Định hình lại ngành công nghiệp điện tử
Nhân chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc vừa qua, có 3 biên bản ghi nhớ liên quan đến vấn đề đảm bảo nguồn cung vật liệu cơ bản trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có sự tham gia của Việt Nam.
Trao đổi với DĐDN, bà Đỗ Thị Thuý Hương - Phó Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho biết, đảm bảo an toàn chuỗi ứng toàn cầu đang là chủ đề nóng, mang tính thiết yếu của các quốc gia. Chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại theo xu hướng dịch chuyển nguồn cung sang thị trường thứ 3 để giảm phụ thuộc, không bị đứt gãy.
- Điện tử là một trong những lĩnh vực thu hút các dự án đầu tư tốt trong làn sóng chuyển dịch. Đây cũng là cơ hội để nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, thưa bà?
Nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 cùng với sự ổn định, phát triển của nền kinh tế, Việt Nam được các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đánh giá là điểm đến an toàn trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng. Hiệp hội doanh nghiệp điện tử đã tiếp đón nhiều tập đoàn công nghệ lớn đầu chuỗi có mong muốn thiết lập chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, hầu như tháng nào Hiệp hội cũng có hoạt động kết nối doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đầu chuỗi. Trong quý 3/2022, Hiệp hội đã kết nối các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Đài Loan nằm trong chuỗi cung ứng của tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới với các doanh nghiệp Việt.
Đến nay, hơn một nửa trong tổng số 20 công ty điện tử công nghệ thông tin lớn nhất thế giới đã có mặt và đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Con số này chưa dừng lại khi một số tập đoàn lớn của thế giới như Boeing có dự định thiết lập hệ sinh thái chuỗi cung ứng của Boeing toàn cầu tại Việt Nam.
Đây là cơ hội đầy hứa hẹn mở ra không gian phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ điện tử và linh kiện của Việt Nam dựa trên sự dịch chuyển chuỗi cung ứng. Tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu cũng góp phần gia tăng giá trị nội địa nhiều, tăng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Doanh nghiệp Việt đã có bước tiến xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia. (Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam khảo sát công ty nhựa An Lập. Ảnh: Samsung VN) |
- Để trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe. Bà đánh giá như thế nào về năng lực của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ điện tử Việt Nam?
Những năm gần đây, các doanh nghiệp hỗ trợ trong ngành đã “lớn” nhanh và có bước tiến xa trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản với hàm lượng công nghệ đóng góp ngày càng nhiều hơn, cung ứng các thiết bị điện tử có độ tinh xảo, chính xác cao.
Tại các khu công nghiệp lớn đều có doanh nghiệp hỗ trợ điện tử là nhà cung cấp cho cho các tập đoàn đa quốc gia. Trong đó nhiều doanh nghiệp là nhà cung cấp lớp 1. Tỷ trọng doanh nghiệp SME có quy mô từ 50-100 lao động tham gia chuỗi chiếm 43%, doanh nghiệp có từ 100 - 200 lao động là 26% doanh nghiệp. Được công nhận là nhà cung ứng của chuỗi, trải qua những quá trình kiểm tra đánh giá ngặt nghèo, doanh nghiệp Việt đã mang giá trị toàn cầu, có trình độ sản xuất và quản lý cạnh tranh bình đẳng với các nhà cung ứng trên thế giới.
Tuy nhiên, thách thức ở phía trước cũng khá nhiều. Điện tử là ngành có hàm lượng công nghệ cao, có khả năng ứng dụng thành tựu công nghệ mới nhất nên doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ tụt hậu rất nhanh. Các doanh nghiệp Việt phần lớn là SME, chưa đủ nguồn lực về tài chính nhân lực để tiếp nhận công nghệ mới. Các tập đoàn hiện cần nguồn nhân lực có tay nghề nhưng Việt Nam lại đang thiếu. Thêm nữa, những thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, khai thác không bền vững thiên nhiên hay thiếu vật liệu linh kiện...
- Những vướng mắc về chính sách đang khiến doanh nghiệp hỗ trợ khó tiếp cận với các ưu đãi. Bà có thể chia sẻ thêm về những bất cập này?
Hiện nay chính sách ưu đãi doanh nghiệp hỗ trợ gần như doanh nghiệp FDI đáp ứng tiêu chí nhanh hơn các doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp Việt có đặc thù là tổ chức sản xuất kinh doanh đa ngành, trong đó có mảng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, chính sách ưu đãi yêu cầu doanh nghiệp chỉ sản xuất sản phẩm hỗ trợ mới được thụ hưởng nên gần như doanh nghiệp Việt không thể đáp ứng được. Bất cập này, Hiệp hội đã kiến nghị xây dựng Luật Công nghiệp hỗ trợ cần sửa đổi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, chính sách không thể theo kịp sự thay đổi của công nghệ, thói quen và phương thức tiêu dùng làm cho doanh nghiệp Việt thua thiệt hơn trong cạnh tranh với doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp ngành điện tử có nhu cầu vay vốn ngân hàng gặp khó khăn vì luôn bị hỏi về đất đai, tài sản thế chấp mới được giải quyết. Trong khi tài sản lớn nhất của doanh nghiệp là nguồn nhân lực, chất xám, công nghệ lại bị bỏ qua.
Cùng với sửa đổi bất cập trong chính sách, Hiệp hội mong muốn Chính phủ tập trung đầu tư vào các công ty hàng đầu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ để hình thành chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp Việt. Đặc biệt tập trung trong lĩnh vực sản xuất, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghệ trung và cao trong lĩnh vực điện tử. Có chiến lược thu hút FDI có chọn lọc để các FDI có sức lan toả, thu hút nhiều doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng.
- Trân trọng cảm ơn bà!
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
-
Phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh mới
-
Cần có cơ chế, giải pháp đúng để ngành công nghiệp hỗ trợ bắt kịp các nước
-
Báo ngoại nói về vị thế "mắt xích quan trọng" của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu
-
Việt Nam sẽ trở thành địa điểm đầu tư lý tưởng, an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu
-
FTA - Chiến lược thị trường hiệu quả
-
[Infographic] Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm
-
Lo ngại bị đối xử thiếu bình đẳng trong dự thảo quy định hoàn thuế GTGT
-
Giá vàng hôm nay (25/10): Tăng trở lại
-
Giá dầu hôm nay (25/10): Dầu thô tăng trong phiên
-
Bản tin Năng lượng Quốc tế 25/10: Nhiều nhà máy lọc dầu ở California cân nhắc đóng cửa