Doanh nghiệp được hưởng lợi từ Thông tư 36 về dán nhãn năng lượng
Ảnh minh họa. |
Vài năm trước, đã có rất nhiều doanh nghiệp phản ánh về sự rườm rà, nhiều thủ tục, tốn kém thời gian, chi phí... cho doanh nghiệp khi làm thủ tục dán nhãn năng lượng theo Thông tư 07. Cụ thể, với Thông tư 07, doanh nghiệp cho rằng, họ phải tiến hành thử nghiệm nhiều lần đối với cùng một model sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng do quy định về chứng nhận dán nhãn năng lượng theo lô hàng hóa nhập khẩu, hiệu lực của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng chỉ kéo dài trong 06 tháng. Trong khi cơ sở hạ tầng thử nghiệm hiệu suất năng lượng của các phòng thử nghiệm trong nước còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Thông tư số 07 quy định các phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng, kể cả sản xuất và nhập khẩu đều phải được thử nghiệm tại phòng thử nghiệm độc lập để đảm bảo tính minh bạch, chính xác, quy định này làm tăng chi phí cho các nhà sản xuất và nhập khẩu.
Theo phản ánh của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Thông tư 07 ban hành năm 2012 đang tồn tại nhiều vấn đề cần phải chỉnh sửa. Cụ thể AmCham cho biết để được dán nhãn năng lượng và chứng nhận tiêu thụ hiệu suất năng lượng tối thiểu, các nhà sản xuất hay các công ty nhập khẩu phải có mẫu hàng hóa được kiểm tra bởi đơn vị do Bộ Công Thương chỉ định. Việc kiểm tra có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng, phụ thuộc vào các sản phẩm và khối lượng công việc của những đơn vị kiểm tra.
Trong hoàn cảnh hạn chế về số lượng và năng lực của các đơn vị kiểm tra thì yêu cầu mẫu hàng hóa phải được kiểm tra với từng lô hàng và kết quả kiểm tra chỉ sử dụng một lần đã gây ra tình trạng chậm trễ nghiêm trọng khi thông quan đối với các sản phẩm cần được dán nhãn năng lượng và áp dụng hiệu suất năng lượng tối thiểu. Trên thực tế, hàng nghìn sản phẩm vẫn phải thường xuyên tồn kho hàng tháng vì đợi kết quả kiểm tra, gây tốn phí đáng kể cho các nhà sản xuất và nhập khẩu.
AmCham cho rằng, hầu hết các hãng sản xuất thiết bị nổi tiếng trên toàn thế giới như Apple, Dells, Canon, Sony, HP, Samsung... đang áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về hiệu quả năng lượng. Sản phẩm của các hãng trên đều đã được kiểm tra bởi các đơn vị được thế giới công nhận, trước khi đưa ra thị trường. Do vậy, qui định buộc các sản phẩm này phải kiểm tra lại là không cần thiết và không phù hợp, đặc biệt là trong điều kiện hạn chế về năng lực và nguồn lực của các tổ chức kiểm nghiệm tại Việt Nam.
Cũng theo AmCham, hàng điện tử được sản xuất theo quy trình được kiểm soát chặt chẽ và chắc chắn không thể có sự khác nhau về các chỉ số hiệu suất năng lượng giữa các sản phẩm cùng loại. Do đó, kiểm tra mẫu hàng của từng lô hàng cùng sản phẩm là không cần thiết và gây ra sự chậm trễ đáng kể trong quá trình thông quan và làm tăng chi phí cho nhà sản xuất hoặc công ty nhập khẩu. AmCham cho rằng, đây là yêu cầu vô lý đang “biến” Việt Nam thành quốc gia đầu tiên và duy nhất trên thế giới yêu cầu kiểm tra đối với từng lô hàng.
Do đó, sự ra đời của Thông tư 36 được coi là sự “cởi trói” cho doanh nghiệp thực hiện dán nhãn năng lượng. Thông tư này quy định, trước khi đưa phương tiện, thiết bị ra thị trường, doanh nghiệp sản xuất nhập khẩu phương tiện, thiết bị đó phải lập 1 bộ hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng và gửi về Bộ Công Thương. Sau khi nộp hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng đến Bộ Công Thương doanh nghiệp được tự thực hiện việc dán nhãn năng lượng phù hợp với thông tin trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng cho sản phẩm đã đăng ký. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đối với các thông tin đã công bố trong Giấy công bố dán nhãn năng lượng và thông tin hiển thị trên nhãn năng lượng.
Thông tư 36 cũng cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).
Đây cũng là một điểm gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp trước đó. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, họ phải tiến hành thử nghiệm nhiều lần đối với cùng một model sản phẩm để đáp ứng yêu cầu về đăng ký chứng nhận nhãn năng lượng do quy định về chứng nhận dán nhãn năng lượng theo lô hàng hóa nhập khẩu, hiệu lực của phiếu thử nghiệm hiệu suất năng lượng chỉ kéo dài trong 6 tháng.
So với Thông tư 07 ban hành năm 2012, Thông tư số 36 ban hành ngày 28/12/2016 được sửa đổi như sau:
- Thay đổi phương thức chứng nhận cho phương tiện thiết bị, tạo thông thoáng cho doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục dán nhãn năng lượng: Áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.
- Cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm);
- Cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài. Không giới hạn về việc phải thử nghiệm dán nhãn năng lượng tại các tổ chức thử nghiệm độc lập.
- Bãi bỏ toàn bộ Chương II Thông tư số 07 quy định điều kiện, trình tự thủ tục chỉ định tổ chức thử nghiệm và công nhận kết quả thử nghiệm của các tổ chức thử nghiệm, đưa vào khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Thông tư 36 như sau:
“1. Tổ chức thử nghiệm dán nhãn năng lượng bao gồm các Tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài đáp ứng các điều kiện sau:
a) Tổ chức thử nghiệm trong nước là tổ chức thử nghiệm đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 5 Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp;
b) Tổ chức thử nghiệm tại nước ngoài là tổ chức thử nghiệm được công nhận theo Tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 (hoặc tương đương) bởi các tổ chức công nhận đã ký kết thoả ước thừa nhận lẫn nhau (ILAC hoặc APLAC).
2. Căn cứ để thử nghiệm, đánh giá hiệu suất năng lượng của phương tiện, thiết bị là các TCVN hoặc các quy định của Bộ Công Thương tương ứng.”
Như vậy, trình tự thủ tục chứng nhận tổ chức thử nghiệm trong nước sẽ được thực hiện theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP. Đối với các tổ chức thử nghiệm độc lập và các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất ở nước ngoài không cần đăng ký để được Bộ Công Thương chỉ định hay công nhận, thừa nhận. Các doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng cho sản phẩm hàng hóa nhập khẩu chỉ cần gửi hồ sơ, tài liệu chứng minh các phòng thử nghiệm nêu trên đáp ứng các điều kiện và gửi kèm cùng hồ sơ đăng ký dán nhãn năng lượng về Bộ Công Thương.
Bổ sung quy định về việc miễn trừ dán nhãn năng lượng đối với hàng hóa nhập khẩu phi thương mại, hàng hóa, phụ tùng thay thế, dự phòng nhập khẩu đơn chiếc phục vụ cho các công trình, dự án, nhà máy sản xuất; hàng hóa, vật tư thiết bị tạm nhập - tái xuất; hàng quá cảnh chuyển khẩu; hàng hóa doanh nghiệp trong nước sản xuất, gia công phục vụ xuất khẩu; hàng hóa thuộc lĩnh vực an ninh quốc phòng, bí mật quốc gia, an toàn bức xạ hạt nhân;
Bổ sung quy định về dán nhãn năng lượng điện tử, theo đó, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhãn năng lượng điện tử đối với các phương tiện, thiết bị phù hợp cho việc sử dụng nhãn năng lượng điện tử hoặc sử dụng nhãn năng lượng giấy thông thường.
Ứng dụng công nghệ thông tin, Internet tiếp nhận hồ sơ qua Cổng dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương online.moit.gov.vn, theo đó doanh nghiệp đăng ký dán nhãn năng lượng được lựa chọn hình thức gửi hồ sơ online, dịch vụ công ở mức độ 4 xử lý hoàn toàn trên mạng, hoặc gửi hồ sơ về Bộ Công Thương qua đường bưu điện.
Sau một tuần Thông tư 36 có hiệu lực, đa số doanh nghiệp bày tỏ sự đồng tình ủng hộ song vẫn có doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng về công tác hiệu kiểm. Họ cho rằng khâu kiểm soát hồ sơ rất quan trọng bởi nếu không cẩn thận, nguy cơ hàng nhái, hàng giả lợi dụng vào thị trường, gây thiệt hại cho người tiêu dùng rất có thể xảy ra.
Về vấn đề này, Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học - Công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng cục năng lượng - Bộ Công Thương) nhấn mạnh, sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý hậu kiểm sau khi doanh nghiệp tiến hành dán nhãn và lưu thông trên thị trường.
Gia Minh
Bộ Công Thương
-
EVNHANOI cảnh báo khách hàng cảnh giác với cuộc gọi mạo danh để lừa đảo
-
Hoàn thành cấp điện tái thiết cho khu dân cư thôn Kho Vàng, Nậm Tông
-
Kịch bản cung ứng điện năm 2025
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng