Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đưa điện dây trần ra đảo Hòn Tre

07:50 | 07/05/2015

1,045 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Công trình đường dây 22kV cấp điện cho Trung tâm Hành chính huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang vừa được khánh thành, mở ra giai đoạn mới cho địa phương cũng như toàn tỉnh Kiên Giang trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, nâng cao chất lượng đời sống người dân… đồng thời giảm bớt gánh nặng cho ngân sách tỉnh do phải bù lỗ cho các máy phát điện diesel.

Năng lượng Mới số 419

Công trình kéo điện vượt biển đầu tiên

Đứng trước nhu cầu phát triển của giai đoạn mới, theo quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam đến năm 2020: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững về kinh tế của hệ thống các đảo để có bước đột phá về phát triển kinh tế biển, đảo và ven biển của nước ta. Đồng thời xây dựng hệ thống đảo trở thành tuyến phòng thủ vững chắc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia các vùng biển, đảo của Tổ quốc. Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, từ năm 2012, UBND tỉnh Kiên Giang đã có chủ trương giao cho Sở Công Thương tổ chức nghiên cứu, lập dự án xây dựng đường dây 22kV cấp điện cho Trung tâm Hành chính huyện Kiên Hải, đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Điện 2.

Đưa điện dây trần ra đảo Hòn Tre

Công nhân đang thi công đường dây điện

Đến năm 2013, dự án được giao lại cho Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), Công ty Điện lực Kiên Giang tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đầu tư với sự hỗ trợ của UBND tỉnh Kiên Giang cho ứng vốn để sớm đưa dự án trên hồ sơ trở thành công trình trên thực địa.

Đến ngày 11-2-2015 công trình đưa điện từ đất liền ra đảo Hòn Tre - Trung tâm Hành chính huyện Kiên Hải bằng tuyến đường dây 22kV vượt biển chính thức được đóng điện vận hành. Và EVNSPC tổ chức khánh thành công trình vào ngày 10-4-2015 với sự tham dự của lãnh đạo Bộ, ngành Trung ương, địa phương, lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và EVNSPC.

Công trình đường dây 22kV cấp điện cho Trung tâm Hành chính huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang có tổng vốn đầu tư 78,4 tỉ, gồm 3 hạng mục: Cải tạo lưới điện phía bờ huyện Hòn Đất; Phần đường dây vượt biển và phần cải tạo lưới điện trên Hòn Tre.

Cụ thể, xây dựng mới đường dây trung thế vượt biển từ điểm tiếp bờ phía Hòn Đất đến điểm tiếp bờ phía Hòn Tre, tổng chiều dài 12,9km với tổng mức đầu tư 69,5 tỉ đồng; cải tạo và xây dựng mới đường dây trung thế đồng bộ với dự án cấp điện cho Trung tâm Hành chính Kiên Hải, gồm cải tạo 2,162km và xây dựng mới 0,441km đường dây trung thế, tổng mức đầu tư 1,3 tỉ đồng; cải tạo và xây dựng mới lưới điện cấp điện cho toàn bộ khu vực xã đảo Hòn Tre: Xây dựng 6,2km đường dây trung thế và 2,8km đường dây hạ thế, trạm biến áp 10 trạm/1.275kVA, tổng mức đầu tư 7,6 tỉ đồng.

Dự án được đầu tư bằng vốn tạm ứng của tỉnh, EVNSPC dùng nguồn vốn khấu hao cơ bản hoàn trả dần cho tỉnh Kiên Giang trong thời hạn 5 năm. Các công trình còn lại đầu tư bằng nguồn vốn khấu hao cơ bản của EVNSPC năm 2014 và 2015.

Theo ông Nguyễn Thành Duy, Tổng giám đốc EVNSPC, tuy có quy mô không lớn nhưng đây là dự án đặc thù, với loại đường dây trên không vượt biển và lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Đánh giá được tầm quan trọng đó, Công ty Điện lực Kiên Giang đã tập trung nguồn lực, phát huy khả năng của mình để hoàn thành dự án.

Ông Duy cho rằng, việc thi công công trình cũng gặp nhiều khó khăn do khởi công vào thời điểm còn mưa bão, khi bão đến phương tiện và thiết bị thi công phải đưa vào bờ để tránh và cả khi đã hết mùa mưa bão, gặp những khi gió bấc nổi lên thì phải ngừng thi công vì sóng biển có biên độ lớn; ngoài ra phải canh theo thủy triều để thi công. Như vậy thời tiết đã làm ảnh hưởng đến tiến độ nhưng các nhà thầu thi công đã cố gắng thực hiện kể cả việc phải thi công vào ban đêm để dự án hoàn thành trong thời gian ngắn nhất.

Đến nay, dự án đã đấu nối lưới điện trên đảo Hòn Tre vào lưới điện quốc gia, đảm bảo khả năng cung cấp điện liên tục và ổn định trong ít nhất là 30 năm, tạo điều kiện cho đảo Hòn Tre phát triển kinh tế - xã hội. Việc hoàn thành dự án đã tạo tiền đề cho việc áp dụng công nghệ đường dây trên không, với cột điện có móng đài cao để kéo điện ra các đảo khác của Kiên Giang và tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư so với cáp ngầm.

Khởi đầu cho hướng đi mới

Kiên Hải là một trong hai huyện đảo thuộc tỉnh Kiên Giang, nằm trong khu vực biển Tây, gồm đảo Hòn Tre cách thành phố Rạch Giá 30km, đảo Hòn Sơn Rái cách Hòn Tre khoảng 30km và xa nhất là quần đảo Nam Du với 21 đảo lớn nhỏ khác nhau. Tổng diện tích tự nhiên các đảo nổi của huyện Kiên Hải là 2.615ha, với 23 đảo lớn nhỏ, chiếm 0,41% diện tích tự nhiên tỉnh Kiên Giang. Về hành chính, huyện Kiên Hải có 4 xã là Hòn Tre - trung tâm hành chính, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du. Dân số của huyện khoảng 24.800 người, dân cư sinh sống chủ yếu làm nghề đánh bắt, chế biến thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá.

Đảo Hòn Tre là trung tâm hành chính huyện Kiên Hải, diện tích tự nhiên toàn huyện là 438ha, có chiều dài 3,5km, nơi rộng nhất chừng 2km, đỉnh cao nhất 395m so với mực nước biển, địa hình dốc, chủ yếu là đồi núi, độ cao trung bình trên 30m. Dân số đảo Hòn Tre khoảng 4.333 người với 1.055 hộ gia đình.

Trước khi chưa có dự án cấp điện cho Trung tâm Hành chính huyện Kiên Hải, đảo Hòn Tre được cấp điện bằng nguồn phát điện diesel tại chỗ với 2 máy phát, công suất mỗi máy 500kW cùng với 4 máy biến áp nâng áp, 750m cáp ngầm trung thế, 2 trạm biến áp phân phối và 5,4km đường dây hạ thế cung cấp điện cho 926 hộ dân và 157 cơ quan, tổ chức; thời gian cấp điện là 24/24 giờ. Sản lượng điện thương phẩm năm 2014 là 1,84 triệu kWh; tổn thất điện năng là 12,6%; giá điện bình quân 5 tháng đầu năm 2014 là 5.800đ/kWh, giá điện bình quân 7 tháng cuối năm là 1.751đ/kWh. Năm 2014 tỉnh Kiên Giang phải xuất ngân sách để trợ giá điện là 11,6 tỉ đồng.

Hiện tại dự án đã đi vào hoạt động, người dân trên đảo được sử dụng điện lưới quốc gia với giá ngang với đất liền, ngân sách tỉnh không còn phải bù giá điện cho các hộ dân trên đảo; năm 2014 ngân sách tỉnh đã chi 11,6 tỉ đồng để bù giá điện, nếu tính cả năm theo giá điện của 7 tháng cuối năm (giá điện tại hải đảo bằng với giá điện trong đất liền theo Quyết định số 28 của Chính phủ) thì ngân sách tỉnh phải bù giá điện khoảng 14,7 tỉ đồng mỗi năm.

Như vậy với chi phí đầu tư của dự án và của các công trình có liên quan là 78,4 tỉ đồng thì xem như chỉ trong vòng 4 đến 7 năm là hoàn vốn. Như vậy dự án mang lại hiệu quả rất lớn là giảm bớt gánh nặng cho ngân sách tỉnh.

Có thể nói, dự án hoàn thành thắng lợi mỹ mãn, ngoài sự khởi đầu tốt đẹp của Sở Công Thương; sự nỗ lực, chủ động của Công ty Điện lực Kiên Giang và sự chỉ đạo, hỗ trợ sát sao của EVNSPC còn phải kể đến sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành ở Trung ương; sự hỗ trợ nhiệt tình của UBND tỉnh Kiên Giang và sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của UBND và nhân dân huyện Kiên Hải. Dự án hoàn thành cũng thể hiện sự nỗ lực, tích cực và sự kết hợp đầy trách nhiệm của các nhà thầu.

Cùng với Dự án cáp ngầm 110kV Hà Tiên - Phú Quốc hoàn thành đóng điện đầu năm 2014, Đường dây 22kV cấp điện cho Trung tâm Hành chính huyện Kiên Hải đã hoàn thành việc đưa dòng điện quốc gia đến tất cả các trung tâm hành chính cấp huyện của tỉnh Kiên Giang, làm tiền đề cho bước tiếp theo đó là nghiên cứu dự án cấp điện lưới quốc gia ra các đảo gần bờ của tỉnh Kiên Giang trong thời gian tới.

Nguyễn Hiển