Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đồng thuận cấm đánh bắt cá ở biển trung tâm Bắc Cực

07:00 | 09/02/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong một thỏa thuận đạt được mới đây, Liên minh châu Âu (EU) và 9 quốc gia khác bao gồm: Canada, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Iceland, Đan Mạch và Hàn Quốc đã cấm đánh bắt cá vì mục đích thương mại ở trung tâm biển Bắc Cực trong thời gian ít nhất 16 năm tới.

“Cứu” Bắc Cực trước khi quá muộn

Được biết, đây là kết quả bước đầu của một chiến dịch vận động kéo dài suốt 2 năm qua, với 6 cuộc họp bàn giữa các bên liên quan, nhằm tìm ra giải pháp chung cho vấn đề này. Thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho các nhà khoa học có thể thực hiện nghiên cứu về hệ sinh thái đại dương độc đáo ở cực Bắc trái đất, trước nguy cơ chúng bị hủy hoại và trước sự biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một mạnh mẽ.

dong thuan cam danh bat ca o bien trung tam bac cuc
Một thỏa thuận giữa các bên sẽ cấm đánh bắt ở Bắc Cực trong 16 năm tới (ảnh: Getty Images)

Theo đó, thỏa thuận giúp bảo vệ, bảo tồn những phần còn lại của một vùng biển quốc tế có diện tích 2,8 triệu km2, áp dụng không chỉ với các quốc gia giáp Bắc Cực, mà có hiệu lực với cả Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Những quốc gia này tham gia vào ký kết thỏa thuận và thường xuyên có tàu đánh cá hoạt động trong khu vực trên.

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, các tàu đánh bắt cá từ Nhật Bản, Trung Quốc... đã khai thác hàng triệu tấn cá pô-lăc ở vùng biển trung tâm Bắc Cực. Đến năm 1990, số lượng cá pô-lăc đã suy giảm nghiêm trọng mà tới nay vẫn chưa phục hồi, Tạp chí Science cho hay.

Trên thực tế, khi biến đổi khí hậu chưa xảy ra một cách rõ rệt như hiện nay, lớp băng dày ở Bắc Cực phần nào hạn chế số lượng tàu thuyền vào vùng biển trung tâm. Thế nhưng cùng với đà nóng lên của nhiệt độ toàn cầu, lớp băng ở Bắc Cực đang tan chảy, có tới 40% vùng biển trung tâm Bắc Cực đang trở thành vùng nước mở, tàu thuyền đánh cá không khó để tiếp cận. Đây có thể là cơ hội lớn cho ngành đánh bắt thủy hải sản, song đối với các nhà môi trường học thì lại là tín hiệu không mấy khả quan, bởi môi trường biển bị xâm lấn.

Dưới góc độ luật pháp quốc tế, mọi quốc gia đều có thể tiếp cận vùng nước nói trên. Nhưng trước tình trạng đánh bắt cá ở trung tâm Bắc Cực vô cùng lộn xộn hiện nay, thỏa thuận cấm đánh bắt cá ở trung tâm Bắc Cực sẽ giúp bảo toàn hệ sinh thái đại dương đặc biệt của vùng này.

Bên cạnh việc cấm đánh bắt cá, các bên liên quan cũng thống nhất một chương trình nghiên cứu khoa học chung nhằm khảo sát toàn diện về các loài sống trong hệ sinh thái đại dương trước những nguy cơ phải đối mặt hiện nay.

Lộ trình gian nan và sự ủng hộ của giới nghiên cứu

Trước đó, vào năm 2012, khoảng 2.000 nhà khoa học vận động một lệnh cấm đánh bắt cá ở trung tâm Bắc Cực để ngăn chặn những tác động tới hệ sinh thái nơi đây.

dong thuan cam danh bat ca o bien trung tam bac cuc
Bản đồ vùng biển trung tâm vừa được các quốc gia thông qua lệnh cấm đánh bắt cá trong 16 năm (ảnh: Telegraph)

Cho tới năm 2015, Canada, Đan Mạch (đại diện cho Greenland), Na Uy, Nga, và Mỹ - những quốc gia có đường biên giới biển giáp với Bắc Cực, đã cấm tàu cá của nước mình đánh bắt trong khu vực.

Tháng 12-2016, trước khi nhiệm kỳ của mình kết thúc, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định lại thỏa thuận về việc cấm đánh bắt cá ở vùng biển trung tâm Bắc Cực. Song phải tới tận tháng 12-2017 vừa qua, một thỏa thuận giữa nhiều bên về việc cấm đánh bắt cá ở vùng biển trung tâm Bắc Cực mới hoàn thiện. Thỏa thuận đạt được giữa Liên minh châu Âu (EU) và 9 quốc gia khác bao gồm: Canada, Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Iceland, Đan Mạch và Hàn Quốc.

“Bắc Cực là một trong những nơi cuối cùng trên trái đất còn giữ được khung cảnh nguyên sơ”, Tiến sĩ Chris Yesson.

Giới nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các chuyên gia môi trường hết sức ủng hộ thỏa thuận này. Tờ Telegraph của Anh dẫn lời Tiến sĩ Chris Yesson, một nhà sinh vật biển thuộc Hiệp hội Nghiên cứu động vật ở London cho rằng: “Đây là một trong những nơi cuối cùng trên trái đất còn giữ được khung cảnh nguyên sơ”, đồng thời cho rằng, giới khoa học và các nhà chức trách cần làm mọi biện pháp có thể để “cứu” lấy Bắc Cực trước khi quá muộn.

Trong khi đó, Peter Harrison - một chuyên gia ngư nghiệp và chính sách vùng Bắc Cực tại ĐH Queen (Canada) cho rằng, cần phải thành lập một tổ chức khoa học đa quốc gia tập trung nghiên cứu về hệ sinh thái đặc biệt ở vùng cực Bắc của địa cầu.

Mai Lâm