Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Donald Trump và những bất ngờ

07:05 | 02/06/2016

1,705 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tỷ phú Donald Trump gần như đã nắm phần chắc thắng trong cuộc đua giành suất ứng cử viên duy nhất đại diện cho đảng Cộng hòa tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2017-2021, sau khi có được sự ủng hộ của hơn 1.237 đại biểu. Việc ông Trump - người nổi tiếng với những phát ngôn bạt mạng, bỗ bã có thể có cơ hội ngồi vào ghế lãnh đạo cao nhất của một cường quốc hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ thực sự đang khiến nhiều người chuyển từ ngạc nhiên sang trạng thái e ngại.  

Khi Donald Trump bước vào cuộc đua tổng thống vào tháng 6 năm ngoái, cái tên Trump dường như mờ nhạt giữa một danh sách đông đảo những thượng nghị sĩ và thống đốc đảng Cộng hòa đương nhiệm và tiền nhiệm, trong số đó có những người rất nổi trội về kinh nghiệm chính trị như: cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush (con trai cựu Tổng thống George HW Bush (cha)), Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Thống đốc bang Ohio John Kasich…

Người ta cũng chưa mường tượng được khả năng ông Trump sẽ làm nên điều kỳ… quặc, bởi trước ông Trump, cả phe Cộng hòa lẫn Dân chủ - hai chính đảng lớn nhất ở Mỹ - chưa từng đề cử bất cứ người nào khác ngoài một viên chức dân cử đương nhiệm hay tiền nhiệm kể từ năm 1952 - năm mà người hùng Thế chiến II, cựu tướng 5 sao Lục quân Mỹ Dwight Eisenhower, đắc cử tổng thống với tư cách một ứng cử viên đảng Cộng hòa.

donald trump va nhung bat ngo

Tỷ phú Mỹ Donald Trump

Nhưng Donald Trump - người từng là ngôi sao của các chương trình truyền hình thực tế mà một thời được coi là “ông trùm” hoa hậu đã khiến người ta phải đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác. Bất chấp chiến dịch tẩy chay Donald Trump trong nội bộ đảng Cộng hòa, ông ta đã lôi cuốn hàng triệu cử tri theo đảng này trong những cuộc tranh đua giành đề cử ở từng bang với chủ trương dân túy, đề cao bản địa như lời kêu gọi trục xuất 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp sống tại Mỹ, cấm người Hồi giáo nhập cảnh cho đến khi có thể xác định có những kẻ khủng bố trà trộn hay không, hay xây một bức tường dọc theo biên giới Mexico ngăn chặn di dân vào Mỹ.

Vì sao người ta lại e sợ viễn cảnh Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ như vậy?

Thứ nhất, người ta cho rằng Donald Trump chỉ phát ngôn mị dân, “nổ” một cách bừa bãi chứ không có một chính sách gì cụ thể, chi tiết. Mà nếu có, phần lớn những chính sách ấy đều nhảm và bất khả thi (như dựng hàng rào dọc theo biên giới Mỹ và Mexico; trục xuất hết tất cả những di dân bất hợp pháp và cấm người Hồi giáo nhập cư vào nước Mỹ; sát hại gia đình của các tên khủng bố).

Thứ hai, các quan điểm, chính sách mà Trump đưa ra đều đi ngược lại với ý thức hệ truyền thống của phe Cộng hòa. Trong khi đảng Cộng hòa chủ trương giảm thuế, Trump lại chủ trương tăng thuế của những người giàu có. Trong khi Đảng Cộng hòa chủ trương tự do mậu dịch, Trump chủ trương áp đặt nhiều lệnh cấm lên các hoạt động thương mại với nước ngoài, dọa tiến hành chiến tranh thương mại và đánh thuế nhập khẩu với những nước không làm theo ý Mỹ.

Trong khi đảng Cộng hòa chủ trương đóng vai trò người hùng trên thế giới, khi cần, sẵn sàng tuyên chiến với các nước khác để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ, thì Trump chỉ xoay quanh lập luận nước Mỹ đang bị nhiều kẻ thù bao vây. Ông cật vấn cam kết an ninh của Mỹ đối với Hàn Quốc và Nhật, chẳng hề muốn Mỹ can dự quân sự ở bất cứ đâu tại Trung Đông, tung hô Tổng thống Nga Vladimir Putin và lên án Thủ tướng Đức Angela Merkel…

Chưa kể Trump còn theo cương lĩnh của phe Dân chủ khi thề bảo vệ các chương trình an sinh xã hội, y tế và hứa đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng lớn từ chính phủ. Chuyên gia tư vấn Juleanna Glover thậm chí còn cho rằng, sự trỗi dậy của ông Trump “là án tử hình đối với chính sách quản trị của Đảng Cộng hòa”.

Cuối cùng, thứ ba, người ta không tin Trump xứng đáng nắm vai trò lãnh đạo cao nhất của cường quốc số một thế giới về cả phương diện đạo đức lẫn tri thức. Nước Mỹ sẽ bị “mất mặt” và suy yếu nếu Donald Trump làm Tổng thống.

Dưới mắt nhiều người, Trump là người phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính và có những hành vi, phát ngôn cư xử lố bịch, bậy bạ. Ông ta từng làm cử chỉ run rẩy tay để chế giễu nhà báo khuyết tật Serge Kovaleski của tờ New York Times, gọi người Mexico nhập cư lậu là những kẻ hiếp dâm và sát nhân, đòi cấm người Hồi giáo vào Mỹ, tỏ ra tâm đắc với câu nói của trùm phát xít Musolini... Trump cũng thường xuyên chỉ thẳng mặt các phóng viên và gọi họ là “đám ti tiện”, “lũ cặn bã” và còn “dọa” nếu thành tổng thống thì sẽ tìm cách bãi bỏ Tu chính án thứ nhất (bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp), thay đổi luật về phỉ báng để dễ kiện báo chí hơn.

Trump cũng bộc lộ sự thiếu hiểu biết về chính trị thế giới khi hô hào “Nước Mỹ trên hết” và đặt nước Mỹ vào vị thế trung tâm, không cần đến bạn bè, đồng minh, coi bạn bè, đồng minh chỉ làm cản trở, chứ không hề thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong và ngoài nước Mỹ. Donald Trump cho rằng, nước Mỹ không nên tiếp tục bảo trợ an ninh “không công” cho các đồng minh chủ chốt như Hàn Quốc và Nhật Bản, hứa hẹn sẽ giải tán khối NATO nếu ông đắc cử, thậm chí chỉ trích các đồng minh đang “lợi dụng” nước Mỹ.

Chính sách đối ngoại này của Trump được giới chuyên gia đánh giá là sẽ khiến nước Mỹ trở nên suy yếu, bởi trong một thế giới ngày càng phức tạp, không nước nào có thể tự mình giải quyết những vấn đề quốc tế, và nước có mối quan hệ kết nối nhiều nhất mới là thế lực hùng mạnh nhất. Theo chiến lược gia Lawrence Freedman của Anh, điều giúp Mỹ giữ vững được vai trò lèo lái của mình suốt 70 năm qua chính là “sức mạnh Mỹ dựa trên đồng minh chứ không phải thuộc địa”. Đồng minh là tài sản, còn thuộc địa là món nợ, ông này nhấn mạnh. Nhưng nếu ông Trump trở thành tổng thống và rút khỏi các liên minh quan trọng như NATO và các quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc… vai trò dẫn dắt đó có thể rơi vào tay Trung Quốc, Nga, châu Âu hoặc Ấn Độ, những thế lực có thể vượt mặt Mỹ trong vài thập kỷ tiếp theo.

Không chỉ có người Mỹ thấy hãi hùng và thế giới cũng bất an trước nguy cơ Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Từ Nhật Bản xa xôi, khi đang tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, các lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới cũng không giấu được sự quan ngại của mình trước thành công của tỷ phú Trump trong cuộc bầu cử sơ bộ đảng Cộng hòa.

Tổng thống Obama nói: “Tôi tin rằng chúng ta có thể nói là họ đều tỏ ra ngạc nhiên về nhân vật được đảng Cộng hòa đề cử (tức ông Donald Trump). Họ không biết nên coi những phát biểu của ông ấy nghiêm túc tới mức nào, nhưng họ cảm thấy bất an và họ có lý do để thấy như vậy”.

Hầu hết các nhà lãnh đạo châu Âu cũng đều lo lắng trước viễn cảnh Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ. Nhiều dân biểu Quốc hội Anh đề nghị cấm không cho Trump nhập cảnh vào nước họ. Tháng 12/2015, Thủ tướng Anh, David Cameron, thẳng thắn gọi các chính sách của Trump là “sai lầm, ngu xuẩn và gây chia rẽ”. Giới lãnh đạo các nước khác, không nói thẳng ra, nhưng đều nhìn Trump một cách đầy lo ngại. Nhiều người, như Tổng thống Mexico - Pena Nieto còn lên tiếng so sánh Trump với trùm phát xít Hitler.

Nếu ông Trump trở thành tổng thống và rút khỏi các liên minh quan trọng như NATO và các quan hệ đồng minh với Nhật Bản, Hàn Quốc… vai trò dẫn dắt đó có thể rơi vào tay Trung Quốc, Nga, châu Âu hoặc Ấn Độ, những thế lực có thể vượt mặt Mỹ trong vài thập niên tiếp theo.

Linh Phương

Năng lượng Mới 527