Giá dầu nhảy vọt, chứng khoán châu Á trái chiều sau diễn biến "nóng" ở Nga
Thị trường chứng khoán diễn biến trái chiều khi nhà đầu tư vẫn dõi theo tình hình chiến sự ở Ukraine và các tác động của lệnh trừng phạt (Ảnh: NYSE). |
Giá dầu WTI giao kỳ hạn của Mỹ trong phiên giao dịch tại châu Á sáng nay tăng 5,2% ở mức 96,35 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau cũng tăng 4,3% lên mức 102,14 USD/thùng. Cả hai hợp đồng dầu này đều đã giảm hơn 1% so với phiên 25/2 khi giá dầu Brent có lúc chạm mốc 105 USD/thùng.
Vàng giao ngay cũng tăng 1,23% lên mức 1.910,84 USD/ounce.
Thị trường chứng khoán trên khắp châu Á mở cửa đầu tuần mới với nhiều biến động trái chiều. Ở Trung Quốc đại lục, chỉ số Shanghai Composite giảm 0,54%, chỉ số Shenzhen component cũng mất 0,76%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng giảm 0,87%.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật cũng giảm 0,28%, trong khi chỉ số Topix của sàn chứng khoán Tokyo hầu như đi ngang.
Trong khi tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi tăng nhẹ 0,14%, chỉ số Kosdaq cũng tăng 0,49%.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng tăng 0,5% sau khi giảm nhẹ đầu phiên.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã biến động mạnh trong tuần trước sau khi Nga đưa quân sang Ukraine. Chứng khoán Mỹ kết thúc tuần trong sắc xanh, song các chỉ số hợp đồng tương lai lại giảm mạnh trong giao dịch qua đêm hôm qua.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đồng USD, theo dõi đồng bạc xanh so với các đồng tiền khác, lần cuối ghi nhận tăng từ mức 96,615 lên 97,217.
Giá dầu tăng vọt trong đêm hôm qua sau khi Mỹ và các nước đồng minh phương Tây áp các biện pháp trừng phạt đối với một số ngân hàng của Nga, làm dấy lên lo ngại nguồn cung năng lượng sẽ gián tiếp bị ảnh hưởng.
Cả hai hợp đồng dầu Brent và WTI đã lần lượt phá vỡ mốc 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2014. Tuy nhiên, ngay sau đó giá dầu đã nhanh chóng tụt ngưỡng 100 USD/thùng khi các lệnh trừng phạt không nhắm vào hệ thống năng lượng của Nga.
Hôm thứ 7, Mỹ, EU và Canada đã nhất trí ngắt kết nối một số ngân hàng của Nga ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. "Điều này nhằm đảm bảo các ngân hàng bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại đến hoạt động của họ trên toàn cầu", tuyên bố chung của các nước cho biết.
Nga là nhà cung cấp dầu khí quan trọng, đặc biệt sang châu Âu. Mặc dù vòng trừng phạt mới nhất không nhằm vào năng lương nhưng các chuyên gia cho rằng sẽ có những tác động đáng kể.
"Các biện pháp trừng phạt nhằm vào một số ngân hàng sẽ khiến việc bán xăng dầu của Nga rất khó xảy ra. Hầu hết các ngân hàng sẽ không cung cấp các khoản tài chính cơ bản, do có nguy cơ bị áp lệnh trừng phạt", ông John Kilduff, đối tác của Again Capital nói.
OPEC và các đồng minh sản xuất dầu, bao gồm Nga, dự kiến gặp nhau trong tuần này để xác định chính sách sản xuất của nhóm trong tháng 4. Liên minh này đã tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, đảo ngược mức cắt giảm lịch sử gần 10 triệu thùng/ngày được thực hiện trong tháng 4/2020 khi đại dịch bùng phát.
Theo Dân trí
-
Giá xăng dầu tiếp tục giảm nhẹ trong kỳ điều chỉnh ngày 24/10
-
Thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh, hướng tới mục tiêu Net Zero
-
BRICS hấp dẫn thế nào mà hơn 30 quốc gia "săn đón"?
-
Tổng thống Putin đề xuất chiến lược kinh tế mới cho BRICS
-
[Infographic] Vì sao nói áp thuế VAT phân bón 5% nông dân được thụ hưởng?