Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Giảm giá điện: Các chuyên gia nói gì?

10:28 | 16/04/2020

Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương về gói hỗ trợ giảm giá điện lên tới 11 nghìn tỷ đồng. Theo các chuyên gia, Bộ Công Thương cần có ngay hướng dẫn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để sớm triển khai đưa vào thực hiện, nhưng nên tập trung vào các đối tượng khó khăn nhiều hơn thay vì dàn trải.

Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài Chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá - ông Nguyễn Tiến Thỏa đánh giá cao sự chủ động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong xây dựng các phương án đề xuất giảm giá điện cho các hộ tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; trong đó có việc giảm 100% tiền điện cho các cơ sở cách ly, khám chữa tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm COVID-19, đồng thời có phương án giãn, giảm tiền điện cho cả người dân và doanh nghiệp.

Giảm giá điện: Các chuyên gia nói gì?

EVN đã sẵn sàng triển khai ngay việc giảm giá điện sau khi có văn bản hướng dẫn chính thức từ cơ quan chức năng

Cũng theo ông Thỏa, việc Bộ Công Thương trình Chính phủ phương án giảm 10% giá điện cho doanh nghiệp và người dân trong ba tháng (4, 5 và 6 năm 2020) là rất đáng ghi nhận, song cần phải ban hành ngay các hướng dẫn để EVN tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, cũng nên tính đến phương án hỗ trợ lớn hơn cho người nghèo cũng như các doanh nghiệp, hộ kinh doanh nhỏ đang gặp rất nhiều khó khăn thay vì dàn trải cho mọi đối tượng.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, cách tính của ngành Điện đã hỗ trợ được cho trên 85% hộ tiêu dùng từ 0 đến 300 kWh/tháng - tức là mức tiêu dùng mang tính phổ biến của xã hội. Tuy nhiên, nên tính toán thêm, giảm giá thêm cho đối tượng là các hộ mà khả năng thanh toán thấp như các hộ nghèo theo tiêu chí của Chính phủ, các hộ gia đình chính sách. "Cần tính toán để có chính sách hỗ trợ thực sự cho người nghèo trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh và không có thu nhập gì lúc này”, ông Thỏa cho hay.

Đồng quan điểm về việc không dàn trải trong chính sách hỗ trợ, mà tập trung cho các đối tượng khó khăn nhiều hơn, TS Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, Bộ Công Thương cần có những nghiên cứu cụ thể về thực trạng hoạt động của doanh nghiệp, tiêu dùng điện sinh hoạt trong dân trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 hiện nay. Có như vậy mới có được chính sách đúng đắn và cho hiệu quả thực chất.

Theo ông Hà Đăng Sơn, để việc cân đối tính toán hợp lý thì cần phải có thống kê theo dõi. "Ở đây, chúng ta không có đủ số liệu để đánh giá mức độ thiệt hại đến đâu, ảnh hưởng đến đâu. Cần phải có sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan liên quan của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam để có được báo cáo tường minh cho các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp…"

“Tôi thấy cũng hơi rủi ro trong vấn đề liệu có ảnh hưởng tới năng lực tài chính của EVN hay không”, ông Hà Đăng Sơn chia sẻ.

PGS. TS Bùi Xuân Hồi - Giảng viên cao cấp bộ môn Kinh tế năng lượng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, các văn bản hướng dẫn của Bộ Công Thương cần phải rõ ràng, chi tiết để tránh sự hiểu sai, dễ gây nhầm lẫn trong việc triển khai trên thực tế. Theo ông Hồi, ngay tại Báo cáo của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về phương án giảm giá điện chưa rõ ràng giữa việc chỉ có các hộ dùng dưới 300 kWh/tháng được hưởng chính sách giá điện giảm 10%, hay tất cả các hộ dùng điện đều được hưởng chính sách giảm giá điện 10% cho 300kWh…

PGS. TS Bùi Xuân Hồi cho rằng, vì là chính sách nên những người ban hành chính sách phải có công bố chính thức quyết định về giá điện. Quyết định về giá điện là quyết định của Chính phủ, không phải là quyết định của EVN, nên việc giảm giá khi đã được Chính phủ phê duyệt, về phương diện quản lý nhà nước thì Bộ Công Thương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để tạo ra những hành lang pháp lý đầy đủ cho người triển khai và có căn cứ thực hiện.

"Để người tiêu dùng tránh được các thắc mắc trong vấn đề giảm giá điện, hóa đơn tiền điện các tháng 5, 6, 7 phải thể hiện rõ ràng những thông tin như: Sản lượng tiêu dùng trong kỳ tính giá, đơn giá áp dụng, chi phí tiêu dùng điện khi chưa giảm giá, mức giảm giá theo quy định của Chính phủ, chi phí thanh toán thực sau giảm giá,..."

PGS.TS Bùi Xuân Hồi

Về phía EVN, sau khi có văn bản hướng dẫn, quá trình triển khai giảm giá cần phải gửi tới khách hàng những thông điệp rõ ràng trên hóa đơn tiền điện, dù là phát hành trực tiếp hay là gửi qua tin nhắn thoại. Bởi vì tâm lý chung của người tiêu dùng là giảm giá, cho nên nhận thông báo tiền điện sẽ nghĩ ngay đến việc hóa đơn tiền điện của họ giảm xuống. Nhưng thực chất có thể do việc tiêu dùng nhiều điện nên hóa đơn tiền điện vẫn tăng.

Theo yêu cầu của Bộ Tài Chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, việc giảm giá điện và hỗ trợ tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho các đối tượng khách hàng phải được lấy từ doanh thu, lợi nhuận và việc giảm các chi phí của Tập đoàn, không được “treo lỗ” cũng như gây sức ép tăng giá điện trong thời gian tới. Trong bối cảnh hạn hán, các nguồn thủy điện có giá thành thấp hơn đang gặp rất nhiều khó khăn, EVN phải huy động các nguồn điện có giá thành cao hơn như điện than, điện khí và năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.

Chính vì vậy, để đồng hành, chia sẻ cùng ngành Điện cũng như Chính phủ và giảm các khoản chi tiêu của chính các gia đình, các chuyên gia cũng khuyến nghị người tiêu dùng cần sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Nguyên Long