Gỡ nút thắt điện mặt trời
Đặt trong bối cảnh năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện, thì việc giải tỏa công suất cho các nhà máy này hết sức cấp bách.
Ảnh minh hoạ |
Đòi hỏi từ thực tế
Giải trình trước Quốc hội mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết dự kiến điện năng sản xuất năm 2019 sẽ đạt 240 tỉ KWh, tăng trên 10% so với 2018. Tuy nhiên, con số này chưa đủ để giải quyết vấn đề thiếu điện và cần giải pháp tháo gỡ hữu hiệu. Trong khi đó, tình trạng dự án chậm tiến độ đang trở nên trầm trọng khi trong khoảng 60 dự án đang đầu tư, có đến 35 dự án công suất 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1-5 năm, thậm chí kéo dài hơn.
Mới đây, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự thảo Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (ĐMT) tại Việt Nam, áp dụng từ ngày 01- 7- 2019, tiếp theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11- 4 - 2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương phối với hợp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng lưới điện truyền tải, không để xảy ra tình trạng giảm phát gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, trong khi nhu cầu về điện lại đang thiếu hụt.
Việc đầu tư lưới điện truyền tải này cần rà soát các quy định pháp luật và nghiên cứu cơ chế thí điểm cho các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng cần khẩn trương lập quy hoạch điện VIII (tám), báo cáo Thủ tướng phê duyệt trong năm 2020.
Ngoài ra, sẽ thực hiện phương án đầu thầu để xác định giá bán ĐMT áp dụng từ ngày 1-7-2019. Việc ban hành giá ĐMT cần tuân thủ một số nguyên tắc như: Chỉ áp dụng biểu giá khuyến khích cố định đối với các dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện và đang thi công, đưa vào vận hành trong năm sau. Các dự án còn lại và dự án mới sau này sẽ chuyển hẳn sang hình thức đấu thầu công khai, cạnh tranh để giảm giá mua điện.
Khuyến nghị về đấu thầu
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, đấu giá các dự án điện sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT) đã trở thành công cụ chính sách phổ biến trong những năm gần đây. Số lượng các quốc gia áp dụng đấu giá NLTT đã tăng từ 9 trong năm 2009 lên 48 quốc gia trong năm 2018.
Đối với Việt Nam, việc phát triển các dự án ĐMT là giải pháp khả thi để góp phần bảo đảm cung cấp đủ điện cho giai đoạn 2020 – 2025. Chỉ cần 4- 6 tháng có thể hoàn thành một dự án ĐMT có công suất 50 - 100MW. Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ việc phát triển quá nóng các dự án ĐMT giai đoạn vừa qua, việc quan trọng trước hết là phải chuẩn xác lại tiến độ các dự án nguồn điện lớn đang xây dựng, tiến hành cân bằng công suất – điện năng, lấy làm cơ sở xác định khối lượng các dự án NLTT cần xây dựng trong giai đoạn 2020 – 2025. Trên cơ sở đó lập kế hoạch đấu thầu cho phát triển các dự án ĐMT trong giai đoạn này. Việc cân đối được tiến hành theo các vùng, miền để xác định công suất cần đưa vào trong từng năm của mỗi vùng, miền. Chẳng hạn như sẽ ưu tiên phát triển nguồn điện ở khu vực miền Nam, khu vực dự báo thiếu hụt lớn.
Nhằm tránh quá tải cho lưới điện truyền tải, các dự án ĐMT không nên tập trung quá lớn tại một địa điểm. Việc thực hiện các dự án có quy mô vừa phải (30 – 50 MW), bố trí gần các trạm biến áp 110 kV, khi đó các dự án ĐMT có thể đấu nối vào hệ thống điện quốc gia qua các đường dây trung áp. Việc này sẽ giảm thiểu đầu tư xây dựng lưới điện, giảm tổn thất điện năng.
Trên cơ sở công suất nguồn ĐMT cần đưa vào hàng năm, tổ chức việc đấu thầu để lựa chọn các dự án dựa trên cơ sở giá chào. Các dự án có giá chào được xếp trước, cho đến khi đủ công suất nguồn điện cần đưa vào vận hành trong năm đó. Để chuẩn bị cho công tác đấu thầu các dự án điện mặt trời từ năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần chuẩn bị hồ sơ mời thầu và ban hành các quy định cần thiết cho công tác đấu thầu, trong các giai đoạn: Trước khi đấu thầu, trong khi đấu thầu và sau khi đấu thầu.
Theo ước tính của EVN, sản lượng điện thiếu hụt năm 2021 khoảng 6,6 tỉ KWh, năm 2022 tăng lên khoảng 11,8 tỉ KWh, năm 2023 là 15 tỉ KWh. Riêng năm 2020 gần như không có dự phòng nguồn điện nên có thể đối mặt với nguy cơ thiếu điện trong các tình huống cực đoan như nhu cầu phụ tải cao hơn dự báo, lưu lượng nước về các hồ thủy điện kém, nhiên liệu than và khí cho phát điện thiếu hụt.
Nguồn điện năng lượng tái tạo hiện có công suất lắp đặt chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng công suất nguồn điện cả nước, nhưng sản lượng mới chỉ đạt 2,5%. Nếu tiến hành đồng bộ các giải pháp nói trên, tin rằng, tỷ lệ trên sẽ được cải thiện và góp phần đáng kể hơn nữa vào cơ cấu nguồn điện của cả nước.
Sơn Minh
-
Hoàn thiện dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm thúc đẩy chuyển dịch năng lượng xanh
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
[PetroTimesMedia] Thành phố Biển Đỏ: Dự án lưới điện vi mô điện mặt trời lớn nhất thế giới
-
Cần cơ chế, chính sách cho điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu”
-
Kịch bản cung ứng điện năm 2025
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo