Đường dây 500kV và những trái tim rực cháy
Năng lượng Mới số 321
Nhìn lại chặng đường 20 năm vận hành đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1
Khởi hành từ TP HCM vào ngày 22/4, đến viếng thăm “người anh Cả” của công trình 500kV là công việc đầu tiên mà đoàn thực hiện. Không ai khác đó chính là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người tổng chỉ huy, người khai sinh ra đường dây 500kV mạch 1. Tên ông được nhắc đến trong tất cả các câu chuyện, những ký ức vui buồn trong suốt chuyến đi như một lời nhắc nhở cho thế hệ sau này, rằng chính nhờ có ông, chúng ta mới có được dòng điện dồi dào như ngày hôm nay.
Không khí nơi nghĩa trang thành phố như lặng đi khi bà Hồ Thị Bích Phượng - nguyên Giám đốc Công ty Truyền tải điện 4 đứng trước mộ cố Thủ tướng nghẹn ngào: “Thủ tướng ơi, anh Sáu ơi, chúng tôi lại về đây thăm Thủ tướng, thăm anh Sáu đây! Mong anh về chứng kiến giờ phút thiêng liêng này. 20 năm rồi, đường dây 500kV Bắc - Nam vẫn vận hành ổn định. Đồng bào miền Nam vô cùng biết ơn Thủ tướng, biết ơn ngành điện, biết ơn những con người đã xây dựng nên đường dây lịch sử này”.
Sáng ngày 22/4/2014, đoàn cựu cán bộ lão thành đến viếng, thắp hương cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mở đầu cho chuyến hành trình “Về với chiến trường xưa”
Ông Trần Viết Ngãi, nguyên Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt nam bồi hồi nhớ lại thời kỳ trước khi đường dây 500kV Bắc - Nam được xây dựng. Đó là khoảng cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, cuộc sống bộn bề khó khăn, không chỉ về vật chất, mà tình trạng thiếu điện, cắt điện triền miên khiến người ta không thể nào quên được. Nhà máy Thủy điện Hòa Bình ra đời trong sự hân hoan lẫn lo lắng của người dân. Bởi lẽ khi ấy miền Bắc còn nghèo, điện không được sử dụng hết. Trong khi đó, miền Trung và miền Nam vẫn thiếu điện, gây ra tình trạng mất cân bằng về nguồn giữa 3 miền.
Trước tình hình trên, Cố thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh khởi công xây dựng hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam dài 1.487km. Công trình buộc phải hoàn thành trong thời gian 2 năm, vì nếu kéo dài 3-4 năm thì không thể so sánh với phương án xây dựng nhà máy điện tại chỗ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học trên thế giới lúc bấy giờ, thời gian tối thiểu để có thể thực hiện công trình dài kỷ lục này phải 8-10 năm. Vì thế, quyết sách táo bạo này đã gây xôn xao dư luận cả trong và ngoài nước suốt cả một thời gian dài. Cho đến ngày 27-5-1994, chính xác sau 2 năm, đường dây siêu cao áp 500kV Bắc - Nam mạch 1 chính thức đóng điện đưa vào vận hành, hợp nhất hệ thống điện trong toàn quốc. Lúc ấy thế giới mới thực sự ngỡ ngàng trước công trình thế kỷ này, mà trong đó, bản lĩnh cùng sự quyết đoán của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đóng vai trò vô cùng to lớn, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hệ thống điện Việt Nam cho đến tận hôm nay.
Sau cuộc viếng thăm cố Thủ tướng, điểm đến đầu tiên của đoàn là Trạm biến áp 500kV Phú Lâm, cũng là điểm cuối cùng của đường dây. Công ty Truyền tải điện 4 được giao nhiệm vụ quản lý vận hành tuyến đường dây 500KV từ Pleiku về đến trạm Phú Lâm với chiều dài 497,5km, 1129 vị trí cột. Sau nhiều lần cải tạo và mở rộng ngăn lộ đường dây và trạm biến áp, đến nay, công suất của Trạm biến áp 500kV Phú Lâm từ 450MVA năm 1993 đã lên tới 1.800MVA. Những ngày tiếp theo, đoàn tiếp tục đến thăm các Trạm biến áp 500kV Pleiku, Đà Nẵng, các đơn vị truyền tải đang quản lý vận hành đường dây 500kV mạch 1 trực thuộc các Công ty truyền tải 1, 2, 3, 4.
Những thế hệ trước - sau, những cán bộ đã về hưu và lớp trẻ còn đang công tác cùng nhau gặp gỡ, chuyện trò trong niềm hân hoan khôn tả. Tại những buổi họp mặt thân tình như thế, các thế hệ đàn em truyền tải điện khắp ba miền Bắc - Trung - Nam đã có dịp nghe lại những hồi ức đầy ắp kỷ niệm vui buồn, những khó khăn, vất vả của bậc cha anh. Các cựu cán bộ lão thành lại có dịp sống lại những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ, cùng nhau ôn lại những thăng trầm trong khoảng thời gian miệt mài thi công công trình lịch sử.
Công trình lịch sử với máu, mồ hôi và nước mắt
Đối với những cán bộ trực tiếp thiết kế, xây lắp đường dây, quãng thời gian phát tuyến hành lang là thời kỳ gian truân, vất vả nhất. Ông Lê Nguyên Đính, nguyên Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 4 nhớ lại: “Mục tiêu đặt ra khi thiết kế, thi công đường dây 500kV được xác định phải là 1 con đường ngắn nhất, đi qua rừng núi để giảm giải tỏa đền bù. Vì vậy, hướng tuyến phải bám QL 14, dọc theo dãy Trường Sơn. Việc phát tuyến hành lang rất vất vả vì đường dây đi qua rất nhiều rừng già, hẻm núi, sông sâu, đất bùn lầy lội”. Đường vào tuyến, thời gian đầu còn tận dụng đường thi công nhưng lâu ngày đã bị mưa lũ, thiên tai bào mòn, thậm chí sụt lở không thể đi được. Khi ấy, đội ngũ nhân công bao gồm cả quân đội, công an, người dân địa phương phải tự tay đục phá từng phiến đá, gùi từng thùng nước, từng cân xi măng lên núi để trộn bê tông, dựng cột… Muỗi, vắt, côn trùng, bệnh tật đeo đuổi triền miên, môi trường lao động thiếu thốn, khắc nghiệt khiến không ít nhân công đã đổ máu, thậm chí gục ngã dọc truyến đường dây.
Đến nay, người ta vẫn truyền tai nhau rằng, đâu đó trên tuyến đường 500kV Bắc - Nam trải dài theo hình chữ S vẫn còn lưu lại những nấm mồ đơn độc của những công nhân hy sinh trong lúc xây dựng công trình. Điều này càng minh chứng thêm cho sức mạnh, nghị lực phi thường của nhân dân Việt Nam, trong thời kỳ khó khăn nhất, trong điều kiện khắc nghiệt nhất vẫn có thể hoàn thành nên công trình đường dây siêu cao áp lịch sử khiến cả thế giới phải nghiêng mình cảm phục.
Sau 20 năm, điều kiện làm việc đã cải thiện nhiều
Thăm lại đường dây 500kV, các vị lão thành vui mừng nhận thấy, thay cho hình ảnh các cung đường lầy lội, quanh co, những chuyến công tác cực nhọc, vất vả không chỉ mất nhiều thời gian mà còn ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tuyến đường dây hôm nay đã có nhiều đổi khác. Đường Hồ Chí Minh thênh thang, chạy song sát tuyến đường dây 500kV. Các đơn vị đã được trang bị phương tiện di chuyển phù hợp với cung đoạn quản lý. Nhiều đội đường dây năm xưa còn phải ở thuê trong những căn nhà ọp ẹp, nay đã được thay thế bởi các trụ sở làm việc, khang trang. Trang bị dụng cụ vận hành thô sơ trước đây nay đã được bổ sung bằng nhiều máy móc với nhiều tính năng hiện đại. Công tác vận hành có thể phát hiện nhiệt độ trên đường dây, định vị chính xác được điểm sự cố, điều kiện di chuyển khi làm việc trên cao thuận lợi, an toàn, hay có những thiết bị thi công với công suất lớn đã thay thế công sức của rất nhiều lao động, tiết kiệm thời gian và chi phí nhiều hơn.
Các cựu cán bộ lão thành vui mừng khi được quay trở về “chiến trường xưa”
Trong thời sắp tới, sau khi hoàn thành phần mềm quản lý kỹ thuật đường dây, có thể từ xa, cán bộ quản lý cũng có thể truy cập qua Internet để nhanh chóng lấy thông tin, hình ảnh liên quan, kịp thời đưa ra phương án xử lý hiệu quả, sát thực khi xuất hiện bất thường trên lưới. Những thiết bị lắp mới lắp ngày nào, nay cũng đã đổi khác khá nhiều. Các máy biến áp 500kV đã được bổ sung cho Trạm Bù - Hà Tĩnh hoặc thay thế tại TBA 500kV Hòa bình. Đường dây với công suất đặt cho phép mang tải ban đầu chỉ với 1.000A, nay đã được nâng lên gấp rưỡi và tiếp tục lên tăng đôi trong khoảng thời gian không xa.
Tuy nhiên, sau 20 năm vận hành, nhiều thiết bị được đầu tư năm xưa nay đã xuống cấp hoặc không phù hợp với điều kiện kỹ thuật hiện nay, làm cho lực lượng vận hành bận rộn hơn. Về vấn đề này, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết đang có nhiều dự án được triển khai để nâng cấp cho công trình tiếp tục phục hồi, phát huy hiệu quả hơn.
Thực tế cho thấy, qua hai mươi năm vận hành càng chứng minh sự thành công vượt bậc của Dự án Hệ thống điện 500kV Bắc - Nam. Hệ thống cơ bản đảm cung cấp điện an toàn - liên tục - chất lượng, cho sản xuất và tiêu dùng trên phạm vi cả nước, xứng đáng là vai trò xương sống trong việc cung cấp điện cho nền kinh tế, xã hội và an ninh năng lượng Quốc gia. Từ đó cho thấy sự lớn mạnh, trưởng thành của người Việt Nam đã hoàn toàn làm chủ công nghệ tiên tiến, hiện đại về Hệ thống điện.
20 năm trôi qua, cảnh vật thay đổi, con người cũng đã thay đổi rất nhiều. Hình ảnh các cựu cán bộ nguyên lãnh đạo một thời, lăn lộn nơi công trường nay đã có dấu hiệu thách thức của thời gian. Tuy nhiên, có những thứ vẫn mãi trường tồn, sừng sững với thời gian. Cũng tựa như công trình siêu cao áp 500kV lịch sử, đó là những bài học, những giai thoại về các lớp đàn anh từ việc xây dựng đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 tới nhiều đóng góp quan trọng khác, tới nay vẫn mang tính thời sự, có thể xem như một tài sản văn hóa quý báu trong việc đào tạo các thế hệ cán bộ, công nhân viên truyền tải điện nói riêng và cho cả thế hệ trẻ Việt Nam sau này.
Nguyên Phương
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV