Gỡ khó cho mô hình tiết kiệm điện theo hình thức ESCO
Ông Trần Viết Nguyên. |
PV: Trước tiên, xin ông cho biết khi triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO, doanh nghiệp sẽ được lợi ích gì?
Ông Trần Viết Nguyên: Khi các doanh nghiệp tham gia vào mô hình tiết kiệm năng lượng theo hình thức ESCO (cách gọi tắt của các Công ty cung cấp dịch vụ, giải pháp tiết kiệm năng lượng cho các doanh nghiệp) thông qua các hợp đồng với các doanh nghiệp ESCO trong nước cũng như nước ngoài thì doanh nghiệp sẽ được rất nhiều lợi ích. Đó là việc doanh nghiệp sẽ giảm được chi phí đầu tư do các Công ty dịch vụ ESCO sẵn sàng thu xếp tài chính cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đó là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là chính sách chung được Đảng, Chính phủ cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Và khi doanh nghiệp tham gia một trong những giải pháp mà các ESCO đề xuất thì sẽ có cơ hội để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn tại chính đơn vị mình.
Thứ nữa, thông qua việc triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà các ESCO đưa ra sẽ giúp nâng cao hình ảnh, thương hiệu của một doanh nghiệp thân thiện với môi trường. Như ở nước ngoài thì đây là một trong những yếu tố đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Bởi khi anh sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiết kiệm và hiệu quả trong việc sử dụng năng lượng, chống biến đổi khí hậu…
Ngoài ra, việc tham gia vào mô hình tiết kiệm năng lượng theo hình thức ESCO, doanh nghiệp sẽ không phải bỏ vốn đầu tư từ ban đầu bởi các công ty dịch vụ ESCO đã cung cấp trọn gói, tổng thể từ khâu khảo sát, thiết kế, xây dựng, lắp đặt, bảo trì, bảo dưỡng và chuyển giao công nghệ. Doanh nghiệp chỉ phải sử dụng và có một chút chia sẻ lại cho doanh nghiệp ESCO khi doanh nghiệp ESCO họ chứng minh được quá trình sử dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng mà họ đưa ra thực sự tiết kiệm được bao nhiêu.
Nói chung, theo tôi, mặc dù mô hình ESCO còn khá mới mẻ nhưng đây rõ ràng là một trong những giải pháp hữu hiệu để các cơ quan nhà nước, như EVN khi cung cấp các giải pháp này sẽ tạo thêm những điều kiện tốt và thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước có cơ hội áp dụng các giải pháp mới, hiện đại. Mục tiêu cuối cùng chính là việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, mang lại lợi ích về chi phí cho doanh nghiệp.
PV: EVN đã triển khai mô hình này như thế nào, thưa ông?
Ông Trần Viết Nguyên: EVN đã triển khai thí điểm cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng theo mô hình ESCO từ 2014. Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã chính thức ký kết và triển khai thực hiện 7 hợp đồng ESCO. 7 hợp đồng này chúng tôi chủ yếu thực hiện ở khu vực phía Nam bởi giải pháp được chọn là cung cấp hệ thống bình nước nóng bằng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp. Với giải pháp này thì miền Nam có tiềm năng và nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện.
Qua những kết quả đã đạt được trong 2 năm qua, chúng tôi tin tưởng sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển được mô hình này ra các tỉnh thành phố khác, đặc biệt là khu vực phía Bắc. Hiện nay, EVN đã có chủ trương và đã giao nhiệm vụ cho các đơn vị trực thuộc triển khai, mở rộng để cung cấp các dịch vụ, giải pháp theo mô hình ESCO. Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp như EVN thì trong thời gian tới, thị trường ESCO sẽ có sự pháp triển mạnh mẽ hơn nữa.
PV: Mô hình ESCO có phù hợp với hộ gia đình hay không?
Ông Trần Viết Nguyên: Mô hình ESCO có phù hợp với hộ gia đình nhưng hiệu quả hay không thì chưa hẳn. Lý do là vì hộ gia đình thì quy mô nhỏ, trong khi làm ESCO đòi hỏi phải có quy trình, từng bước như khảo sát, thiết kế… và kiểm toán năng lượng. Để thực hiện tất cả những bước này, với quy của một hộ gia đình thì chi phí cho ESCO là quá nhiều. Chính vì vậy, hiện nay, không chỉ ở Việt Nam mà chung trên thế giới, các ESCO thường nhắm vào các dự án tương đối lớn bởi cùng một chi phí khảo sát, thiết kế… nhưng tỉ suất thu hồi sẽ lớn hơn.
Nhưng có thể trong tương lai, khi quy mô hộ gia đình có một điểm tương đồng, có giải pháp sử dụng chung được với nhau gom nhiều hộ lại với nhau thành một dự án thì có thể sẽ thu hút được các ESCO. Hiện nay, EVN cũng đang quan tâm đến giải pháp như thay đèn Compact bằng đèn Led chẳng hạn, việc thay thế này sẽ tiết kiệm được cho gia đình một khoản chi phí tương đối lớn. Ở đây cũng phải nói rằng, để thực hiện việc này thì lượng điện mà hộ gia đình sử dụng cũng phải tương đối lớn, không thể dùng 4 – 5 cái đèn nhưng rồi phải có cả một công ty vào để làm việc thay thế. Nếu là một ESCO độc lập chắc chắn họ sẽ từ chối nhưng nếu dưới góc độ tư vấn để nâng cao nhận thức cho khách hàng, để khách hàng tự thực hiện thì sẽ hiệu quả hơn.
Một mô hình ESCO. |
ESCO thông thường nhắm vào các doanh nghiệp sử dụng nhiều dạng năng lượng khác nhau, thiết bị công nghệ khá phức tạp. Bản thân doanh nghiệp lại không có chuyên môn về lĩnh vực đó thì họ sẽ cần ESCO. ESCO vào sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá và chỉ ra tiềm năng tiết kiệm năng lượng ở khu vực nào, từ đó đề xuất giải pháp. Quyết định lựa chọn giải pháp sẽ do doanh nghiệp đưa ra vì nó liên quan đến đầu tư. Một là doanh nghiệp bỏ tiền ra thực hiện. Hai là để ESCO bỏ vốn đầu tư và thu hồi trở lại. Ba là cùng vay mượn tiền để doanh nghiệp và ESCO cùng thực hiện.
Ở đây, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu không có mô hình ESCO thì cơ hội để các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng rất là khó. Ví như doanh nghiệp không có một đồng nào để đầu tư nhưng hiện vẫn có thể áp dụng các giải pháp từ ESCO, khoản tiền thu được từ việc tiết kiệm chi phí năng lượng sẽ được hoàn lại cho các ESCO theo cơ chế thỏa thuận của 2 bên.
PV: Được biết, năm 2016, EVN có giao mỗi Tổng công ty thực hiện 10 mô hình ESCO nhưng như ông nói, EVN mới có 7 hợp đồng. Vì sao lại như vậy?
Ông Trần Viết Nguyên: EVN trên cơ sở thành công của 7 dự án ESCO, trong năm 2016 đã đặt mục tiêu mỗi Tổng công ty sẽ triển khai 10 dự án ESCO. Tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn chưa triển khai được như mục tiêu đưa ra vì cũng có những khó khăn nhất định.
Thứ nhất là việc tiếp cận khách hàng. Hiện nay, mặc dù chúng tôi đã có danh mục các khách hàng tiềm năng nhưng quá trình đi giao dịch, giới thiệu dịch vụ cần thời gian, không phải lúc nào muốn gặp là được.
Thứ hai là đối tác hợp tác. Để làm ESCO thì EVN không làm được một mình bởi các giải pháp tiết kiệm năng lượng nằm ở nhiều lĩnh vực khác nhau như bình nước nóng năng lượng mặt trời, điều hòa, hệ thống bơm, biến tần…
Thứ ba là vấn đề vốn. Nguồn vốn của EVN hiện chủ yếu dùng để phát triển hạ tầng điện, còn ESCO chỉ là dịch vụ gia tăng thêm mà chúng tôi làm với mục tiêu thúc đẩy thị trường ESCO trong nước phát triển. Đồng thời, triển khai ESCO, EVN cũng muốn thực hiện chủ trương của Chính phủ là sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiện quả. Hiện nay, các Tổng công ty điện lực của EVN đang cố gắng để thu xếp đủ nguồn vốn để thực hiện trong những năm tới. Chúng tôi rất tin tưởng và hy vọng, từ 2017, với sự chuẩn bị từ 2016, chúng tôi sẽ triển khai thêm các dự án ESCO.
PV: EVN có giải pháp gì để triển khai mô hình này trong thời gian tới?
Ông Trần Viết Nguyên: Qua quá trình thực hiện, một trong những khó khăn mà chúng tôi thấy là công tác truyền thông, tuyên truyền đến doanh nghiệp, người dân quan tâm đến các giải pháp ESCO còn hạn chế. Phía EVN đã nỗ lực rất nhiều nhưng nếu chỉ Tập đoàn thực hiện thì cũng không thể đủ để phủ sóng khắp các tỉnh thành. Vì vậy, EVN rất mong các cơ quan quản lý như nước, các doanh nghiệp ESCO… sẽ góp sức, thêm tiếng nói và có những hành động hết sức cụ thể để đẩy mạnh tuyên truyền. Đồng thời, các ESCO cầnđưa ra các giải pháp hết sức là thiết thực để giúp cho các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chứ không phải được thành lập để tư vấn, giới thiệu để bán sản phẩm của mình.
Đặc biệt là vấn đề về vốn. Đây có lẽ là nút thắt lớn nhất mà hầu hết các ESCO đều gặp phải. Các ESCO có thể nói là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô vốn còn hạn chế nên nếu phải triển khai các dự án ESCO lớn là rất khó khăn. Mà ở Việt Nam, khi cung cấp các giải pháp ESCO cho doanh nghiệp, doanh nghiệp ít khi lựa chọn bỏ tiền túi ra để đầu tư vì họ còn nghi ngờ tính hiệu quả và giải pháp lại quá mới nên thông thường họ sẽ ủy thác, giao hết cho ESCO và sẽ tiến hành trả chậm hoặc thanh toán hết khi thấy giải pháp thực sự hiệu quả… Điều này đặt áp lực thu xếp tài chính lên các ESCO và phải đi vay. Nhưng hiện nay, Chính phủ vẫn chưa thực sự có sự thống nhất trong chính sách là các ngân hàng thương mại, các định chế tài chính để hỗ trợ các doanh nghiệp ESCO theo hình thức như thế nào. Và quả thật, khi đi làm việc, các ngân hàng thường rất e ngại bởi đội ngũ tín dụng hoặc cho vay của ngân hàng chưa được đào tạo nhiều về lĩnh vực tiết kiệm năng lượng nên khi thẩm định dự án cũng rất khó khăn.
Từ thực tế đó, chúng tôi rất mong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để ban hành những chính mới thực sự hỗ trợ các ESCO, đặc biệt trong thời điểm đầu để họ có thể phát triển triển, mở rộng thị trường.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thanh Ngọc
-
Phát động cuộc thi “Tìm hiểu kiến thức về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2024”
-
Tăng tốc khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hiệu quả năng lượng
-
Triển lãm Công nghệ thiết bị điện và Năng lượng xanh lớn nhất trong năm
-
Báo chí lan tỏa mạnh mẽ thông điệp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
-
ENTECH HANOI 2024 thúc đẩy phát triển năng lượng và môi trường
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025
-
Các nỗ lực tích hợp năng lượng ở Đông Nam Á bị đe doạ
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4