Giải pháp vốn cho doanh nghiệp Việt Nam
Cả nền kinh tế đang phải đối phó với lạm phát: CPI sau 4 tháng đầu năm 2011đã ở mức 9,64% so với 31/12/2010… Các doanh nghiệp Việt nam (DNVN) ở mọi thành phần kinh tế đang tiến thoái lưỡng nan giữa vốn và phát triển sản xuất. Doanh nghiệp phải làm gì để giải bài toán về vốn?
Về mặt quan điểm, có thể và cần phải đi tìm lời giải bài toán vốn cho DN lúc này là các DNVN phải tìm cách cứu mình trước khi cầu cứu tới Ngân hàng bằng phương châm: Việc tạo vốn cho sản xuất, kinh doanh không nhất thiết chỉ nhìn duy nhất vào các Ngân hàng thương mại (NHTM).
Vốn còn được hình thành từ nhiều kênh khác nhau. Lợi dụng sự lệch pha vốn và chống lại sự lãng phí các nguồn vốn thừa, thiếu cục bộ của chính các DN cũng như hữu dụng hoá các nguồn vốn tiềm tàng đang hiện hữu trong nền kinh tế ngoài kênh NHTM cũng khá đa dạng và rất cần được thể chế hoá, nhận diện để tư vấn cho DN về các kênh tạo vốn phi truyền thống hoặc không phổ biến ở nước ta.
Với tư duy này, bài viết xin đề xuất 2 nhóm giải pháp cụ thể sau:
Về các giải pháp tìm vốn ngoài NHTM có một số kênh sau đây:
Một là: các DN có quan hệ đầu vào, đầu ra ổn định và/hoặc có chung Hiệp hội hay Hội nghề nghiệp có đủ tín nhiệm với nhau, cần liên kết cam kết tiến hành các nghiệp vụ mua bán chịu bằng cách phát hành cho nhau các giấy nhận nợ hoặc quyền đòi nợ trong phạm vi thời hạn thoả thuận để hữu dụng hoá nguồn vốn “gối đầu” tạm thời nhàn rỗi của từng bên để duy trì sản xuất và tiêu thụ.
Phương pháp này đã có rất lâu đời trong dân gian, nhưng trên cơ sở hoàn toàn tự phát, nay đã có Luật thương phiếu, nên có thể phát động rộng rãi trong các làng nghề, các Hội ngành nghề để vận dụng pháp luật và phát huy vai trò tư vấn, uy tín… của chính các DN cũng như của các Hội, Hiệp hội để kênh này phát triển một cách rộng rãi hơn.
Hai là: hơn lúc nào hết, vai trò của các Hội nghề nghiệp phải được pháp luật cho bổ sung chức năng có các vai trò làm đầu mối để tổ chức hình thành các định chế quỹ đầu tư. Công ty tài chính liên danh các pháp nhân có vốn đóng góp của các DN thành viên (nhất là các DN nhỏ và vừa) có các ngành hàng gần gũi và/hoặc lệ thuộc nhau để tạo ra các pháp nhân đủ tư cách đăng ký và phát hành chứng chỉ quỹ hay trái phiếu Công ty tài chính liên danh.
Việc làm này nhằm hút vốn đầu tư khi có phương án khả thi trên TTCK, hoặc gọi vốn đầu tư vào chứng khoán của quỹ đầu tư/Công ty tài chính đối với các NHTM để tạo vốn trực tiếp cho cụm DN là thành viên của quỹ hay của Công ty tài chính theo quy chế.
Nghĩa là quỹ đầu tư/Công ty tài chính của từng nhóm các DN cũng sẽ tạo ra những hàng hóa cả sơ cấp để tạo vốn kinh doanh cho các DN thành viên, cả thứ cấp để “xã hội hóa” qua các cuộc chạy tiếp sức của các nhà kinh doanh chứng khoán trên TTCK mà nếu đơn độc, DN sẽ khó đủ uy tín để làm được.
Ba là: Chính phủ cần ban hành chính sách về cơ chế ràng buộc giữa các nhà máy chế biến với các bên sản xuất hay cung ứng thường xuyên, ổn định nguồn nguyên, nhiên liệu đầu vào cho nhà máy một cách thống nhất, minh bạch. Theo hướng: các nhà máy phải “đặt cọc” bằng một tỷ lệ vốn nhất để đảm bảo sự hoạt động thường xuyên, đủ công suất của nhà máy; đồng thời ràng buộc bên cung ứng phải có trách nhiệm giữ uy tín về giá, về số lượng hàng hoá cung ứng theo cam kết tương ứng với số vốn nhận đặt cọc…
Theo đó chuyển dần quan hệ vay vốn từ bên cung ứng nguyên nhiên vật liệu với ngân hàng sang quan hệ tìm vốn ngoài NHTM hay vay vốn của nhà máy với ngân hàng. Nguyên tắc này cũng nên áp dụng cả đối với những tập đoàn công nghiệp, theo hướng công ty mẹ sẽ là người lo vốn chính trên thị trường tài chính cho các công ty con…
Về các giải pháp trong quan hệ tín dụng giữa DN và ngân hàng: ngoài các nỗ lực giảm lãi suất của NHTM khi điều kiện khách quan cho phép, các NHTM rất nên tạo dựng uy tín chia sẻ khó khăn với các DN bằng các cách sau đây:
Một là: Ngân hàng có thể tư vấn cho DN miễn phí về các lĩnh vực đầu tư sản xuất có hiệu quả, đồng thời liên doanh với DN để tham gia tài trợ, đồng tài trợ cho DN thực hiện các dự án sản xuất, dịch vụ khả thi.
Hai là: Các NHTM nên có chính sách ưu đãi lãi suất với các khách hàng thường xuyên có tiền gửi thanh toán và tiền gửi có kỳ hạn với số lượng tương đối lớn tại ngân hàng của mình, theo hướng tổng chênh lệch lãi suất ròng của NHTM với khách hàng đích danh đó không lớn hơn một tỷ lệ % nào đó so với tổng tiền gửi bình quân của doanh nghiệp đó tại ngân hàng. Giải pháp này vừa cứu được doanh nghiệp, vừa hút được khách hàng đối với NHTM.
Ba là: Chính phủ cần sớm có qui định thống nhất một đầu mối quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước tại NHNN và cho phép mở “sàn”, hoặc thị trường ngoại hối do NHNN tổ chức, tham gia và điều tiết các thành viên tham gia. Việc làm này vừa tạo kênh chống “đô la hoá”, vừa tạo kênh chuyển dịch các nguồn vốn ngoại thành nguồn vốn nội để cung ứng cho thị trường vốn dưới nhiều hình thức đa dạng và cũng là mô hình để phân biệt rạch ròi giữa quan hệ mua đứt, bán đoạn với quan hệ tín dụng ngoại tệ trên thị trường, để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tóm lại: trong cái khó khăn chung hiện nay, tự cứu lấy mình trước khi người khác cứu đối với các DNVN trong việc tìm kiếm nguồn vốn sản xuất, kinh doanh là một hướng đi rất cần được nhận dạng, linh hoạt và ưu tiên chọn lựa.
Mặt khác, chính các giải pháp về chia sẻ khó khăn giữa NHTM với DNVN cũng sẽ là một kênh tạo vốn rẻ khả thi khác để “hai bên cùng có lợi”, sẽ tạo điều kiện thị trường để có thể giảm dần lãi suất ngay từ trước khi lạm phát giảm xuống và/hoặc giảm lãi suất với tốc độ nhanh hơn tốc độ giảm lạm phát.
Theo KH&DT
-
Lối đi nào để doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu?
-
Nâng cao sức cạnh tranh cho ngành công nghiệp hỗ trợ
-
Cơ chế “xanh hóa” của EU và sự thích ứng của doanh nghiệp Việt
-
Doanh nghiệp Việt cần làm gì trước các vụ điều tra phòng vệ thương mại
-
Những nữ tướng kiếm về hàng nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp Việt
-
Châu Âu diễn tập đối phó sự kết thúc của thỏa thuận vận chuyển khí đốt giữa Ukraine và Nga
-
Những bất ổn mới cho giá dầu thế giới?
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 11/11 - 16/11
-
Hoa Kỳ sẽ không thực hiện các hợp đồng LNG trị giá hàng chục tỷ đô la cho châu Âu
-
Đánh giá điểm nổi bật của thị trường dầu mỏ toàn cầu trong tháng 10/2024