Ecuador: Người da đỏ nói “không” với dầu mỏ
Người da đỏ biểu tình phản đối khai thác dầu mỏ ở rừng Amazon |
Như tổ tiên du mục của mình, người thợ săn già Waorani này sống trong một ngôi làng thiểu số với 200 người, nằm trong vườn quốc gia Yasuni, phía đông bắc rừng Amazon của Ecuador.
Vào ngày 20/8 tới, nhân dịp tổ chức cuộc tổng tuyển cử Ecuador, chính phủ sẽ mở ra một cuộc trưng cầu dân ý nhằm quyết định tương lai cho hoạt động khai thác dầu tại một phần trong vườn quốc gia Yasuni – một khu bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu với diện tích lên đến gần 1 triệu ha.
“Tự do muôn năm!”
Cư dân của làng Bameno, bên bờ sông Cononaco (thuộc tỉnh Pastaza của Ecuador, giáp ranh Peru), đã có quyết định rõ ràng của riêng họ. Nói bằng tiếng wao terere của người địa phương, ông Kominta tuyên bố: "Tôi không muốn thấy công ty dầu mỏ trên lãnh thổ của mình. Đây là cách tôi muốn sống, được tự do, trong một nơi lành mạnh”.
Vào tháng 5/2022, nhằm đáp lại lời kêu gọi do tổ chức môi trường Yasunidos phát động từ 10 năm trước, tòa án tối cao của Ecuador đã ra lệnh mở cuộc trưng cầu dân ý để quyết định tương lai của hoạt động khai thác dầu tại vườn quốc gia Yasuni, cụ thể là tại giếng dấu Ishpingo, Tambococha và Tiputini (ITT) - được gọi chung là "lô 43".
Ecuador khai thác được 466.000 thùng/ngày. Khu vực này chiếm 12% sản lượng dầu nói trên.
Chính phủ Ecuador đã phản đối việc này. Ước tính thiệt hại là 16,47 tỷ USD trong 20 năm tới nếu rút hoạt động khỏi lô này.
Waorani - một bộ tộc người bản địa với xấp xỉ 4.800 thành viên, là chủ nhân của 800.000 ha đất rừng Amazon ở các tỉnh Orellana, Pastaza và Napo. Tuy nhiên, bộ tộc lại có ý kiến trái chiều về vấn đề này. Nhiều người ủng hộ sự hiện diện của công ty dầu mỏ. Còn những ai phản đối, như cộng đồng Bameno, thì tạm thời bảo vệ được đất của họ khỏi bàn tay của doanh nghiệp dầu mỏ.
Hiến pháp Ecuador công nhận người dân bản địa là chủ "sở hữu tập thể của vùng đất này". Tuy nhiên, nhà nước sở hữu tài nguyên có trong lòng đất rừng.
Người thợ săn già cho biết với AFP rằng ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ "hủy hoại môi trường sống".
Ông Pedro Bermeo – Luật sư kiêm phát ngôn viên của tổ chức Yasunidos, nói với AFP: “Hoạt động dầu mỏ gây ảnh hưởng đến lối sống của họ và đẩy cuộc sống của họ vào nguy hiểm. Chúng ta có nguy cơ phạm tội diệt chủng, hủy diệt hoàn toàn những cộng đồng này".
Trong khu bảo tồn Yasuni, có 2.000 loài cây, 610 loài chim, 204 loài động vật có vú, 150 loài lưỡng cư, 121 loài bò sát và 100.000 loài động vật chân khớp đã được xác định, theo Đại học tư nhân San Francisco de Quito.
Anh Moi Guiquita - một người Waorani trẻ tuổi, khẳng định rằng các công ty dầu mỏ “luôn thình lình” xâm nhập vào Yasuni. Cũng theo anh, có nhiều mỏ khác đang được khai thác bên trong Yasuni, bên cạnh lô 43 hiện nay.
Chàng trai trẻ nói tiếp: "60 năm trước, họ ở rất xa, nhưng ngày nay, họ càng lúc càng đến gần hơn với nơi ở của người Bameno. Chúng tôi không còn nơi nào để đi”, trong bối cảnh hoạt động dầu mỏ và thăm dò khai thác đang một ngày thêm phát triển.
Ecuador tạm ngừng xuất khẩu dầu thô sau địa chấn |
OPEC mời Ecuador tái gia nhập tổ chức sau 3 năm vắng bóng |
Vì sao nội bộ Ecuador bất hòa vì dầu mỏ? |
1.200 thùng dầu thô tràn ra bãi biển ở Ecuador |
Ngọc Duyên
AFP