Gian nan... dự án điện
Đây là dự án quan trọng trong tổng sơ đồ điện quốc gia, đầu tư trên 2,5 tỉ USD, có quy mô lớn, trên diện tích hơn 42 héc-ta, sát với NMNĐ Vũng Áng I, sẽ được xây dựng theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT).
Tuy nhiên đến nay, sau hơn 8 năm, nhà máy vẫn chưa được khởi công.
Nhìn ngược lại thời gian để thấy hành trình của một dự án quốc gia mà… gian nan tới mức nào.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp ông Yoshinori Katayama, Phó chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi (Ảnh: VGP/Nhật Bắc) |
Ngày 20-10-2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức nghe báo cáo tiến độ triển khai NMNĐ Vũng Áng 2. Được biết, đến thời điểm đó chủ đầu tư đã thống nhất với Bộ Công Thương về các thỏa thuận liên quan đến việc triển khai dự án. Dự kiến, cuối tháng 10-2011 VAPCO sẽ hoàn thành vòng đàm phán cuối cùng để thu hẹp khoảng cách các thỏa thuận chưa đạt được. Vào lúc ấy, dự án đang gặp phải một số vướng mắc cơ bản như: Khả năng có sẵn và đảm bảo khả năng chuyển đổi 100% từ VNĐ sang USD, những vướng mắc trong việc điều chỉnh theo mong muốn của chủ đầu tư nước ngoài và chưa có sự phê chuẩn của Chính phủ Việt Nam. VAPCO đã huy động mọi nguồn lực để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho quá trình xây dựng nhà máy.
UBND tỉnh đồng thời giao trách nhiệm cho huyện Kỳ Anh, Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cùng chủ đầu tư, đơn vị tư vấn phối hợp làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng như các thủ tục thuê, giao đất phục vụ dự án. UBND tỉnh hứa sẽ đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai dự án, nhằm đảm bảo tiến độ triển khai nhà máy đúng kế hoạch đề ra. Kế hoạch đó là nhà máy sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 vào năm 2018 (?!).
Ngày 17-2-2014, tức là hơn 2 năm sau, Phó trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng cho biết, đối tác Nhật Bản đang chuẩn bị các bước cuối cùng để khởi công NMNĐ Vũng Áng 2 vào tháng 6-2014: “Dự án đã đến giai đoạn cuối và đang chuẩn bị được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Phía Mitsubishi cũng tiến hành các bước để giải phóng mặt bằng”.
Lại tiếp tục hơn 1 năm nữa trôi qua, ngày 22-5-2015, tại buổi làm việc theo định kỳ với Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng nhằm báo cáo tiến độ triển khai dự án, ông Peter (Phó phụ trách thương mại) thay mặt VAPCO báo cáo, việc đàm phán để tiến hành ký kết hợp đồng BOT cơ bản đã được hoàn thiện, các vấn đề còn lại đang được VAPCO triển khai, đảm bảo hoàn thiện thủ tục tiến hành khởi công xây dựng dự án đúng tiến độ. Trong suốt 6 năm liên tục đó, VAPCO luôn ghi nhận và đánh giá cao sự giúp đỡ và đồng hành của chính quyền Hà Tĩnh đối với dự án.
Tiến độ của dự án tưởng chừng sẽ suôn sẻ từ thời điểm đó, nhưng không, phải tiếp tục 2 năm nữa, ngày 16-1-2017, thỏa thuận đầu tư Dự án BOT NMNĐ Vũng Áng 2 mới chính thức được ký kết với nhà đầu tư BOT Mitsubishi Nhật Bản.
Để đi đến hợp đồng BOT xây dựng này, các bên liên quan đã đàm phán, thảo luận trong suốt 8 năm và điều đáng nói là các cơ quan chức năng vẫn đánh giá, chủ đầu tư đã phải cố gắng và nỗ lực rất lớn trong giai đoạn hoàn thiện hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và tiếp theo là thu xếp tài chính với các tổ chức cho vay quốc tế.
8 năm làm thủ tục vẫn không được coi là chậm. Chúng ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế trong thời đại công nghiệp 4.0, liệu điều này có làm nản lòng các nhà đầu tư?
Một thông tin đáng mừng, sáng 18-9 vừa qua, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp ông Yoshinori Katayama, Phó chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi. Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, trong đó có các nhà đầu tư tham gia Dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 mà Mitsubishi là một cổ đông quan trọng.
Phó Thủ tướng đã phải chia sẻ quan ngại của nhà đầu tư Mitsubishi về các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả và hoạt động của dự án vì đến nay, dự án đã trải qua thời gian dài đàm phán giữa các bên, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc đòi hỏi các bên liên quan cần tích cực đàm phán để tháo gỡ.
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xem xét, đàm phán, tìm giải pháp phù hợp để sớm triển khai được dự án với mục tiêu hài hòa lợi ích của cả 3 bên: Nhà nước, người dân và nhà đầu tư.
Hy vọng rằng, từ sau thời điểm này, dự án sẽ được đưa vào đúng tiến độ, nhà máy sẽ vận hành thương mại Tổ máy số 1 vào năm 2021, vận hành thương mại Tổ máy số 2 vào năm 2022.
Được biết, hiện chúng ta đang triển khai đàm phán 17 dự án BOT nguồn nhiệt điện khác với tổng công suất khoảng 23.000MW.
Không thể để phải chờ tới (17 x 8) 136 năm chúng ta mới hoàn thành mục tiêu này.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Với Nhà nước, cần có điện để bảo đảm an ninh năng lượng, tạo môi trường bình đẳng giữa các nhà đầu tư. Người dân cần giá điện phù hợp để bảo đảm khả năng chi trả, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất, trong khi đó nhà đầu tư cần mức giá bán điện hợp lý để có thể bảo đảm lợi nhuận”. |
Ngân Hà
-
Luật Điện lực mới và vấn đề cấp bách triển khai thực hiện cải cách thị trường điện
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Định Quán và đấu nối: Tăng cường đảm bảo điện cho tỉnh Đồng Nai và khu vực