Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

"Đặc khu thiên nhiên"

Động lực phát triển kinh tế biển

08:00 | 25/01/2018

Theo dõi PetroTimes trên
|
Các chuyên gia kinh tế biển đưa ra nhận định: Nếu khai thác tốt những giá trị thực tế và giá trị thương hiệu của các vùng biển nổi tiếng tạo thành các “đặc khu thiên nhiên” vùng biển sẽ tạo động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển kinh tế biển.

Hình thành từ “thương hiệu biển”

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định một trong những mục tiêu cơ bản là “Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển và làm giàu từ biển”.

Theo TS Dư Văn Toán, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo, “thương hiệu biển” nếu nhìn từ góc độ tài nguyên - môi trường, đặc biệt thương hiệu theo vùng địa lý đã tự thân nó trở thành “đặc khu thiên nhiên”, trong đó có các vùng biển được công nhận danh hiệu biển. “Chúng ta có nhiều vùng biển có đủ các danh hiệu từ cấp quốc tế, cấp châu lục và cấp quốc gia. Đây là thế mạnh để hình thành những đặc khu thiên nhiên vùng biển” - TS Toán nói.

dong luc phat trien kinh te bien
Vịnh Hạ Long, 1 trong 3 vịnh của Việt Nam nằm trong “Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới”

Theo TS Toán, đầu tiên phải kể đến 6 danh hiệu “Khu dự trữ sinh quyển thế giới”, sau đó là 3 danh hiệu “Vịnh đẹp nhất thế giới” và 2 danh hiệu “Di sản thế giới”. Ở mức độ quốc gia thì chúng ta có 16 khu bảo tồn biển, 7 vườn quốc gia, 3 khu bảo tồn thiên nhiên. “Tác động của vùng địa lý có danh hiệu biển tới kinh tế - xã hội, môi trường quốc gia và địa phương là rất tích cực, với sự đóng góp ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng như danh hiệu Hạ Long, Nha Trang, Cát Bà” - TS Toán cho biết thêm.

Đồng tình với TS Dư Văn Toán, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho rằng: “Khi một vùng biển có được danh hiệu biển Việt Nam thì vùng biển đó mang lại rất nhiều lợi ích”.

“Trước hết là được nhiều người biết đến hơn; nhiều cấp, ngành và các tổ chức ở trong nước và quốc tế quan tâm; thuận lợi cho công tác quản lý tài nguyên; bảo vệ môi trường thiên nhiên và điểm đến đối với khách du lịch; một địa chỉ tin cậy hấp dẫn các nhà khoa học, nhà kinh tế và đầu tư liên doanh trên nhiều lĩnh vực; là trung tâm giáo dục truyền thống và phổ biến các tri thức khoa học” - PGS.TS Nguyễn Chu Hồi khẳng định.

Tạo thế đột phá từ hệ thống “đặc khu thiên nhiên”

Nhiều chuyên gia nhận định việc hình thành các “đặc khu thiên nhiên” một cách có hệ thống, bền vững các cơ quan quản lý Nhà nước phải tiến hành cùng một lúc nhiều phương pháp trong đó mỗi phương pháp phải bảo đảm 2 yếu tố: Phát triển và bảo tồn.

Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi, hiện nước ta đã bắt đầu có nghiên cứu tác động tích cực của các vùng có danh hiệu biển tới kinh tế - xã hội - môi trường và sinh kế cộng đồng địa phương. “Với sự gia tăng khách du lịch quốc tế tới các điểm đến là các khu vực “đặc khu thiên nhiên biển” rất lớn và hiệu quả kinh tế tăng mạnh, cơ sở hạ tầng khách sạn, resort phát triển nhanh, việc làm, sinh kế gia tăng”- PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói.

Theo các chuyên gia, từ năm 2003, Chính phủ đã phân ra 5 hạng các khu bảo tồn thiên nhiên: Vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài hoặc sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, khu dự trữ tài nguyên đã tạo điều kiện để phân cấp quản lý một cách chặt chẽ kết hợp giữa phát triển kinh tế du lịch và bảo tồn biển.

Đồng thời, việc tham gia và phê chuẩn một số công ước và thỏa thuận quốc tế quan trọng trong vấn đề bảo tồn thiên nhiên biển đã góp phần phục vụ quy hoạch và phát triển kinh tế biển một cách bền vững.

Hiện Việt Nam có 6 khu vực ven biển và hải đảo được Ủy ban Sinh quyển và Con người (MAB) thuộc UNESCO công nhận, gồm: Rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), Quần đảo Cát Bà (2004), Ven biển Châu thổ sông Hồng (2004), Ven biển và đảo Kiên Giang (2006), Cù lao Chàm (2009), Mũi Cà Mau (2009). Có 3 khu bảo tồn đất ngập nước ven biển do UNESCO công nhận bao gồm Ramsar ven biển Xuân Thủy (1989), Cà Mau (2012), Côn Đảo (2014). Đồng thời 3 vịnh của Việt Nam là: Vịnh Hạ Long (2003), Vịnh Nha Trang (2005), Vịnh Lăng Cô (2009) nằm trong “câu lạc bộ những Vịnh đẹp nhất thế giới”.

An An