“Đột nhập” thủ phủ buôn người làm gái mại dâm ở Mexico
Câu chuyện của María Méndez
María Méndez, 15 tuổi sinh ra trong một gia đình nghèo ở bang Mexico. Cô bắt đầu làm những công việc như dọn dẹp nhà cửa từ khi lên 8 tuổi. Cô gặp Ricardo López trong một lần đến siêu thị. Ricardo López, 16 tuổi, đẹp trai, quyến rũ đến từ thị trấn Tenancingo, bang Tlaxcala, Mexico. Ricardo López đã tán tỉnh María Méndez, hứa hẹn cuộc hôn nhân và gia đình hạnh phúc. María Méndez ngay lập tức tin đó là sự thật và trong vòng hai tuần, cô đã theo chồng đến Tenancingo, Mexico.
Lúc đầu López và gia đình đối xử rất tốt với María Méndez nhưng sau đó nhanh chóng biến thành bạo lực. “Anh ấy đã đưa tôi đến làm việc như một gái điếm ở Tijuana, Guadalajara, Torreon, Aguascalientes“, Méndez nói với Observer.
Thị trấn Tenancingo, bang Tlaxcala, Mexico được coi là một trung tâm buôn người làm nô lệ tình dục của Mexico
“López nói rằng, số tiền mà tôi kiếm được từ việc bán thân sẽ được dùng để mua đất và xây dựng một ngôi nhà nhỏ nhưng tất cả đều là sự dối trá. Thậm chí, cái tên López cũng là giả mạo. Tôi cảm thấy tuyệt vọng và xấu hổ”. Méndez chỉ là một trong hàng ngàn phụ nữ khác ở Mexico trở thành nạn nhân của những gia đình giàu có chuyên buôn người ở Tenancingo, Tlaxcala - một tiểu bang nhỏ nhất của đất nước, cách Mexico City hai giờ lái xe.
Nguồn cung cấp nô lệ tình dục lớn nhất ở Mỹ
Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính, khoảng 20.000 người là nạn nhân của nạn buôn người ở Mexico mỗi năm. Ở Mỹ, 5 trong số 10 tội phạm trong danh sách truy nã về tội danh buôn người làm nô lệ tình dục đến từ Tenancingo, Mexico. Mạng lưới buôn bán người từ Tlaxcala là “nguồn” cung cấp nô lệ tình dục lớn nhất ở Mỹ.
Câu chuyện bắt đầu vào những năm 1950 của thế kỷ trước khi Tlaxcala bước vào giai đoạn công nghiệp hoá. Những người đàn ông trong độ tuổi lao động phải rời bỏ các nhà máy do lương thấp. Cũng chính từ đây, hoạt động buôn người làm nô lệ tình dục bắt đầu phát triển. Một số gia đình ở Tlaxcala được cho là đã “bắt tay” với các tập đoàn ma đáng sợ nhất của Mexico.
Theo thống kê của các cơ quan chức năng, vào năm 2008, băng nhóm tội phạm buôn bán người hoạt động tại đây có 23/60 địa điểm ở Tlaxcala nhưng đến nay đã lên đến 35 địa điểm. Nghiên cứu của tổ chức nhân quyền địa phương Fray Julián Garcés xác định, 6 “vùng đỏ“ khai thác tình dục nhiều nhất ở Tlaxcala, trong đó có Tenancingo.
Văn phòng Liên Hợp Quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) cho biết, phụ nữ bị buôn bán làm nô lệ tình dục phần lớn đến từ các bang miền Nam của Mexico như Chiapas, Oaxaca và Guerrero. Tlaxcala giống như điểm trung chuyển của những vụ buôn bán phụ nữ, trước khi những người phụ nữ được đưa đến khu vực bắc Mexico và Mỹ. Trong những năm gần đây, thủ đoạn buôn người ở Mexico đã chuyển từ việc bắt cóc và bạo lực sang “đòn” lừa đảo bằng mối quan hệ giả. Trẻ em gái, phụ nữ nghèo, thất học thường bị lóa mắt và thu hút bằng lời hứa hẹn việc làm hoặc kết hôn. Phổ biến nhất là giống như trường hợp của Méndez, ban đầu là thuyết phục vì tình yêu, sau đó là đánh đập, đe dọa để kiểm soát.
5 người trẻ thì 1 người muốn lớn lên làm... "ma cô"
Thị trấn Tenancingo có dân số 11.000 người và sự hiện diện của tội phạm có tổ chức ở đây cũng là con số “ngoạn mục”. Tại thị trấn nhỏ bé này, nhiều ngôi nhà “hoành tráng” của những gia đình chuyên cung cấp nô lệ tình dục nằm xen kẽ giữa những ngôi nhà nhỏ. Trong quảng trường chính của Tenancingo nổi lên một tháp nhà thờ lớn. Một nhóm đàn ông độ tuổi từ 30-40 đang ngồi trò chuyện. “Những anh chàng này chính là ma cô”, Emilio Muñoz, nhân viên của tổ chức nhân đạo Fray Julián Garcés nói. “Ở đây, mọi người đều biết ma cô là ai. Gia đình họ vẫn tài trợ cho lễ hội tôn giáo và các sự kiện cộng đồng. Hoạt động phạm tội của họ gần như không bị trừng phạt. Buôn bán người đã trở nên quá bình thường và nhiều người trẻ đến tìm họ”, Muñoz nói tiếp.
Theo nghiên cứu của Đại học Tlaxcala công bố thời gian gần đây thì cứ 5 người trẻ ở đây thì 1 người muốn trở thành ma cô khi lớn lên. 2/3 số thanh niên được khảo sát cho biết, ít nhất một người thân hoặc bạn bè của họ làm việc như một ma cô hay buôn người. Ở điểm “nóng” Tenancingo, ước tính, 1 trong 10 người đang tích cực tham gia vào đường dây buôn bán người.
Theo ANTĐ
-
Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật số 69 để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn
-
Đột phá mở đường, huy động những nguồn lực mới trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
-
Nguồn lực cho chiến lược tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
-
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đáp ứng kỳ vọng cử tri, mong mỏi của mỗi gia đình
-
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm được bổ nhiệm giữ chức Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam