EVN trao đổi thông tin với báo chí về tình hình cung ứng điện năm 2019
Điều hành giá điện - 2 mục tiêu lớn |
Trao đổi với các nhà báo, phóng viên, về phía lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam có các Phó Tổng giám đốc Ngô Sơn Hải, Võ Quang Lâm cùng lãnh đạo các ban chuyên môn của EVN và lãnh đạo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia.
Các nhà báo, phóng viên chuyên trách theo dõi thông tin về kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV tham dự buổi làm việc với EVN |
Nguy cơ nhiều khó khăn về cung cấp điện trong giai đoạn tới
- PV Báo điện tử Vietnamnet: Hiện nay, nhiệt điện than, thủy điện, tuabin khí vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện Việt Nam. Tuy nhiên, những năm gần đây không có nguồn điện lớn nào được đưa vào vận hành; năng lượng tái tạo thì không ổn định, trong khi nhu cầu điện vẫn tăng rất cao. Liệu có xảy ra tình trạng thiếu điện trong thời gian tới không?
Ông Ngô Sơn Hải - Phó Tổng giám đốc EVN: Hiện nay, EVN sở hữu khoảng 60% tỷ trọng công suất nguồn toàn hệ thống, bao gồm cả các công ty cổ phần, các tổng công ty phát điện. Theo Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, đến năm 2020, EVN giảm xuống chỉ còn sở hữu khoảng 52%; đến năm 2025 là 30% và năm 2030 còn 18%. Như vậy, trong thời gian tới, việc đáp ứng nhu cầu điện không chỉ là vai trò của EVN mà còn phụ thuộc vào các chủ đầu tư khác.
Phó Tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải trả lời các câu hỏi của các nhà báo, phóng viên |
Đáng lo ngại là một số dự án của các nhà đầu tư bên ngoài EVN đang chậm tiến độ, nên việc đảm bảo nguồn cung cho tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện vẫn ở mức cao (từ 8-9%) là rất khó khăn.
EVN đã chủ động báo cáo Chính phủ, các bộ, ngành để có giải pháp đảm bảo điện trong thời gian tới; trong đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các chủ đầu tư đảm bảo tiến độ các công trình nguồn điện.
Về phía EVN, Tập đoàn đã và đang nỗ lực tối đa đảm bảo tiến độ những dự án được giao. Cùng với đó, EVN đã kiến nghị với các bộ, ngành, địa phương có giải pháp, chính sách, cơ chế đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Giải đáp về giá điện
- PV Báo điện tử Vietnamnet: Đợt tăng giá điện vừa qua sẽ giúp EVN thu về hơn 20.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được sử dụng như thế nào và đã bù được chi phí sản xuất điện hay chưa?
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN giải đáp thông tin tại buổi làm việc |
Ông Võ Quang Lâm - Phó Tổng giám đốc EVN: Trong năm 2019, các yếu tố đầu vào ảnh hưởng đến giá thành điện đều tăng như giá than, giá khí, giá điện cho các nhà máy điện năng lượng tái tạo, chênh lệch tỷ giá, tăng thuế môi trường ... khiến chi phí dự kiến tăng hơn 20.000 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn doanh thu tăng thêm sau khi điều chỉnh giá điện ước tính cũng chỉ trên 18.000 tỷ đồng và được sử dụng toàn bộ để thanh toán các chi phí đầu vào đã tăng này, và thậm chí còn chưa đủ để bù đắp các chi phí sản xuất điện dự kiến tăng hơn 20.000 tỷ đồng, chúng tôi sẽ tích cực thực hiện các biện pháp tiết kiệm chi phí để phấn đấu bảo đảm cân bằng tài chính.
- PV Báo điện tử VnMedia: Sản lượng điện tiêu thụ và hóa đơn tiền điện của gia đình tôi trước và sau khi tăng giá điện không chênh lệch nhiều. Cụ thể, tháng 4, gia đình sử dụng 410 kWh, tăng so với tháng 3 và hóa đơn tiền điện cũng chỉ tăng khoảng 80.000 đồng. Tuy nhiên, tôi không rõ về cách tính hóa đơn tiền điện như thế nào?
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh EVN: Về cách tính toán hóa đơn tiền điện trong tháng thay đổi giá điện, để thuận tiện cho khách hàng chủ động tra cứu, EVN đã thiết lập công cụ tự động trên trang thông tin điện tử của Tập đoàn ngay từ ngày 20/3/2019.
Khách hàng có thể truy cập theo đường link: để tự tính hóa đơn tiền điện cho gia đình mình.
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng Ban Kinh doanh EVN thông tin về tình hình kinh doanh - dịch vụ khách hàng thời gian qua |
- PV Báo điện tử VnMedia: Hiện nay, công nhân điện lực vẫn đến từng hộ gia đình để đọc chỉ số công tơ, vậy chi phí dành cho nhân công đọc chỉ số chiếm bao nhiêu % trong giá điện? Vì sao EVN vẫn chưa kết nối được các công tơ điện tử với máy tính, điện thoại cá nhân để người dân chủ động theo dõi các chỉ số sử dụng điện của gia đình mình?
Ông Nguyễn Quốc Dũng – Trưởng ban Kinh doanh EVN: Hiện nay, EVN đang sử dụng 2 loại công tơ để đo đếm điện năng: Công tơ cơ và công tơ điện tử. Trong đó, công tơ điện tử được đưa vào sử dụng từ năm 2005 để dần dần thay thế công tơ cơ. Đến nay, EVN đã thay thế được 10 triệu công tơ điện tử trong tổng số khoảng 27 triệu khách hàng.
Tuy nhiên, việc thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử cần một nguồn kinh phí rất lớn. Vì vậy, để tránh lãng phí, EVN vẫn tận dụng những công tơ cơ đang sử dụng tốt, đồng thời xây dựng lộ trình thay thế dần bằng công tơ điện tử. Mục tiêu là đến năm 2020, thay thế 100% công tơ cơ bằng công tơ điện tử ở các thành phố, thị xã và 50% ở khu vực nông thôn.
Về vấn đề kết nối công tơ điện tử với máy tính, hiện EVN đã triển khai đối với khách hàng sử dụng điện lớn, sử dụng công tơ 3 pha. Các chỉ số từ công tơ sẽ được cập nhật 30 phút/lần và công khai. Khách hàng truy cập không chỉ xem được chỉ số công tơ ở thời điểm hiện tại, mà còn tra cứu được tất cả thông số về lịch sử dụng điện năm trước, tháng trước,...
Với khách hàng sinh hoạt sử dụng công tơ một pha, để kết nối được cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại với nguồn vốn rất lớn. Do đó, EVN cũng đang triển khai theo lộ trình.
Về chi phí dành cho nhân công đọc chỉ số, tôi xin giải thích rõ việc đọc chỉ số chỉ là 1 trong rất nhiều nhiệm vụ của công nhân điện lực. Chính vì vậy, không thể tách bạch được phần chi phí nhân công này trong định mức công việc của công nhân điện lực.
Trong những năm qua, EVN đặc biệt quan tâm đến công tác hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, năng suất lao động sản xuất kinh doanh điện toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 2,18 triệu kWh/người, tăng 11% so với năm 2017.
Những bất cập khi vận hành lượng lớn điện mặt trời và vấn đề giá điện mặt trời đến người tiêu dùng sẽ thế nào nếu tính đúng, tính đủ?
- PV Báo Thanh tra: Với chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo (NLTT) của Thủ tướng Chính phủ, hiện hàng loạt dự án điện mặt trời đang chạy đua để hòa lưới trước 30/6/2019. Điều này có ảnh hưởng gì đến công tác vận hành hệ thống điện?
Ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0): Tính đến nay, EVN/A0 đã phối hợp với các chủ đầu tư để nghiệm thu, kiểm tra điều kiện đóng điện và đưa vào vận hành 44 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 2.231 MW và 7 nhà máy điện gió với tổng công suất 240 MW.
Ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia trả lời về công tác vận hành hệ thống điện |
Các nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành đã đóng góp nhất định về công suất và sản lượng điện cho hệ thống điện, đặc biệt là khu vực miền Trung và miền Nam. Điển hình, ngày 28/5, sản lượng điện NLTT đạt khoảng 8 triệu kWh/ngày, chiếm khoảng 6-7% sản lượng điện ngày của toàn hệ thống (trên 720 triệu kWh).
Tuy nhiên, mặt trái của điện mặt trời là sự không ổn định, phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Với các nhà máy điện truyền thống, A0 có thể chủ động điều chỉnh công suất của nhà máy tương ứng với sự lên/xuống của phụ tải trong ngày. Nhưng các nguồn NLTT thì không thể tính toán được vì công suất thay đổi liên tục trong ngày.
Đó là chưa kể, trong Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh, công suất điện mặt trời được phê duyệt cho đến năm 2020 là 850 MW, nhưng đến nay đã có trên 10.000 MW điện mặt trời được phê duyệt.
Ngày 23/4 vừa qua, Tổng giám đốc EVN có buổi làm việc với gần 100 chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời đã kí hợp đồng mua bán điện với EVN. Tại thời điểm đó, mới chỉ có khoảng 150 MW điện mặt trời vào vận hành. Còn bây giờ, con số này đã lên tới 2.200 MW, tăng xấp xỉ 15 lần chỉ trong vòng 1 tháng qua.
Dự kiến, cuối tháng 6/2019, số công suất điện mặt trời tiếp tục tăng lên khoảng 3.500 - 4000 MW và đạt 5.000 MW vào cuối năm 2019. Điều này đồng nghĩa với một khối lượng công việc vô cùng lớn mà EVN/A0 đã và đang phải thực hiện.
Thêm một khó khăn nữa, do các nhà máy điện mặt trời chủ yếu tập trung ở Ninh Thuận, Bình Thuận – khu vực phụ tải thấp. Cụ thể, đến cuối tháng 6/2019, Ninh Thuận và Bình Thuận sẽ có khoảng 2.000 MW điện mặt trời vào vận hành, trong khi phụ tải khu vực này chỉ khoảng 300 MW. Do đó, EVN phải truyền tải 1.700 MW vào TP.HCM và khu vực miền Nam.
Theo kinh nghiệm thế giới, khi phát triển năng lượng tái tạo, vấn đề truyền tải điện sẽ được tính đến. Còn thực tế ở Việt Nam, hệ thống lưới điện hiện hữu rất khó hấp thụ hết số công suất và sản lượng điện mặt trời với tốc độ các nhà máy vào vận hành có thể nói là lớn nhất thế giới như hiện nay. Để xây dựng một công trình lưới điện truyền tải phải mất khoảng 3-5 năm, còn xây dựng một nhà máy điện mặt trời chỉ mất khoảng 6-8 tháng.
Trong việc điều hành hệ thống, để giải quyết tính bất định của nguồn NLTT, A0 sẽ phải khởi động nhiều tổ máy ở các nhà máy điện truyền thống (nhưng không cho phát công suất) để dự phòng. Hiện nay, ở miền Nam, A0 đang dự phòng khoảng 100 - 200 MW, con số này phải tăng lên từ 300 - 600 MW trong thời gian tới, tùy theo công suất điện mặt trời đưa vào vận hành.
Đáng nói, trong nhiều thời điểm, nhu cầu sử dụng điện tăng cao khiến hệ thống điện không còn dự phòng. Do đó, A0 phải huy động các tổ máy nhiệt điện dầu là nguồn đắt tiền, để bù đắp cho NLTT.
- PV Báo Thanh tra: Giá mua điện mặt trời theo quy định là 9,35 cent/kWh và được đánh giá là đắt đỏ so với thủy điện, nhiệt điện. Tuy nhiên, mức giá này chưa bao gồm chi phí truyền tải. Vậy nếu tính đúng, tính đủ thì giá điện mặt trời đến người tiêu dùng là bao nhiêu?
Ông Nguyễn Đức Ninh - Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia (A0): Do NLTT là lĩnh vực rất mới, hiện nay vẫn chưa có con số tính toán chuẩn xác cho giá điện mặt trời từ nhà máy đến tận hộ tiêu thụ. Ước tính, nếu tính đúng, tính đủ các chi phí, giá điện mặt trời sẽ ở mức 13-14 cent/kWh, tương ứng khoảng 3.000 đồng/kWh; tuy nhiên nếu là ĐMT áp mái, sẽ tiết kiệm được chi phí này do không phải đầu tư thêm hệ thống lưới để hấp thụ.
Cũng tại buổi trao đổi với các phóng viên báo chí, lãnh đạo EVN và các ban, đơn vị đã cung cấp thông tin, làm rõ thêm về tình hình cung cấp điện trong cao điểm mùa nắng nóng năm nay và kế hoạch trong các tháng còn lại của năm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam mong muốn các cơ quan thông tấn, báo chí cùng phối hợp tuyên truyền, khuyến khích khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí tiền điện cho chính khách hàng, vừa góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện. |
Hồng Hoa (lược ghi)
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Sửa Luật Điện lực cần cập nhật đầy đủ các vướng mắc hiện nay
-
Bài 3: Thị trường điện Việt Nam sẽ có cơ chế giá điện linh hoạt
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo
-
Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện
-
PGS.TS Lê Bộ Lĩnh: Tạo “điểm tỳ pháp lý” vững chắc cho điện gió ngoài khơi