Đưa điện về vùng xa
Công nhân Điện lực Hà Nội đang sửa chữa nóng trên đường dây điện trung thế
Năm 2008, khi tiếp nhận các xã nông thôn mới sáp nhập về thủ đô, EVN HANOI đã phải “giật mình” trước hiện trạng “cũ nát” của lưới điện hạ áp trên địa bàn. Theo đại diện của EVN HANOI thì tại thời điểm đó, hệ thống lưới điện tại nhiều thôn, xã được sáp nhập về Hà Nội hầu như không được đầu tư nâng cấp hay sửa chữa, các tiêu chuẩn kỹ thuận vận hành tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao, tổn thất lưới điện vì thế cũng lên đến gần 30%. Và để chấm dứt tình trạng này, hàng ngàn tỉ đồng đã được EVN HANOI đầu tư, như việc xử lý các điểm mất an toàn trên lưới, giảm tổn thất điện năng, ngành điện thủ đô đã phải đầu tư tới 643,5 tỉ đồng.
Một thách thức hậu sáp nhập khác mà EVN HANOI phải đối diện là hệ thống đo đếm điện năng tại những khu vực này hầu như đều là hàng trôi nổi, chất lượng kém, không được kiểm định và kiểm định định kỳ, người sử dụng điện có khi cũng không được mua giá điện theo giá quy định của Nhà nước… Anh Văn Minh, người dân thôn Thủy, xã Xuân Tiến, huyện Chương Mỹ cho biết: “Tại một số xã thuộc huyện Chương Mỹ, cách đây hơn 3 năm chất lượng điện rất thấp. Hiện tượng nguồn điện không ổn định xảy ra thường xuyên. Mùa mưa bão hằng năm thường xuyên xảy ra sự cố gây mất điện tại các xã như Mỹ Thành, Phù Lưu Tế, Phúc Lâm... Thôn chúng tôi chưa có trạm biến áp riêng phải xin mua điện của khu dân cư trực thuộc binh chủng đặc công đóng trên địa bàn. Việc quản lý mua bán điện theo cơ chế xin cho, giá cả lên xuống thất thường nên khiến nhiều hộ dân thiệt thòi không được hưởng đúng giá theo quy định của Nhà nước”.
Đó là những thách thức mà Hà Nội sau sáp nhập đã đặt ra cho EVN HANOI . Từ thực tế đó, cuối năm 2012, UBND Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của thủ đô giai đoạn 2013-2015. Và để cụ thể hóa chủ trương này, ngay từ đầu năm 2009, EVN HANOI đã triển khai cải tạo lưới điện tại 13 xã trên với tổng mức đầu tư gần 98,5 tỉ đồng. Ngoài ra, nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng tiêu thụ điện, EVN HANOI cũng đã xây dựng và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân quản lý 726 tổ dịch vụ điện nông thôn (hơn 1.500 người)…
Điện lực thủ đô đã đưa điện tới với người dân, nâng cao chất lượng phục người dân như thế và để từng bước nâng cao chất lượng điện phục vụ người dân, EVN HANOI còn thường xuyên cải tạo hàng ngàn km2 đường dây, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 1.400 tỉ đồng. Đây là số tiền lớn đối với bất kỳ đơn vị nào của ngành điện và để giải quyết vấn đề này, ngay sau khi chủ trương Hà Nội sáp nhập được thực hiện với việc xây, EVN HANOI đã xây dựng phương án vay vốn để đầu tư lưới điện trung áp đồng bộ với lưới điện hạ áp đã được đầu tư từ dự án năng lượng nông thôn (RE2).
Mặt khác, từ nguồn vốn nước ngoài của dự án đầu tư lưới điện nông thôn (IVO) đã triển khai nâng cấp lưới hạ thế trên địa bàn hơn 200 xã mới sáp nhập. Quy mô của dự án bao gồm việc xây dựng mới 68,821km đường dây trung áp, xây mới 219 trạm biến áp, đầu tư cải tạo 14 trạm biến áp phân phối và thay thiết bị trạm biến áp trung gian Đan Phượng với tổng mức đầu tư hơn 214,6 tỉ đồng. Hiện nay dự án đã triển khai đạt 100% phần xây lắp ở các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Hoài Đức, Sơn Tây, các huyện còn lại đạt khoảng 80% do có vướng mắc về mặt bằng thi công.
Tính từ tháng 8/2008 đến nay, EVN HANOI đã tiếp nhận và cải tạo lưới điện của 254 xã trong địa giới mở rộng thủ đô, bán điện trực tiếp đến gần 600 ngàn hộ dân. Trong đó, riêng năm 2012 đã tiếp nhận được 9 xã với hơn 26,5 ngàn hộ. Cùng với việc đầu tư cải tạo lưới điện, áp dụng các biện pháp quản lý vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, công tác tuyên truyền đến các hộ sử dụng điện ở nông thôn các biện pháp an toàn trong sử dụng điện, các biện pháp tiết kiệm điện cũng được quan tâm thực hiện. Sau khi triển khai đồng bộ các biện pháp trên, tổn thất lưới điện khu vực nông thôn đã giảm 25%~30% xuống còn 9,88% góp phần giảm bớt gánh nặng đầu tư nguồn điện trong lúc khó khăn về vốn như hiện nay.
Đề cập đến những khó khăn trong công tác điện nông thôn, ông Mai Chí Hùng, Phó tổng giám đốc EVN HANOI cho biết: “Việc tiếp nhận, nâng cấp lưới điện nông thôn trên địa bàn thủ đô trong thời gian tới là hết sức khó khăn do các địa phương chưa bàn giao đều là khu đông dân cư, sản lượng tiêu thụ điện lớn, lưới điện tương đối ổn định. Quản lý điện nông thôn các khu vực này tuy vẫn còn điểm chưa hoàn thiện theo quy định Nhà nước, nhưng đã bắt đầu vào nề nếp và đang dần hoàn thiện thành hệ thống”.
Trong thời gian tới, EVN HANOI tiếp tục tổ chức tiếp nhận, quản lý, kinh doanh điện, đôn đốc các tổ chức quản lý điện nông thôn bàn giao lưới điện hạ thế để bán điện trực tiếp đến từng hộ dân, đảm bảo về vật tư và nguồn vốn để thực hiện đầu tư, cải tạo lưới điện sau khi tiếp nhận.
Thành Công
-
Gỡ vướng giải phóng mặt bằng các dự án truyền tải giải tỏa công suất NMĐ Nhơn Trạch 3 và 4
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV