Gian nan “lính đường dây”
Những ngày đầu tháng 10, tôi và một số anh em CBCNV từ các trạm biến áp 110kV được điều động tăng cường phối hợp với Phân xưởng đường dây Quảng Trị để thi công thay sứ cách điện đường dây 110kV Đông Hà - Lao Bảo. Từ tờ mờ sáng, người gói xôi, người ổ bánh mì, chai nước có mặt đông đủ chuẩn bị đầy đủ mọi vật tư, dụng cụ sẵn sàng. Theo kế hoạch công tác, nhóm chúng tôi sẽ thay thế sứ cách điện từ VT110 đến VT115 nằm ở vùng núi Cùa thuộc Cam Lộ.
Xe băng băng trên đường trong màn sương sớm, trên đường vào núi Cùa, nhiều chỗ phải vượt qua các khe suối với dốc dựng đứng, tôi thót tim tưởng mình sắp “bay” khỏi xe, vậy mà các anh em phân xưởng đường dây vẫn cười toét miệng: “Đoạn đường này còn dễ đi đấy, chứ vào sâu bên trong đường khó hơn nhiều”. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ vượt qua bao vực sâu và đường núi quanh co, xe bắt đầu dừng lại.
Đưa tay chỉ về những trụ điện cao thế ẩn hiện trên ngọn núi mù sương kia, anh Phạm Ngọc Tài - chỉ huy trực tiếp của nhóm bảo: “Từ đây, chúng ta đi bộ men theo sườn dốc, đi vòng qua đồi rừng keo lai, rồi tiếp tục băng qua ngọn núi kia là đến chân cột 114, nơi mà nhóm chúng ta công tác”. Đi một mình trên đường mòn nhỏ hẹp ven núi quanh co đã khó, ở đây chúng tôi mỗi người phải mang vác thêm khoảng gần 20kg nào là dụng cụ, vật tư thay thế và nhu yếu phẩm, với lại đường không có người qua lại, cây bụi và dây leo chằng chịt cản đường còn cực gấp nhiều lần.
Người thợ đường dây thao tác sửa chữa lưới điện |
Trên đường đi, chúng tôi liên tục chạm trán với vắt rừng, do thời gian gần đây trời mưa nhiều, rừng còn ẩm ướt nên vắt rừng nhiều như “quân Nguyên”. Mới leo được gần một nửa quãng đường, tôi đã thấm mệt và đôi chân như không muốn bước tiếp, thế mà các anh em phân xưởng đường dây với đồ nghề nặng trĩu trên vai vẫn vừa đi, vừa chuyện trò rôm rả. Có một điểm chung của những anh em đường dây ở đây mà tôi cảm nhận được là họ đi rừng rất giỏi. Giữa điệp trùng núi đồi, vách đá dựng đứng cao hàng chục mét, những con đường mòn len lỏi giữa ngút ngàn rừng luôn có dấu chân của các anh. Dẫu ngày hay đêm, mưa rét hay nắng cháy, những người lính đường dây vẫn miệt mài băng rừng, lội suối, bảo vệ cho từng vị trí cột điện và giữ cho đường dây huyết mạch luôn thông suốt.
Tiếp tục hành trình, cuối cùng cũng lên được đỉnh núi và kia là cột điện nơi chúng tôi phải tác nghiệp. Trong khi tôi đã mệt bở hơi tai, chưa kịp nghỉ ngơi thì các anh em công nhân lại tiếp tục với công việc của mình. Nhìn các anh thoăn thoắt làm việc như những diễn viên xiếc trên dây, tôi chỉ đứng dưới làm phụ, tôi mới hiểu vì sao họ lại được gọi bằng cái tên rất thân thương và pha chút tự hào “lính đường dây”.
Ngước nhìn các anh thay sứ, đặc biệt là sứ néo, nằm dài trên chuỗi sứ để móc cóc, rồi ra ngồi trên dây giống như đang ngồi trên võng để thay từng chuỗi sứ trông thật chuyên nghiệp. Tôi chăm chỉ theo phụ, học hỏi, học từ cách buộc dây thừng làm sao cho dễ cởi nhưng khó tuột, học tên các dụng cụ, phụ kiện như khóa công tác, khánh, những cái tên mà ngay cả tôi là người trong ngành, nếu không được thấy sẽ khó thể hiểu được.
Gần 12 giờ trưa, cái nắng trái mùa càng trở nên gay gắt và oi bức hơn, những người thợ đường dây vẫn cặm cụi làm việc. Lúc này ai cũng vừa đói, vừa thấm mệt, những chiếc áo màu cam giờ đây đã chuyển sang màu thẫm vì bụi đất và mồ hôi, nhưng rồi các anh vẫn động viên bảo nhau, ráng… ráng tí nữa, xong việc rồi ăn cơm luôn thể. Anh em đường dây là thế, cứ làm, làm cho xong để kịp đóng điện, nên dù đói, dù khát vẫn cố gắng ráng thêm tí nữa. Nhìn những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt đồng nghiệp, đẫm ướt áo đồng phục màu cam, tôi chạnh lòng suy nghĩ, để cho nguồn điện vươn tới mọi miền quê của Tổ quốc, không biết đã có bao nhiêu giọt mồ hôi như thế đổ xuống.
Tâm sự với tôi, anh Hoàng Quốc Ân - Quản đốc Phân xưởng đường dây Quảng Trị nói: “Được làm bên ngành điện như chúng ta thì ai cũng nghĩ là niềm mơ ước vì thu nhập chắc cao, công việc nhàn hạ, nhưng mọi người đâu thấy được những vất vả của chúng mình. Đặc biệt, với những người thợ đường dây, công việc rất nguy hiểm và nhiều rủi ro rình rập. Vẫn biết an toàn là vấn đề đặt lên hàng đầu, nhưng không ai nói trước được những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào”. Chỉ tay vào mớ đồ nghề nào kẹp, đội, kìm… cái nào cũng nặng trịch, anh Ân nói tiếp: “Một nửa bên kia trụ điện, dòng điện vẫn đang được tải, nên khi vận chuyển đồ nghề lên cho đồng nghiệp, phải thật thận trọng, tỉ mỉ từng thao tác”.
Dứt câu chuyện thì trên kia các anh cũng vừa thay xong những chuỗi sứ cách điện cuối cùng. Thay vì một bữa cơm trưa, những giây phút nghỉ ngơi sau buổi làm việc vất vả thì bữa cơm của người thợ điện giữa đại ngàn Trường Sơn lại rất đạm bạc và đơn sơ, đó chỉ là những chiếc bánh chưng, bánh mì, lương khô ăn vội để tranh thủ thời gian làm cho kịp tiến độ. Đến lúc này, để có được một bữa cơm trưa đàng hoàng, hay có một giấc ngủ trưa đúng nghĩa là một thứ gì đó rất xa xỉ đối với họ. Với những người lính đường dây, bữa cơm ăn vội ngay chân cột điện, hay những bữa ăn trưa chan mưa, chan nắng trên trụ điện với dây an toàn giữa núi rừng hoang vu không còn là việc lạ. Nếu không đến đây cùng làm việc với những người thợ đường dây, được trải nghiệm và chứng kiến những hình ảnh ấy, có lẽ chẳng bao giờ tôi biết về kiểu ăn cơm lạ đời của những người xem đường dây như máu thịt này. Có thể nói, chỉ có những người công nhân đường dây làm việc trên mảnh đất của gió Lào và cát trắng này mới có thể trải nghiệm đầy đủ nhất những cung bậc gian lao vất vả của nghề .
Chia tay những người lính đường dây, tôi thầm cảm ơn các anh đã cho tôi những trải nghiệm tuyệt vời, giờ đây tôi trở về với công việc thường ngày của mình, nhưng trong lòng tôi vẫn còn ngân nga câu hát:
“Xin hát về anh, những người thợ đường dây miền Trung
Băng núi vượt sông, đưa dòng điện tới bao nẻo đường
Chân anh đã vượt qua, đã qua đồng lầy, cát cháy
Vì trong tim anh, một dòng điện thanh xuân đang vận hành”.
“Lính đường dây” ngoài việc phải có sức khỏe dẻo dai và không sợ độ cao, còn phải nắm vững các kỹ năng, kỹ thuật thao tác, phối hợp nhịp nhàng cùng đồng nghiệp. |
Văn Quý
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Sửa Luật Điện lực cần cập nhật đầy đủ các vướng mắc hiện nay
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán và đấu nối: Tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Đồng Nai và khu vực
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Luật Điện lực mới và vấn đề cấp bách triển khai thực hiện cải cách thị trường điện
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh