ 5 đoạn qua cầu Đông Trù).
Cầy Bây là tên sông chạy qua thôn Thạch Cầu, xã Thạch Bàn huyện Gia Lâm, Hà Nội, nay thuộc tổ dân phố số 14 phường Thạch Bàn quận Long Biên.
Phố Phan Văn Đáng: (quận Long Biên) dài 700 mét, rộng 21 mét (đoạn từ trụ sở Công an quận Long Biên đến giao cắt với phố Nguyễn Cao Luyện tại nhà CT10).
Phan Văn Đáng tức Hai Văn (1918 - 1997), quê tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Tháng 9/1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Ông bị Pháp bắt và đày ra Côn Đảo. Ra tù, ông tham gia xây dựng chính quyền cách mạng tỉnh Vĩnh Long. Sau đó, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng trong tổ chức cách mạng như: Xứ uỷ viên; Thường vụ Xứ uỷ Nam Bộ (1954); Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, là một trong hai Xứ uỷ viên của Xứ ủy Nam Bộ, tham dự Hội nghị Trung ương 15 Khoá II ngày 13/01/1959 tại Hà Nội. Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban TWMTDTGP Miền Nam Việt Nam; Phó Trưởng Ban Tổ chức TW Đảng (1975); Đại biểu Quốc hội Việt Nam khoá VI, giữ chức Phó Chủ tịch UBTV Quốc hội...
Phố Lưu Khánh Đàm: (quận Long Biên) dài 650 mét, rộng 30 mét (đoạn giao với đường tiếp nối Nguyễn Cao Luyện đến điểm giao với đường 48m).
Lưu Khánh Đàm (989 - 1058), là người gốc An Lãng (Thọ Xuân, Thanh Hóa), sau chuyển về trú ngụ ở Lưu Xá (Hưng Hà, Thái Bình). Đạ Việt sử ký toàn thư ghi chép: Ông có công phò tá Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, được phong làm Quang Lộc đại phu hầu cận bên cạnh. Ông cùng em trai Lưu Điều đã đem quân đánh giặc Chiêm, 3 lần đánh bại quân Tống, phò tá 3 đời vua Lý (Thái Tổ, Thái Tông và Thánh Tông), lập nhiều chiến công và được vua rất tin dùng. Đất nước yên bình, ông được phong Thái úy, Thượng trụ quốc, Khai công quốc. Cuối đời, Lưu Khánh Đàm xin về ở Lưu Xá, sửa chùa làng và tu ở đó.
Phố Thép Mới: (quận Long Biên) dài 770 mét, rộng 10,5 mét (đoạn từ đường Vạn Hạnh đến giao đường trong khu đô thị mới Việt Hưng).
Thép Mới tên thật là Hà Văn Lộc (1925 - 1991), quê ở Nam Định. Ông học đại học ngành Luật, tham gia tích cực vào các phong trào cứu quốc, viết cho tờ “Tự trị” của phong trào sinh viên yêu nước chống Nhật. Cách mạng tháng 8 thành công, ông viết bài cho báo “Cờ giải phóng”. Cũng chính tại đây, bút danh Thép Mới xuất hiện lần đầu tiên với bài “Trung thu độc lập”. Sau đó ông chuyển sang công tác ở báo “Cứu quốc”, báo “Sự thật”. Năm 1951, ông công tác ở báo “Nhân dân”. Từ năm 1962, ông tham gia Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1964, ông là đặc phái viên của báo “Nhân dân” ở chiến trường Miền Nam. Ông được cử là Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam, kiêm Tổng biên tập báo “Giải phóng”. Năm 1972, ông là Phó Tổng biên tập báo “Nhân dân”. Ông giữ chức vụ này cho đến khi nghỉ hưu.
Phố Đoàn Khuê: (quận Long Biên) dài 2.100 mét, rộng 40 mét (đoạn từ cuối phố Trường Lâm qua Công an quận Long Biên đến bùng binh giao đường 80m ở khu E dự án Vincom village Sài Đồng).
Đại tướng Đoàn Khuê (1923 - 1999), bí danh là Võ Tiến Trình, người làng Gia Đẳng, xã Triệu Tân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia hoạt động cách mạng từ sớm. Bị Pháp băt giam, ông thoát khỏi nhà lao về hoạt động cách mạng và được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh, tham gia giành chính quyền ở Quảng Bình trong cách mạng thàng 8/1945. Sau đó, ông lần lượt được cử giữ các chức vụ: Phó Chính ủy Quân khu 4, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 5, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh 719, Phó Trưởng đoàn chuyên gia giúp bạn Campuchia (1983), Tổng Tham mưu trưởng (1987)... Năm 1990, ông được phong hàm Đại tướng, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (1991), Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị...
Phố Phú Thượng: (quận Tây Hồ) dài 700 mét, rộng 17,5 mét (đoạn từ số nhà 75 tổ 38, cụm 6, giao phố dự kiến đặt tên Phú Xá đến ngách 15/180 đường An Dương Vương).
Phú Thượng là tên một xã thuộc quận Tây Hồ, gồm có 3 thôn Phú Gia, Phú Xá và Thượng Thụy. Xưa kia đây là ba xã riêng thuộc tổng Phú Gia, phủ Hoài Đức. Phú Gia có tên nôm là làng Gạ, Phú Xá là làng Sù và Thượng Thụy là làng Bạc. Đến năm 1996 chuyển từ xã thành phường khi thành lập quận Tây Hồ, vẫn giữ nguyên tên Phú Thượng cho đến nay. Làng Sù, Gạ cùng có truyền thống hiếu học, có nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng. Theo “Từ Liêm đăng khoa lục” thì trong 02 làng Phú Gia, Phú Xá từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn đã có 04 người đỗ Tiến sĩ, 21 Cử nhân và 05 Tú tài.
Phố Phú Xá: (quận Tây Hồ) dài 730 mét, rộng 13,5 mét (đoạn từ trụ sở Công an phường Phú Thượng, ngã ba giao cắt phố Phú Gia với đường tổ 45 đến đường tổ 45, khu dân cư số 7A, ngã ba đối diện khu chung cư Bao Bì, phường Phú Thượng.
Phú Xá là một làng thuộc phường Phú Thượng. Đầu thế kỷ I Phú Xá thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) nhập huyện Từ Liêm vào phủ Hoài Đức thì Phú Xá là một trong 8 xã, sở thuộc tổng Phú Gia (gồm Phú Gia, Phú Xá, Thụy Hương, Nhật Tảo, Đông Ngạc, Quán La, Sở Quán La và Thượng Thụy), huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức. Đầu thế kỷ XX là xã Phú Xá (tên Nôm là Kẻ Sù), tổng Phú Gia, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông.
Phố Phúc Hoa: (quận Tây Hồ) dài 550 mét, rộng 13,5 mét (đoạn từ cổng chùa Phú Xá, giao với phố dự kiến đặt tên Phú Xá đến sau trường Trung học cơ sở Phú Thượng).
Phúc Hoa là tên gọi khác của chùa Phú Xá thuộc thôn Phú Xá, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Phú Xá còn gọi là làng Sù, đầu thế kỷ I Phú Xá thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831) Phú Xá là 1 trong 8 xã thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông. Theo bài minh trên chuông chùa Phúc Hoa thì chùa được trùng tu vào ngày Rằm tháng 2 năm Canh Ngọ (1810), như vậy chùa phải được xây dựng trước thời gian trùng tu hàng trăm năm. Những năm 1945 - 1955 chùa là nơi Hợp tác xã làm kho và nơi để thóc giống, làm trường học. Chùa có kiến trúc và nghệ thuật trang trí mang phong cách thời Nguyễn. Trong chùa hiện còn nhiều di vật quý như: Chuông đồng vuông đúc năm Gia Long thứ 9 (1810), 7 tấm bia đá, đa số là bia Hậu từ niên hiệu Tự Đức thứ 3 (1851) đến Bảo Đại thứ 2 (1924), 1 khám thờ đời Hậu Lê của dòng họ Nguyễn Kiều, 1 mộc bản ghi sự tích tiến sĩ Nguyễn Kiều có công xây dựng đình thôn Phú á.
Phố Từ Hoa Công Chúa: (quận Tây Hồ) dài 1.000 mét, rộng 8,5-11,5 mét (đoạn từ đầu ngõ 11 đường Xuân Diệu đến ngõ 1 đường Âu Cơ, lối rẽ vào chùa Kim Liên).
Từ Hoa là công chúa con gái vua Lý Thần Tông, người đã dời cung về làng Nghi Tàm sinh sống, có công dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, tạo nên một vùng đất nổi tiếng của kinh thành Thăng Long. Làng Nghi Tàm được hình thành từ năm 1138, do vua Lý Thần Tông đặt. Trại Tầm Tang gắn liền với sự tích công chúa Từ Hoa, là một làng cổ, thời Lý có tên là phường Tích Ma tức là Gai sợi, đời Trần đổi ra Tầm Tang tức Dâu Tằm, sang đời Lê đổi là Nghi Tàm. Trên vùng đất này còn có chùa Kim Liên là một trong những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô.
Phố Vũ Tông Phan: (quận Thanh Xuân) dài 2.000 mét, rộng 11 mét (đoạn từ nhà số 1, ngõ 2 phố Khương Trung đến ngã tư giao với ngõ 1 phố Định Công Thượng và cầu Lủ).
Vũ Tông Phan (1800 - 1851), tự là Hoán Phủ, hiệu là Đường Xuyên và Lỗ Am, tục gọi là ông Nghè Tự Tháp. Nguyên quán ở làng Hoa Đường, huyện Đường An (nay là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương), sau chuyển ra định cư ở thôn Tự Tháp, huyện Thọ Xương. Năm 1825, ông đỗ Cử nhân khoa Ất Dậu. Năm 1826, ông đỗ Tiến sĩ, được nhận chức ở Viện Hàn lâm. Năm 1827, ông được thăng làm Lang trung Bộ Binh và được cử duyệt quyển kỳ thi Đình và làm Đốc học Bắc Ninh. Năm 1841, ông lập Hội Hướng thiện nhằm mục đích chấn hưng văn hóa Thăng Long, được bầu làm Hội trưởng. Hội mua lại chùa Ngọc Sơn, tu sửa thành đền thờ Văn Xương đế quân (nay là đền Ngọc Sơn). Năm 1849, ông rời bỏ Trường Tự Tháp về dạy trẻ và soạn sách tại làng Kim Giang, huyện Sơn Minh (nay là huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ông không chỉ là một nhà chính trị, một nhà giáo mà còn là một nhà văn hoá của thế kỷ XIX. Sự nghiệp sáng tác của ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị.
Đường Xuân CanhL (huyện Đông Anh) dài 1.240 mét, rộng 8,5 mét (đoạn từ ngã ba Dâu, giao Quốc lộ 3 giáp khu tái định cư Xuân Canh đến ngã ba giao cắt với đường đê Tả sông Hồng, gần UBND xã Xuân Canh).
Đường Phúc Lộc: (huyện Đông Anh) dài 1.140 mét, rộng 10,5 mét (đoạn từ cổng Huyện ủy Đông Anh, đi qua tổ 2 thị trấn Đông Anh, thôn Phúc Lộc, đến ngã ba giao cắt với quốc lộ 3).
Đường Nguyễn Huy Nhuận: (huyện Gia Lâm) dài 1.600 mét, rộng 23-40 mét (đoạn từ đường Nguyễn Đức Thuận, cửa hàng xăng dầu 30/4 - Quốc lộ 5 đến ngã tư giao cắt với đường Ỷ Lan).
Nguyễn Huy Nhuận (1677 - 1758) là người làng Sủi, Phú Thị. Ông là Thượng thư đỗ Tiến sí sớm nhất của làng, là tấm gương sáng về sự hiếu học, có đức, có tài và có nhiều công lao to lớn với đất nước. Một số công lao có thể kể đến như làm phó sứ thời vua Lê Dụ Tông và Chúa Trịnh Cương hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, vua nhà Thanh kính nể; đồng thời ông cùng với Nguyễn Công Thái có công lớn trong việc đòi lại xưởng đồng Tụ Long và 40 dặm đất biên giới ở Vị Tây (Hà Giang). Ngoài ra, ông còn có công trong việc mở trường dạy học cho hàng trăm học trò, nhiều người đã đỗ đạt làm quan, cống hiến tài năng cho đất nước. Ông thọ 81 tuổi, được tặng tước Đại Tư Mã, Triệu Quận Công, Nguyễn Tướng Công.
Đường Tân Nhuệ (huyện Từ Liêm) dài 700 mét, rộng 7 mét (đoạn dọc sông Nhuệ từ cống Liên Mạc 1 đến cống Liên Mạc 2 thuộc địa bàn dân cư thôn Tân Nhuệ, xã Thụy Phương).
Phố Nguyễn Xuân Nguyên: (huyện Từ Liêm) dài 800 mét, rộng 15-17 mé (đoạn từ phố Cao Xuân Huy, cạnh trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn đến phố Hoài Thanh).
Nguyễn Xuân Nguyên (1907 - 1975) sinh tại xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Ông học trường thuốc Đông Dương, tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1935, từ năm 1935 - 1945, ông đã công bố 48 công trình nghiên cứu khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước. Sau Cách mạng tháng 8, ông được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Hải Phòng, Phó Giám đốc quân dân y Chiến khu 3 (1946), Giám đốc Sở Y tế liên khu 3. Sau năm 1954, ông được phong hàm Giáo sư và bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện mắt; Ủy viên Ban thường vụ Quốc hội ; Phó chủ tịch tổng Hội Y học Việt Nam; Chủ tịch Hội nhãn khoa Việt Nam và là Ủy viên thường trực của Đảng xã hội Việt Nam... Ông có nhiều đóng góp hết sức quan trọng trong các lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu và chữa trị trực tiếp trong ngành Nhãn khoa của Y khoa Việt Nam.
Phố Đỗ Đình Thiện: (huyện Từ Liêm) dài 800 mét, rộng 15-17 mét (đoạn từ tòa nhà CT5 đến khu CT1 phố Trần Văn Lai).
Đỗ Đình Thiện (1904 - 1972) người làng Noi, nay thuộc Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Ông và gia đình đã đóng góp một số lượng rất lớn tiền và vàng ủng hộ cách mạng. Căn nhà 54 Hàng Gai của gia đình ông từng là cơ sở hoạt động của những lãnh tụ cách mạng như Nguyễn Lương Bằng, Trường Chinh... và cũng là nơi nhiều lần Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp khách nước ngoài và những nhân sĩ trí thức như cụ Huỳnh Thúc Kháng . Cách mạng thánh 8 thành công, ông được cử phụ trách Quỹ độc lập, Tuần lễ vàng. Tháng 12/1946, ông giúp Chính phủ xây dựng nhà máy in tiền và cung cấp quân lương cho kháng chiến, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc trưởng nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Trưởng phòng Quỹ Ngân hàng Quốc gia.
Thiên Minh
-
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ xem xét thông qua 15 luật và 13 dự án luật
-
Kỷ luật 2 nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng
-
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng phát triển thành trung tâm năng lượng tái tạo
-
Luật Điện lực (sửa đổi) phải là “trụ đỡ” pháp lý vững chắc để năng lượng mới, năng lượng tái tạo phát triển đúng kỳ vọng