Giao thông giữa TP HCM và 4 tỉnh giáp ranh được tổ chức như thế nào?
Theo kế hoạch tổ chức giao thông cho người lao động di chuyển giữa TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Tây Ninh của Sở Giao thông Vận tải TP HCM, người lao động sử dụng phương tiện giao thông cá nhân (ô tô, xe máy) đi lại giữa TP HCM và 4 tỉnh lân cận và ngồi trên phương tiện phải đáp ứng một số điều kiện.
Ảnh minh họa. |
Đối với người đi từ các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh vào TP HCM cần tiêm ít nhất một mũi vắc xin Covid-19 qua 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).
Người đi từ TP HCM vào tỉnh Long An cần tiêm ngừa Covid-19 ít nhất một mũi đủ 14 ngày sau tiêm, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần).
Đối với người đi từ TP HCM vào tỉnh Bình Dương chia làm 2 trường hợp. Trường hợp cá nhân sử dụng phương tiện ô tô phải tiêm ngừa Covid-19 ít nhất một mũi đủ 14 ngày hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần); có giấy xác nhận phục vụ lưu thông của người lao động có nội dung địa điểm, cung đường.
Trường hợp cá nhân sử dụng xe máy chỉ áp dụng đối với người lao động đi lại giữa 2 địa phương giáp ranh TP Thủ Đức với TP Thuận An và Dĩ An. Người ngồi trên phương tiện phải đáp ứng các yêu cầu đã tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ 2 mũi hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính (định kỳ 7 ngày/lần), có giấy xác nhận phục vụ lưu thông của người lao động có nội dung địa điểm, cung đường.
Đối với người đi từ TP HCM vào tỉnh Tây Ninh cần tiêm vắc xin Covid-19 ít nhất 1 mũi, đã 21 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 không quá 6 tháng và có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận kết quả.
Riêng Đồng Nai chưa cho phép xe cá nhân (ô tô, mô tô, xe gắn máy) lưu thông từ TP HCM vào tỉnh.
Ngoài ra, người tham gia lưu thông phải khai báo y tế, sử dụng mã QR khai báo di chuyển của ứng dụng VNEID, mã QR có thể hiện lịch sử tiêm chủng của ứng dụng Y tế HCM hoặc Sổ sức khỏe điện tử cho đến khi ứng dụng PC-COVID chính thức đưa vào hoạt động, và kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính theo quy định của ngành y tế.
Trường hợp không có mã QR, xuất trình một trong các giấy tờ chứng nhận đã tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 khi được cơ quan chức năng, hoặc là người mắc Covid-19 đã khỏi bệnh dưới 6 tháng có xác nhận của cơ quan chức năng nơi quản lý, theo dõi, điều trị.
Trước đó, vào tối 10/10, Bộ GTVT đã ban hành quy định tạm thời về thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiếm soát hiệu quả dịch COVID-19.
Kế hoạch triển khai thí điểm từ ngày 13/10 đến hết ngày 20/10/2021 và chỉ thực hiện tối thiểu 5% và tối đa không vượt quá 30% số chuyến trong 7 ngày của đơn vị theo lưu lượng đã được Sở Giao thông Vận tải công bố (số chuyến/tháng) và có giãn cách chỗ trên phương tiện (không áp dụng giãn cách đối với xe giường nằm).
Đối với các địa phương nguy cơ thấp và bình thường đến địa phương/khu vực có nguy cơ tương đương thì tổ chức hoạt động vận tải bình thường.
Tại TP HCM, dự kiến cho xe khách liên tỉnh chạy lại từ ngày 1/11.
X.Hinh (tổng hợp)
-
Báo Kinh tế & Đô thị trao tặng nhà cho người dân khó khăn tỉnh Hà Giang
-
Dự báo có 3 cơn bão liên tiếp đổ bộ vào Biển Đông
-
Cảnh báo bão Toraji nối tiếp bão Yinxing đổ bộ Biển Đông
-
Chính phủ đề xuất mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp
-
Bão Yinxing sẽ suy yếu khi đi vào vùng biển các tỉnh Quảng Trị - Quảng Ngãi