Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Gia đình họ Đặng và câu chuyện “khai sinh” Sacombank

06:47 | 06/04/2013

Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nói không ngoa, thương hiệu Sacombank là đỉnh cao của sự thành công trong suốt hơn 20 năm thịnh vượng của gia đình họ Đặng tại đất Sài thành tính đến thời điểm hiện tại.

Trước thông tin ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Sacombank và ông Đặng Hồng Anh, nguyên Phó chủ tịch bị “xiết nợ” làm xôn xao dư luận, phóng viên Petrotimes đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank về vấn đề trên.

Sacombank nói về khoản "xiết nợ"!

PV: Xin ông cho biết nguyên nhân khiến nguyên Chủ tịch Sacombank Đặng Văn Thành phải từ nhiệm và phương án giải quyết nợ?

Ông Phạm Hữu Phú: Nguyên nhân của vụ việc trên là do ông Thành có những khoảng vay của gia đình nhưng muốn tất toán trước hạn. Ông Thành đã dùng những cổ phiếu để tất toán những thiệt hại của các công ty gia đình ông Thành. Do đó, ông Thành làm văn bản đề nghị và tất toán trước hạn bằng cổ phiếu của mình, nhưng trong thời điểm đó, ông Thành vẫn còn là thành viên Hội đồng Quản trị nên không thể bán những cổ phiếu trên ra ngoài thị trường được. Sau đó, ông Thành phải từ nhiệm và được cổ đông đồng ý để bán cổ phần đó.

Trong thời điểm đó, ông Thành cũng muốn giải quyết mọi chuyện gia đình cho xong nên đề xuất hướng lấy cổ phiếu của ông Thành và Anh để định giá và 2 bên thỏa thuận để trừ hết các khoảng nợ khoảng 1.600 tỉ đồng. Những khoảng vay trên là trực tiếp đến gia đình ông Thành. Ví dụ: Sacomreal, Thành Thành Công, Công ty Thành Lộc… Việc cấn trừ những khoảng nợ trên được lập thành văn bản và có xin ý kiến của cơ quan chức năng trước khi thực hiện vì không thể dùng những cổ phiếu trên để cấn trừ trong trường hợp trên. Sau đó, các cơ quan chức năng đã tạm thời chấp nhận phương án ông Thành đưa ra.

PV: Liên quan đến việc ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh bị Sacombank “xiết nợ” có ảnh hưởng gì đến tình hình hoạt động kinh doanh của ngân hàng không, thưa ông?

 Ông Phạm Hữu Phú: Tôi nghĩ dùng từ “xiết nợ” thực tế cũng có ảnh hưởng chứ không phải không ảnh hưởng, nhất là với những nhân viên, với những cá nhân đang làm tại Sacombank. Nhiều ý kiến cho rằng, mình (Hội đồng Quản trị mới - PV) đối xử làm sao mà lại đi “xiết nợ” chủ cũ. Nhưng thực tế là chuyện không phải như vậy. Nhưng những người mà am hiểu sẽ hiểu được câu chuyện này. Còn việc tất toán các khoản vay trên của ông Thành có dấu hiệu tốt và cũng không có nhà đầu tư nào bày tỏ lo lắng về chuyện nợ nần của ông Thành. 

Sacombank ngày nay với Hội đồng Quản trị mới và những thành viên mới

Trong thời gian sắp tới, hội đồng cổ đông sẽ biểu quyết việc ông Thành từ nhiệm và sẽ thanh lý cổ phần đó ra bên ngoài để trả lại những phần nợ của ông Thành cho ngân hàng. Hiện tại, đó chỉ là những cổ phiếu chứ không phải tiền mặt mà có thể tất toán được hết những khoản đó. Trước những thông tin trên, nhiều nhà đầu tư có quan tâm đã đặt mua lại số cổ phần trên.

Theo báo cáo tài chính trong quý I, tình hình hoạt động của Sacombank rất tốt và đang đảm bảo tiến độ kế hoạch đã được đề ra trong năm nay. So với tình hình của Sacombank và các ngân hàng khác thì vẫn rất khả quan.

PV: Tín hiệu nhiều nhà đầu tư muốn mua lại cổ phiếu của Sacombank sau khi ông Thành buộc phải bán cổ phần trả nợ cho ngân hàng, theo ông, nguyên nhân do đâu? 

Ông Phạm Hữu Phú: Cổ tức của Sacombank trong thời gian tới sẽ được chia 20%, trong đó có đến 14% là cổ tức bằng cổ phiếu và 6% là tiền mặt. Đây là những thông tin khiến giá của cổ phiếu của Sacombank đứng ở mức cao là do lãi chưa chia. So với các ngân hàng khác vẫn nằm ở mức khá cao và là tín hiệu để các nhà đầu tư vẫn tiếp tục quan tâm và đầu tư vào Sacombank.

Ngoài ra, có một định chế tài chính của quỹ đầu tư đã quyết định danh mục đầu tư có tên của Sacombank nên trên thị trường nên đó là những thông tin đã định hướng tốt cho cổ phiếu của Sacombank. Tôi nghĩ rằng xu thế nền kinh tế phụ thuộc vào vĩ mô, tình hình của các ngân hàng. Trong năm nay, các ngân hàng được đánh giá sẽ tiếp tục gặp khó khăn nhưng với Sacombank thì sẽ tiếp tục phát triển bền vững.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bước đường trắc trở của người khai sinh ra Sacombank

Ông Đặng Văn Thành (SN 1960, gốc Hoa) tốt nghiệp cử nhân quản trị kinh doanh bắt đầu bước vào nghiệp kinh doanh với cở sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỉ đường. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, công việc làm ăn thuận lợi và phát đạt đã giúp ông Thành từng bước “xâm nhập” lấn sang lĩnh vực tài chính. Nói không ngoa, thương hiệu Sacombank là đỉnh cao của sự thành công trong suốt hơn 20 năm thịnh vượng của gia đình họ Đặng tại đất Sài thành tính đến thời điểm hiện tại.

Từ cơ sở kinh doanh cồn nhỏ bé và chỉ 11 năm sau, ông Thành bắt đầu nghĩ đến chuyện huy động vốn rồi cho vay lại để sinh lời. Đến năm 1991, người đàn ông họ Đặng thành lập Hợp tác xã tín dụng Thành Công và giữ chức vụ Chủ nhiệm. Cơ sở kinh doanh cồn từ ngày khởi nghiệp, ông Thành tin tưởng giao lại cho vợ nắm giữ. Nhờ nắm bắt cơ hội nhanh và táo bạo, hợp tác xã tín dụng tiếp tục tạo dựng được tên tuổi. Nhiều người tìm đến với Thành Công như một sự uy tín, một niềm tin để thực hiện các hoạt động cho vay và đi vay vốn. Chỉ vài tháng sau, Sacombank chính thức trở thành ngân hàng cổ phần với vốn điều lệ 3 tỉ đồng. Trong suốt quá trình tạo dựng cơ nghiệp, đến nay Sacombank đã có số vốn điều lệ lên đến hơn 10.000 tỉ đồng. Bà Huỳnh Bích Ngọc (SN 1962, vợ ông Thành) vẫn nắm giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Sản xuất thương mại Thành Thành Công, cơ sở sản xuất cồn, CO2 và mật rỉ đường ngày nào.

Trong số những người con của ông Thành, 2 người nối gót cha mẹ theo nghiệp kinh doanh và đã có những thành công nhất định như tên gọi của Sacombank ngày khởi nghiệp. Đặng Hồng Anh (SN 1980, con trai cả của ông Thành) tốt nghiệp đại học rồi ra trường và tiếp quản Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal). Đồng thời, doanh nhân trẻ Hồng Anh còn là thành viên Hội đồng Quản trị của Sacombank. Người con gái kế Đặng Huỳnh Ức My (SN 1981) tốt nghiệp quản trị kinh doanh và tài chính nối gót theo mẹ và làm Tổng giám đốc cho Công ty Thành Thành Công. Đến những ngày đầu tháng 2/2012, gia đình họ Đặng giàu có trên thị trường tài chính của Việt Nam bắt đầu xuất hiện những biến cố và trượt dài cho đến ngày hôm nay.

Theo ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Sacombank, tại thời điểm cuối năm 2012, các khoản đầu tư trái phiếu, vay nợ liên quan đến các công ty con của ông Đặng Văn Thành và gia đình hơn 4.000 tỉ đồng nhưng chưa đến kỳ đáo hạn. Qua rà soát, Sacombank nhận thấy, khoản vay trên có 1.600 tỉ đồng không hợp lệ trên khía cạnh điều kiện tài sản đảm bảo, thẩm định, quyết định và kiểm tra việc sử dụng vốn vay...

Do đó, Sacombank đã ký một thỏa thuận với ông Đặng Văn Thành, nguyên Chủ tịch Ngân hàng và ông Đặng Hồng Anh, Phó chủ tịch Ngân hàng vào ngày 5/12/2012.

Theo thỏa thuận này, Sacombank đồng ý sử dụng khoản sở hữu vốn trong ngân hàng tương đương 7,435% (79.842.647 cổ phiếu) của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh để cấn trừ vào các khoản cho vay, đầu tư trái phiếu và phải thu khác với tổng giá trị thỏa thuận là 1.596.853 triệu đồng.

Theo đó, các cổ phiếu này được phân loại là tài sản xiết nợ trong các báo cáo tài chính cho năm kết thúc ngày 31/12/2012 của ngân hàng theo trị giá 1.596.853 triệu đồng. Trong trường hợp này, ngân hàng đã sử dụng cổ phiếu của chính ngân hàng làm tài sản xiết nợ. Tuy nhiên, ngân hàng đã thông báo tới Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công văn và đồng thời đã thông báo đến Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM về thỏa thuận cấn trừ này.

Cũng theo văn bản thỏa thuận, ngân hàng sử dụng 7,435% tỷ lệ sở hữu cổ phần trong Sacombank, tương đương 79.842.647 cổ phần của ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh. Giữa 2 bên đã thỏa thuận giá 20.000 đồng/cổ phần để cấn trừ với khoản phải thu 171.737 triệu đồng từ Công ty Tín Việt và cấn trừ toàn bộ số dư còn lại là 1.425.116 triệu đồng cho các khoản cho vay theo hợp đồng ủy quyền không hủy ngang được ký giữa ngân hàng. Ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh được công chứng bởi Văn phòng Công chứng quận 10 ngày 10/12/2012.

Trong đó, khoản vay cho Công ty Địa ốc Sacomreal trị giá 768.227 triệu đồng, khoản đầu tư của ngân hàng vào trái phiếu phát hành bởi công ty Sacomreal trị giá 329.386 triệu đồng, khoản cho vay Công ty Thành Thành Công trị giá 18.023 triệu đồng, khoản đầu tư của ngân hàng vào trái phiếu phát hành bởi Công ty Thành Thành Công trị giá 192.341 triệu đồng, khoản đầu tư của ngân hàng vào trái phiếu phát hành bởi Công ty Đặng Huỳnh trị giá 148,351 triệu đồng và khoản cho vay Công ty Thành Ngọc trị giá 58.788 triệu đồng. Ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh đã ủy quyền cho Hội đồng Quản trị của ngân hàng được toàn quyền thực hiện các công việc liên quan đến quyền sở hữu cổ phiếu.

Hưng Long