Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Chờ kết luận cuối cùng
6 năm chuẩn bị trên… giấy
Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A do Tập đoàn Đức Long Gia Lai (ĐLGL) làm chủ đầu tư nằm trên địa bàn bàn 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Phước. Trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, lộ trình Thủy điện Đồng Nai 6 đưa vào vận hành năm 2015 và Thủy điện Đồng Nai 6A đưa vào vận hành năm 2016. Tuy nhiên, hai dự án này đã trải qua hơn 6 năm chuẩn bị do còn nhiều ý kiến khác nhau, đặc biệt là việc đánh giá tác động môi trường (ĐTM).
Thời gian gần đây, Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi hai dự án này được xây dựng gần khu bảo tồn của Vườn Quốc gia Cát Tiên. Sự quan tâm này dần trở thành mối bận tâm, rơi vào thời điểm khá nhạy cảm bởi dư luận còn sục sôi khi xảy ra nhiều sự cố liên quan đến các công trình thủy điện mà điển hình nhất là các trận động đất kích thích tại Thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam. Bởi vậy, dư luận càng thêm lo ngại về tính khả thi của dự án, cho đến nay, các công việc đánh giá tác động môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường về 2 dự án này vẫn đang được thực hiện, song đến nay các ý kiến phản biện vẫn đang “nóng” các diễn đàn và không ít ý kiến trái chiều mong muốn dự án được dừng lại.
Các chuyên gia của Viện Sinh học Nhiệt đới khảo sát tại vị trí dự kiến xây Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Đặc biệt, phải kể đến sự phản ứng quyết liệt của Nhóm Yêu quý và bảo vệ rừng Cát Tiên, nhóm này cho rằng, đến nay, việc xây dựng quá nhiều thủy điện (Đồng Nai 2, 3, 4, 5) trên các bậc thang dọc sông Đồng Nai đã phá hủy nhiều khu rừng nguyên sinh, cày xới nhiều mảng xanh, đã làm nhiễm bẩn các con suối, xóa sổ nhiều loài động vật quý hiếm và đang dần giết chết sông Đồng Nai; đã và đang gây bao cơn lũ nghiêm trọng cùng những hạn hán bất thường cho cả thượng và hạ lưu... Động thái của nhóm này được thể hiện bằng việc tổng hợp trên 4.000 chữ ký phản đối và gần đây nhất, ngày 20/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đã gửi công văn kiến nghị tới Thủ tướng, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát về cơ sở pháp lý, đồng thời tiến hành xem xét đánh giá tác động tới môi trường xã hội trước khi dự án được triển khai trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra tại Hà Nội.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, mặc dù 2 dự án thủy điện này không nằm trên địa bàn nhưng tỉnh Đồng Nai nằm ở hạ nguồn nên sẽ chịu một số tác động tiêu cực nhất định. Tỉnh Đồng Nai chỉ ra những tác động tiêu cực phát sinh từ 2 dự án: Ảnh hưởng đến hệ sinh thái thủy văn sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên, ảnh hưởng đến việc xem xét, công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới của Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, gây ngập úng vào mùa mưa, thiếu nước vào mùa khô, tác động đến sinh kế của người dân và sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản vùng hạ lưu, tác động đến văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư bản địa.
Nhìn chung diễn biến của dư luận cho rằng, Dự án Thủy điện 6 và 6A tuy có một số yếu tố tích cực, nhưng rất nhỏ bé so với những tác động tiêu cực lớn liên quan đến hệ sinh thái thủy vực sông Đồng Nai và Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi có tính đa dạng sinh học cao, tồn tại nhiều loại động thực vật có tính bản địa, có giá trị kinh tế và cần được bảo tồn vì có nguy cơ tuyệt chủng nằm trong Sách đỏ Việt Nam.
Báo cáo đánh giá thiếu thuyết phục
Trong buổi họp báo tại Hà Nội vào ngày 8/11 vừa qua, chủ đầu tư 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã trình bày những phương án để dự án tác động tới môi trường một cách ít nhất, lập luận trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án đưa ra một số ưu điểm như: Nằm ngoài phạm vi Vườn Quốc gia Cát Tiên, dung tích hồ chứa nhỏ giảm thiểu diện tích chiếm đất, không di dân tái định cư, cung cấp lưới điện quốc gia gần 1 tỉ kWh giá rẻ tương đương tổng lượng điện tiêu thụ của 3 tỉnh, ảnh hưởng ĐTM không lớn v.v… Cụ thể, trên cơ sở quy hoạch bậc thang Thủy điện sông Đồng Nai (năm 2002), dự án lại giảm thiểu tối đa diện tích chiếm đất, rừng và tác động xấu đến môi trường, sinh thái.
Theo quy hoạch năm 2002, dự án được chia thành hai bậc là Thủy điện Đồng Nai 6 (CS135 MW) và Thủy điện Đồng Nai 6A (CS 106 MW). Tổng công suất 2 bậc là 241MW, tổng sản lượng điện hàng năm gần 1 tỉ kWh (công suất tăng thêm 61MW, sản lượng điện hàng năm tăng thêm gần 160 triệu kWh) nhưng giảm thiểu được diện tích đất chiếm và ảnh hưởng tác động đến Vườn Quốc gia Cát Tiên. Chủ đầu tư còn đưa ra so sánh với các thủy điện khác ở Việt Nam, trung bình tỷ lệ diện tích mặt hồ trên 1MW công suất của các thủy điện là 20.66 ha/MW, thì Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A là nhỏ hơn gần 10 lần tỷ lệ trung bình và nhỏ hơn 37 lần so với Trị An.
Trong báo cáo đề cập đến rất nhiều rủi ro và sự cố, tuy nhiên những rủi ro, hoặc lỗi kỹ thuật trong các khâu thiết kế, thi công chưa được đề cập tới. Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) Trần Viết Ngãi cho rằng, báo cáo đánh giá tác động môi trường của Tập đoàn Đức Long thiếu thuyết phục vì chưa phân tích tính toán cặn kẽ. Thứ nhất, quan điểm của ông Ngãi đồng tình với ý kiến của Đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai), Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nếu được tiếp tục kiến nghị Chính phủ phê duyệt là chưa chấp hành đúng nghị quyết của Quốc hội, đó là đáp ứng các tiêu chí dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.
Thứ hai, thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có tổng công suất 241MW thuộc dạng thủy điện nhỏ, nhưng diện tích chiếm đất trên 372ha là lớn, đấy là còn chưa tính đến diện tích đất dùng cho tuyến truyền tải điện, bao gồm cả hành lang an toàn, các phương án truyền tải chưa được nêu ra, mặc dù hành lang an toàn theo quy định là không lớn, nhưng kéo dài và nghĩa là diện tích đất và rừng bị mất là con số không nhỏ. So sánh với Thủy điện Yaly với công suất 720MW, nhưng diện tích chiếm đất chỉ khoảng 150ha thì Đồng Nai 6 và 6A sẽ giảm thiểu được “tối đa” ảnh hưởng đến môi trường ở mức nào? Việc phát triển các dự án, công trình thủy điện thời gian qua ở nước ta đang tiềm ẩn những nguy cơ mang tính không bền vững, nếu như việc quy hoạch, thiết kế và thi công xây dựng, quản lý, khai thác các công trình không được thực hiện nghiêm túc thì rất khó thực hiện.
Bên cạnh đó, về tính an toàn của thủy điện, khả năng gây ra động đất kích thích, điều đã từng xảy ra ở Thủy điện Sông Tranh 2, đại diện đơn vị tư vấn đã khẳng định khả năng xảy ra động đất kích thích là không có. Song, theo GS.TSKH Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Đại học Nguyễn Tất Thành - TP HCM, bản báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Viện Môi trường và Tài nguyên, Đại học Quốc gia TP HCM thực hiện (do chủ đầu tư - Tập đoàn Đức Long Gia Lai thuê) còn quá sơ sài. Báo cáo chưa tính đến việc các con đập xây dựng ở các thác nước thủy điện 6, 6A đều nằm trên những đứt gãy, sụt lún sâu. Khi có một sức nặng của 31 triệu m3 nước đè lên đáy hồ, nguy cơ xảy ra động đất tự nhiên do đứt gãy và động đất là có.
Về phía tỉnh Đồng Nai, theo ông Nguyễn Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng những lợi ích quá nhỏ bé của dự án không thể đánh đổi được sự mất mát quá lớn của môi trường, trước hết, 2 dự án trên xâm phạm trực tiếp đến Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, VQG Cát Tiên, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai. Đây không chỉ là tài sản quý của Đồng Nai mà còn là báu vật mang tầm quốc gia và thế giới. Hai dự án còn tiềm ẩn nguy cơ có thể gây xáo trộn đời sống của cả vùng hạ lưu rộng lớn thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ngay cả về mặt lợi ích và pháp lý, 2 dự án này đều không đáp ứng được, trong khi đó tác hại gây ra rất khó lường. Cũng cần lưu ý, diện tích đất mà 2 dự án này xâm phạm đều nằm trong vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới nên nếu xây dựng 2 thủy điện này phải được UNESCO cho phép. Thêm nữa, việc xây dựng thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ vi phạm Luật Di sản văn hóa, Luật Bảo vệ rừng.
Theo những thông tin mới nhất, không chỉ UBND tỉnh chính thức có văn bản gửi các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ đề nghị dừng triển khai 2 dự án này mà Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cũng đã gửi công văn lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư đề nghị không triển khai 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Hiện tại, UBND tỉnh Đồng Nai đang chờ ý kiến chính thức của các bộ, ngành và Quốc hội. “Quan điểm của chúng tôi sẽ phản đối dự án đến cùng”, ông Trí khẳng định
Dự án Đồng Nai 6 và 6A có được tiếp tục triển khai hay không vẫn còn chờ đợi kết quả ở bước thẩm tra, đánh giá tác động môi trường và phải qua bước đó Chính phủ sẽ quyết định, nếu không bảo đảm các yêu cầu đặt ra thì sẽ dừng.
“Dừng toàn bộ dự án thủy điện nếu không thỏa mãn yêu cầu!” Tại phiên chất vấn sáng ngày 14/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ đang tập trung rà soát các dự án thủy điện. Phải đảm bảo các yêu cầu về an toàn hồ đập, tính mạng nhân dân, đảm bảo di dân, tái định cư đồng bộ, không tác động xấu đến môi trường, đảm bảo hiệu quả phát điện, hiệu quả tổng hợp (môi trường, chống lũ, cung cấp nước) và đúng quy định pháp luật (quy hoạch, lập dự án, thi công, giám sát, vận hành...). Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A vẫn nằm trong quá trình đánh giá thẩm định, nếu không đảm bảo các yêu cầu nêu trên thì sẽ dừng. |
Mạnh Kiên