Giữ nguồn sáng vùng biên ải
Không ngại gian khó
Vượt hơn 400 km từ Hà Nội, chúng tôi có mặt tại huyện biên giới Sốp Cộp vào những ngày cuối năm Đinh Dậu. Là huyện được thành lập năm 2003, tách từ 8 xã vùng cao của huyện Sông Mã, Sốp Cộp là địa phương nằm trong Chương trình 135 của Chính phủ, còn rất nhiều khó khăn.
Đưa điện đến các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới huyện Sốp Cộp đã khó, nhưng giữ dòng điện luôn thông suốt, tỏa sáng lại còn khó khăn gấp bội. Thậm chí, những người thợ điện miền biên giới còn phải “cắm bản” và thực hiện 3 cùng với đồng bào để có thể hoàn thành nhiệm vụ. Với đặc thù địa hình phần lớn là đồi núi, dân cư thưa thớt, hệ thống lưới điện trải dài, nên việc cấp điện cho hơn 8.500 khách hàng nơi đây thực sự là khó khăn, thử thách rất lớn đối với những người làm điện…
Bà Nguyễn Thị Tâm – Phó Giám đốc Điện lực Sốp Cộp, Công ty Điện lực Sơn La cho biết, mặc dù Sốp Cộp là huyện miền núi có nhiều khó khăn, nhưng Điện lực Sốp Cộp đã cấp điện cho 96/128 thôn bản, phục vụ hơn 8.500 khách hàng.
Điện lực Sốp Cộp đang quản lý và vận hành gần 190 km đường dây trung áp, 150 km đường dây hạ áp, 80 TBA. Để dòng điện luôn tỏa sáng các bản làng, 25 công nhân viên Điện lực Sốp Cộp ngày đêm “cắm bản”, nỗ lực không ngừng, đảm bảo nguồn điện được ổn định nhất.
Từ ngày có điện, cuộc sống của người dân huyện Sốp Cộp đã có nhiều thay đổi, vươn lên thoát nghèo |
Anh Vũ Xuân Trường – Đội trưởng Đội quản lý vận hành, Điện lực Sốp Cộp gắn bó với Ngành từ năm 2004. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề điện Sóc Sơn (nay Trường Cao đẳng Điện lực miền Bắc), anh Trường đã lên “miền biên ải” lập nghiệp. Gần 13 năm gắn bó với núi rừng, anh chia sẻ: “Sốp Cộp là huyện miền núi, địa bàn rộng, địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, nhiều nơi không có sóng điện thoại. Trong khi đó, khối lượng quản lý vận hành đường dây rất lớn, lại chủ yếu đi qua khu vực đồi núi, gây không ít khó khăn trong quản lý vận hành. Khó khăn nhất chính là khi mưa bão kéo dài, gây sạt lở đất, làm đổ cột, đứt dây”.
Anh Trường nhớ lại những ngày đầu mới về làm việc. Đó là thời điểm huyện Sốp Cộp vừa tách từ huyện Sông Mã, cơ sở vật chất thiếu thốn, phải thuê nhà dân làm trụ sở. Việc đối mặt với mưa rừng, giá rét hay nắng cháy, muỗi rừng, vắt cắn… là chuyện hết sức bình thường của thợ điện nơi đây.
Anh Nguyễn Xuân Vinh – Công nhân quản lý vận hành Điện lực Sốp Cộp chia sẻ thêm: “Anh em trong đội đều là những người sống xa nhà. Và mặc dù mọi thứ đều thiếu thốn, từ lương thực, thực phẩm đến nước uống, nước sinh hoạt…nhưng chúng tôi hiểu, giữ dòng điện ổn định cho người dân vùng biên này không chỉ góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mà còn mang niềm tin của Đảng, Chính phủ, ngành Điện đến với người dân vùng biên cương. Đó chính là động lực lớn nhất để chúng gắn bó với nơi đây”.
Được dân tin, dân quý
Không chỉ điều kiện làm việc vô cùng khó khăn do phải “băng rừng, lội suối”, thợ điện Sốp Cộp còn gặp rất nhiều trở ngại do khách hàng hầu hết là đồng bào dân tộc, ngôn ngữ bất đồng, phong tục tập quán khác biệt, vấn đề giao tiếp và làm việc với bà con cũng không đơn giản. Nhưng đổi lại, người làm điện miền biên giới Sơn La cũng được đồng bào thấu hiểu, sẻ chia và rất đồng cảm… Điều đó thôi thúc anh em thợ điện yên tâm “cắm bản” làm việc hết mình.
Bà Lò Thị Pính, bản Tông, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La chia sẻ: “Cảm ơn các anh thợ điện nhiều lắm, nhờ có các anh thợ điện mà chúng tôi có cuộc sống ấm no, nhờ có điện mà bà con nơi đây đã mạnh dạn làm giàu và phát triển kinh tế, đời sống bà con ngày một cải thiện”.
Ông Lò Văn Hòa cũng ở bản Tông, xã Mường Và chia sẻ thêm: “Từ ngày có điện chúng tôi vui lắm. Nhà tôi cố gắng mua cái ti vi, xem tin tức rất bổ ích. Có các anh thợ điện, nhà tôi không lo mất điện nữa. Có việc gì là nhờ các anh giúp đỡ ngay. Bây giờ gia đình tôi quý các anh như người trong nhà rồi”.
Bà Nguyễn Thị Tâm – Phó Giám đốc Điện lực Sốp Cộp cho biết thêm,các trường học, bệnh viện trên địa bàn huyện cũng đã được sử dụng điện lưới quốc gia. Điện về trên vùng biên giới Sốp Cộp cũng sẽ góp phần tích cực vào việc bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh, chính trị trên địa bàn vùng biên. Quan trọng hơn, nỗ lực của người làm điện đã được “đền đáp” bằng sự khởi sắc từng ngày trong cuộc sống đồng bào các dân tộc vùng biên, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững.
Chia tay những người thợ điện miền biên giới Sơn La, chúng tôi hiểu, con đường phía trước của các anh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức... Nhưng tin rằng, họ luôn là những “cây thông mọc thẳng” giữa núi rừng sẽ tiếp tục vượt lên mang dòng điện vươn xa, “thắp sáng” mọi bản làng.
Mai Anh
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV