Giải bài toán khó trong điều hành chính sách tiền tệ, tài khoá năm 2024
Kinh tế toàn cầu khó khăn
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Khoa học (NCKH)-Học viện Ngân hàng, bước sang năm 2024, hoạt động kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục suy yếu do ảnh hưởng của chính sách tiền tệ thắt chặt, điều kiện tài chính hạn chế và tăng trưởng thương mại toàn cầu yếu.
Dự báo lạm phát năm 2024 vẫn sẽ cao hơn mức lạm phát mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và khoảng hơn một nửa các các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển |
Sau đợt giảm tốc mạnh vào năm 2022 và một đợt suy giảm nữa vào năm 2023, tăng trưởng sản lượng toàn cầu có nguy cơ giảm tốc vào năm 2024, đánh dấu năm suy giảm thứ ba liên tiếp.
Đặc biệt, cuộc xung đột gần đây ở Trung Đông đã làm gia tăng rủi ro địa chính trị và làm tăng sự bất ổn trên thị trường hàng hóa, tiềm ẩn những tác động bất lợi đối với tăng trưởng toàn cầu. Điều này xảy ra trong khi nền kinh tế thế giới đang tiếp tục đối phó với những tác động kéo dài của các cú sốc chồng chéo trong 4 năm qua gồm: Đại dịch COVID-19; Xung đột Nga - Ukraine; Lạm phát gia tăng; và sau đó là Các điều kiện tiền tệ toàn cầu bị thắt chặt.
Mặc dù tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn nói chung và ở Trung Quốc được dự đoán sẽ chậm lại vào năm 2024, thấp hơn nhiều so với tốc độ trung bình của giai đoạn 2010-2019; nhưng tăng trưởng tổng thể dự kiến sẽ được cải thiện ở các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển có xếp hạng tín dụng cao.
Vừa qua, báo cáo “Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024” của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra, lạm phát toàn cầu và lạm phát cơ bản tiếp tục giảm so với mức đỉnh năm 2022. Tuy nhiên, dự báo lạm phát năm 2024 vẫn sẽ cao hơn mức lạm phát mục tiêu ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và khoảng hơn một nửa các các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển.
Trong đó, lạm phát toàn cầu được dự đoán sẽ duy trì ở mức cao hơn mức trung bình giai đoạn 2015-2019. Việc thắt chặt tiền tệ ở các nền kinh tế phát triển sắp kết thúc, nhưng lãi suất chính sách thực tế dự kiến sẽ vẫn tăng cao trong một thời gian, do lạm phát mới chỉ bắt đầu quay trở lại mức lạm phát mục tiêu mà các ngân hàng trung ương đặt ra.
Theo WB, thương mại dịch vụ tiếp tục phục hồi sau ảnh hưởng của đại dịch, song với tốc độ chậm hơn dự kiến trước đây. Tăng trưởng thương mại toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 2,3% vào năm 2024, một phần phản ánh sự phục hồi của nhu cầu hàng hóa và rộng hơn là trong thương mại của nền kinh tế phát triển.
“Bất chấp những biến động gần đây chủ yếu do xung đột gây ra và giả sử xung đột không leo thang, giá dầu trung bình vào năm 2024 được dự báo sẽ giảm do tăng trưởng toàn cầu suy yếu và sản lượng dầu tăng. Giá kim loại dự kiến sẽ giảm trở lại do tốc độ tăng trưởng chậm hơn ở Trung Quốc càng gây áp lực lên nhu cầu kim loại. Giá lương thực dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm nay do nguồn cung lương thực dồi dào từ Ấn Độ và Brazil.
Tổng kết lại, kinh tế thế giới năm 2024 được cho là sẽ gặp nhiều khó khăn và thách thức như xung đột leo thang, thương mại toàn cầu yếu, lãi suất cao và các thảm họa khí hậu gia tăng. Tuy vậy, việc dịch chuyển lập trường chính sách tiền tệ từ thắt chặt sang nới lỏng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong những kỳ họp gần đây, đã giúp dấy lên hy vọng về sự phục hồi nhanh hơn của kinh tế Mỹ nói riêng và nền kinh tế toàn cầu nói chung”, Viện NCKH- Học viện Ngân hàng dự báo.
Phương hướng chính sách cho Việt Nam
Trong thời gian tới, vẫn còn nhiều bài toán khó mà Việt Nam sẽ phải giải liên quan đến điều hành chính sách.
Mặc dù chính sách tiền tệ năm 2024 dự báo tiếp tục nới lỏng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn sẽ rất thận trọng trong việc điều chỉnh thêm lãi suất |
Theo đó, nhóm chuyên gia tại Viện NCKH - Học viện Ngân hàng nhìn nhận: Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có thể vẫn sẽ gặp trở ngại từ khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Dù tăng mạnh vào các tháng cuối năm 2023 để đạt được gần sát mức tăng trưởng mục tiêu 13,5%, triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 nhìn chung vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Vì vậy, cần có nhiều cơ chế hơn nữa trong việc kích thích tăng trưởng tín dụng nhưng cũng cần đảm bảo hướng dòng vốn này tới các ngành nghề sản xuất kinh doanh, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả và bền vững.
Thứ hai, hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với áp lực nợ xấu gia tăng. Đối với 27/29 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán, tỷ lệ nợ xấu trong quý 3/2023 tăng từ 2,09% lên 2,24%. Tỷ lệ nợ xấu trong năm 2024 dự kiến sẽ còn tăng mạnh hơn, khi Thông tư 02/2023 hết hiệu lực khiến các khoản nợ được tái cơ cấu trong thời gian trước đó trở lại đúng nhóm nợ. Trong khi nợ xấu ngành ngân hàng có xu hướng tăng, thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu (số dư dự phòng nợ xấu/tổng dư nợ xấu) ở hầu hết các nhà băng sụt giảm do lợi nhuận không đạt kế hoạch.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản, vốn là nguồn tài sản đảm bảo của phần lớn của khoản nợ chưa cho thấy những dấu hiệu phục hồi rõ ràng. Điều này khiến cho dư địa để xử lý nợ xấu của các NHTM trong năm 2024 bị thu hẹp đáng kể.
Thứ ba, về điều hành lãi suất, mặc dù chính sách tiền tệ năm 2024 dự báo tiếp tục nới lỏng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn sẽ rất thận trọng trong việc điều chỉnh thêm lãi suất. Trong bối cảnh hiện nay, dư địa giảm lãi suất điều hành của NHNN còn khá ít, còn dư địa tăng lãi suất năm tới gần như rất thấp bởi các NHTM đều thừa thanh khoản.
Do đó, lãi suất huy động, lãi suất cho vay sẽ được duy trì ổn định ở mức đủ tốt, tương tự như trước giai đoạn tăng lãi suất. Theo nhiều dự báo, NHNN có thể sẽ duy trì lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong năm 2024 để hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng, phục hồi.
Thứ tư, về điều hành hạn mức tín dụng, chính sách hạn mức tín dụng của NHNN có thể sẽ tiếp dục duy trì việc điều hành linh hoạt như đã thực hiện trong năm 2023, khi NHNN dựa vào căn cứ chung về mức tín dụng để xem xét ngân hàng nào đạt được tiêu chí đó thì được chủ động tăng, chứ không ấn định mức hạn mức tín dụng đối với từng ngân hàng như trước đây.
Ngoài ra, việc phân bổ “room” kỳ vọng được rộng rãi hơn ngay từ đầu năm, như vậy, các NHTM có thể chủ động hơn trong việc phân bổ tăng trưởng tín dụng.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VERP), biện pháp hàng đầu cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức trong năm nay là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và duy trì một chính sách tài khóa linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ.
“Chính sách tài khóa cần phải được xem là trụ cột chính trong bộ công cụ chính sách kinh tế, với hy vọng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét và triển khai các biện pháp như miễn giảm, gia hạn thuế và phí trong năm 2024, nhằm cung cấp thêm sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp”, ông nhấn mạnh.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
Duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt trong năm 2024 Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá khả quan hơn, nhưng vẫn còn những thách thức tiềm ẩn, đòi hỏi các biện pháp duy trì ổn định kinh tế nhạy bén và linh hoạt. |
-
Thủ tướng chủ trì tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
-
Tháng 3 - Thời điểm thẩm thấu chính sách tài khóa, tiền tệ
-
Phát triển hệ thống tài chính vững mạnh hỗ trợ tăng trưởng
-
Duy trì chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt trong năm 2024
-
Triển vọng Việt Nam 2024: Quyết liệt tăng trưởng tiến về phía trước
-
TPBank báo lãi hàng nghìn tỷ, nợ xấu vượt hơn 5.000 tỷ đồng
-
Giá vàng hôm nay (1/11): Thị trường thế giới quay đầu giảm
-
Nhà đầu tư "loay hoay" huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo
-
ADB: Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 17% vào năm 2070
-
Giá vàng hôm nay (31/10): Đồng loạt tăng