Doanh nhân của những ý tưởng và khát vọng
Sinh năm Tý, học Design (thiết kế) tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, 15 năm đứng trên bục giảng Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Nguyễn Liên Phương đã từng "lang thang" đến nhiều quốc gia, nghiên cứu và khảo sát các xu hướng mới, các mô hình kinh doanh hiện đại trên thị trường toàn cầu để phục vụ cho việc kinh doanh của LP Group và nay anh chia sẻ những nghiên cứu này với các doanh nhân tại Học viện Doanh nhân LP Việt Nam. Đó chính là lý do chỉ trong vòng 2 năm từ ngày khai trương Học viện (năm 2010), anh đã thu hút được hàng ngàn doanh nhân cùng chí hướng đến với những ý tưởng táo bạo nhưng rất thực tiễn, luôn ấp ủ những khát vọng lớn, những đam mê cháy bỏng xây dựng thương hiệu Việt và đưa hàng Việt ra thị trường toàn cầu…
Con đường Doanh nhân
Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp là Nguyễn Liên Phương rất giản dị, cởi mở, gần gũi và thuyết phục trong cách nói chuyện. Những câu chuyện, những trăn trở của vị Doanh nhân - Giám đốc Học viện Doanh nhân LP Việt Nam này cứ hút người nghe phải cố nắm bắt cho được những ý tưởng, những đam mê, tưởng hư mà thực, hư - thực như những sản phẩm Art Décor (Mỹ thuật trang trí) với thương hiệu LP đã có mặt trên 60 quốc gia.
Doanh nhân Nguyễn Liên Phương
Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, anh giảng dạy tại Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng vẫn theo đuổi nghề thiết kế. Theo anh, đây là nghề sáng tạo ra các sản phẩm, mà sản phẩm thì phải gắn với thị trường. Do đó, anh đi ra nước ngoài nghiên cứu thị trường, nghiên cứu người tiêu dùng, các xu hướng thiết kế mới, các công nghệ và chất liệu tạo nên sản phẩm…
“Tôi trở thành doanh nhân khác với nhiều doanh nhân khác ở Việt Nam, bắt đầu tư việc nghiên cứu thị hiếu của người tiêu dùng để tạo ra sản phẩm, rồi đưa sản phẩm đến thị trường. Đó là một quá trình tự nhiên một cách có chủ ý đi vào kinh doanh chứ không đi theo cách thường thấy ở Việt Nam là cứ lao vào kinh doanh với mục đích kiếm tiền rồi đến đâu tính tiếp” – anh Phương chia sẻ.
Hơn 10 năm nghiên cứu thị trường quốc tế, anh thấy rõ một điều, thị trường hiện đại của Thế kỷ 21 có 2 yếu tố phát triển song song, tương tác và giao hòa với nhau giữa công nghệ và nghệ thuật. Có những minh chứng rất hùng hồn về việc kết hợp công nghệ và cái đẹp nghệ thuật để kinh doanh như Steve Jobs chẳng hạn. Ông đã kết hợp giữa nghệ thuật thiết kế sản phẩm và công nghệ để tạo nên những sản phẩm Apple chinh phục cả thế giới. Công nghệ và cái đẹp được kết hợp để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Nguyễn Liên phương đã tổng kết xu hướng lớn này của thị trường Thế kỷ 21 thành lý thuyết và mô hình kinh tế hình ảnh, được anh công bố tháng 12/2010 và hiện được rất nhiều doanh nghiệp Việt áp dụng thành công.
Nguyễn Liên Phương mở các công ty tại Úc, Việt Nam và Dubai, kinh doanh các sản phẩm Art Decor được khách hàng quốc tế định vị là dòng sản phẩm đẳng cấp 5 sao (vì được trang trí trong rất nhiều hệ thống khách sạn 5 sao trên thế giới), vừa hiện đại, vừa sang trọng, được làm từ khối óc, bàn tay của những nhà thiết kế và những người thợ tài hoa Việt Nam. Chưa chịu dừng ở thành quả kinh doanh xuất sắc xuất phát từ nghề nghiệp của mình, Doanh nhân Nguyễn Liên Phương lại làm các nhà kinh tế, giới doanh nghiệp, doanh nhân ngạc nhiên khi anh cho ra đời một sân chơi mới, với hình thức mới, thu hút hàng ngàn doanh nhân cùng chí hướng đến với những ý tưởng sáng tạo nhưng rất thực tiễn, đó là sự ra đời của Học viện Doanh nhân LP Việt Nam - một tổ chức phát triển việc nghiên cứu về kinh tế - kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và truyền bá những kết quả nghiên cứu này cho cộng đồng doanh nhân. Đây là ước mơ lớn nhất của Doanh nhân Nguyễn Liên Phương, đồng thời là Giám đốc Học viện, người soạn thảo ra Chương trình Dịch vụ cộng đồng doanh nhân LP Việt Nam, chứa đựng sức sáng tạo nội lực, trí tuệ, bản lĩnh và kết tinh lòng tự tôn dân tộc Việt.
Doanh nhân hiện đại: Phải hướng ra biển lớn
Nguyễn Liên Phương chia sẻ, có 2 yếu tố cốt lõi để một doanh nhân đi đến thành công: thứ nhất là khả năng sáng tạo ra hàng hóa - dich vụ có giá trị cao để đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi của khách hàng; thứ hai là xây dựng được đội ngũ để thực thi giá trị đó một cách xuất sắc, 2 yếu tố này kết hợp với nhau thành một doanh nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.
Một góc gian hàng của LP Việt Nam tại Hội chợ Dubai (tháng 2/2012)
Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp Việt theo đuổi cách làm ăn theo kiểu vụ việc có tính chất ngắn hạn, dựa vào các nguồn lực hữu hạn như khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ, ít có khả năng sáng tạo ra những giá trị mới. Doanh nhân Việt còn nhiều hạn chế về khả năng tiếp cận và nghiên cứu thị trường hội nhập, thiếu nền tảng tư duy quản trị hiện đại để có thể lựa chọn những hướng đầu tư khôn ngoan và cách thức tổ chức doanh nghiệp bài bản, thiếu khả năng xây dựng đội ngũ vững mạnh. Nhiều doanh nhân còn chưa biết cách tạo dựng đội ngũ như một ekip thực thi hữu hiệu tầm nhìn và mục tiêu đề ra, họ chỉ có lao động thậm chí có rất nhiều lao động chứ chưa có đội ngũ thực sự.
Anh cũng cho biết, phần lớn doanh nhân Việt còn “non cơ” so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường hội nhập (cả ở thị trường trong nước và nước ngoài) và rất lúng túng trước những thách thức của thị trường hội nhập, nơi mà nhu cầu thị trường luôn thay đổi chóng mặt từng ngày. Trong giai đoạn hiện nay và những năm sắp tới, các doanh nghiệp Việt đang và sẽ phải đối mặt với sự sàng lọc nghiệt ngã của thị trường, kinh doanh sẽ không còn dễ dàng như những năm qua nữa. Nhiều người cho rằng, khó khăn hiện tại là do chúng ta chưa có cơ chế chính sách tốt tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận, với đội ngũ doanh nhân còn nhiều yếu kém như hiện tại, nếu có điều kiện kinh doanh tốt theo đúng nghĩa thị trường và tình hình kinh tế thế giới có tốt lên, chúng ta vẫn “ở chùa, không dám ra chợ”, nói chi vẫy vùng “biển lớn”.
Khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn xa
Càng nói chuyện với Nguyễn Liên Phương, tôi càng thấy dường như trong anh luôn đau đáu mong muốn hỗ trợ các doanh nhân Việt có được những nhận thức mới nhất về nền kinh tế hội nhập, về thị trường hội nhập, và cách thức các doanh nghiệp Việt có thể kinh doanh và trụ vững trên thị trường ấy. Anh ước mơ góp phần tạo dựng nên những thế hệ doanh nhân dân tộc Việt Nam với khát vọng xây dựng thương hiệu Việt, đưa hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt lan tỏa và vươn xa đến các thị trường thế giới. Anh tâm sự, thương hiệu Việt chính là giá trị Việt Nam trên trường quốc tế. Xây dựng thương hiệu Việt là trách nhiệm của cả quốc gia, dân tộc, trong đó đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đóng vai trò to lớn. Trong lịch sử, Việt Nam đã từng là thương hiệu của khát vọng tự do và khẳng định phẩm giá của mình trên toàn thế giới.
Ngày nay, chúng ta có định vị được thương hiệu Việt thông qua giá trị kinh doanh trên đấu trường toàn cầu? Trách nhiệm đó không nhỏ song không quá khó nếu mỗi doanh nghiệp, doanh nhân có niềm tin, bản lĩnh, chịu học hỏi để cầu tiến và vươn xa! Chương trình Dịch vụ Cộng đồng Doanh nhân LP Việt Nam do Học viện Doanh Nhân LP Việt Nam triển khai chính là bước đi cụ thế hóa mong muốn được hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp Việt của Nguyễn Liên Phương.
Để quy tụ các doanh nhân có khát vọng xây dựng và đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường thế giới thông qua hình ảnh đàn chim Việt, Doanh nhân Nguyễn Liên Phương cho biết: “Chúng tôi hướng tới 3 đối tượng: Doanh nghiệp đủ điều kiện hội nhập và có khát vọng xây dựng thương hiệu mạnh để chinh phục thị trường nội địa, vươn ra thị trường nước ngoài; Doanh nghiệp chưa đủ điều kiện hội nhập nhưng có khát vọng thay đổi; Người tiêu dùng ủng hộ thương hiệu Việt. Chúng tôi chúc cho LP thành công hơn nữa và góp phần tạo nên một đàn chim Việt sải cánh bay xa với thương hiệu Việt tỏa khắp bản đồ kinh tế thế giới”. |
Trần Thu Hiền
-
Tín dụng tăng trưởng ổn định, lợi nhuận 3 quý của VPBank tăng 67% so với cùng kỳ
-
Giá vàng hôm nay (29/10): Tiếp tục tăng mạnh
-
Giá vàng hôm nay (28/10): Giảm trong phiên giao dịch đầu tuần
-
Giá vàng trong tuần (21/10-27/10): Kết thúc tuần tăng giá
-
Giá vàng hôm nay (26/10): Thị trường thế giới tiếp đà tăng mạnh