Điện mặt trời - Tăng tốc về đích
Kỷ lục về đóng điện
Theo ông Nguyễn Đức Ninh, Phó giám đốc A0, với cơ chế khuyến khích ưu đãi về giá của Chính phủ, rất nhiều nhà đầu tư đang “tăng tốc” để nhanh chóng “về đích” được cấp chứng nhận vận hành thương mại (COD) trước ngày 30/6/2019. Theo kế hoạch, có 88 nhà máy điện mặt trời đóng điện chỉ trong các tháng 4, 5 và 6/2019.
Hệ thống năng lượng mặt trời tại Nhà máy Điện An Bình (Lý Sơn, Quảng Ngãi) |
Trong 65 năm phát triển của ngành điện, chỉ có tổng số 147 nhà máy điện mặt trời có công suất đặt từ 30 MW trở lên đã hòa lưới và vận hành thương mại. Nhưng chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng 4, 5 và 6 của năm 2019 sẽ đóng điện hòa lưới tới 88 nhà máy điện mặt trời mới nếu đủ điều kiện vận hành theo quy định. Đây là một kỷ lục trong lịch sử ngành điện lực Việt Nam - ông Nguyễn Đức Ninh cho hay.
Đến ngày 17/5, A0 đã đóng điện 27 nhà máy điện mặt trời, với tổng công suất gần 1.500 MW. Tới ngày 30/6, A0 sẽ tiếp tục đóng điện 61 nhà máy điện mặt trời còn lại. Kéo theo đó là khối lượng công việc khổng lồ tại các cấp điều độ, khi phải đóng điện trung bình 10 nhà máy/tuần.
Để đáp ứng khối lượng công việc mang tính “lịch sử” này, A0 đã thành lập tổ công tác đóng điện mặt trời để phối hợp chỉ huy thống nhất, liên tục trong toàn hệ thống điều độ điện quốc gia. A0 đã huy động nhân lực thực hiện 3 ca, 5 kíp, làm việc không kể cuối tuần, ngày lễ; điều chuyển nhân lực để hỗ trợ các bộ phận có khối lượng công việc tăng cao tại miền Nam và miền Trung.
“Chúng tôi cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện và đưa vào sử dụng website phục vụ công tác đàm phán, ký kết các thỏa thuận kỹ thuật và hợp đồng mua bán điện tại địa chỉ: //ppa.evn.com.vn, qua đó công khai quy trình thực hiện, rút ngắn thời gian nộp và xử lý hồ sơ tại EVN và các doanh nghiệp” - ông Nguyễn Đức Ninh cho biết.
Đặc biệt, EVN và A0 chủ động liên hệ, hướng dẫn các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời phối hợp cung cấp các tài liệu phục vụ đóng điện, thử nghiệm. Mỗi ngày, A0 phải tiếp nhận, trao đổi khoảng 5.000 - 6.000 tin nhắn với các chủ đầu tư, liên tục từ 6 giờ sáng tới 12 giờ đêm.
Theo ông Nguyễn Đức Ninh, thực tế, việc đóng điện, nghiệm thu, công nhận COD các nhà máy điện mặt trời gặp không ít khó khăn, do nhiều quy định, căn cứ pháp lý chưa cập nhật, theo kịp với tốc độ thực tế phát triển các dự án điện mặt trời đang diễn ra quá nhanh.
Thách thức trong vận hành
Với nhu cầu điện tăng khoảng 10%/năm, Việt Nam cần bổ sung khoảng 3.500 - 4.000 MW công suất nguồn điện mới mỗi năm. Tuy nhiên, trong 2 năm tới, sẽ chỉ có khoảng 2.000 - 2.500 MW nguồn điện truyền thống và khoảng 4.000 MW năng lượng tái tạo với tính chất không ổn định được bổ sung vào hệ thống điện quốc gia. Thực tế này gây không ít khó khăn trong việc vận hành hệ thống điện để cân đối cung - cầu, bảo đảm an ninh năng lượng.
Việc đóng điện hàng loạt nhà máy điện mặt trời, với đa số các nhà máy tập trung ở khu vực miền Nam, sẽ góp phần bổ sung nguồn điện, giảm bớt sự thiếu hụt về năng lượng ở miền Nam. Tuy nhiên, công tác vận hành hệ thống điện toàn quốc sẽ phải đối mặt với những thách thức mới, do tỉ trọng năng lượng tái tạo tăng cao nhưng lại có đặc tính không ổn định.
Thống kê của A0 về các dự án điện mặt trời đã vận hành, công suất phát có thể thay đổi từ 60 - 80% trong khoảng thời gian chỉ 5 - 10 phút. Các biến động xảy ra ngẫu nhiên theo điều kiện thời tiết. Các dự án trong cùng một khu vực thường biến động đồng thời. Trong khi đó, đặc điểm vận hành hệ thống điện là luôn phải duy trì cân bằng giữa nguồn và tải. Với sự biến thiên công suất như vậy, hệ thống điện luôn cần phải duy trì một lượng công suất dự phòng điều chỉnh tần số tương ứng, gây khó khăn và tăng chi chí trong công tác vận hành. Đây là thách thức lớn, trong bối cảnh hệ thống điện Việt Nam còn rất ít nguồn dự phòng.
Bên cạnh đó, công suất năng lượng tái tạo không điều độ được, không thể huy động khi cần cho thời gian cao điểm phụ tải. Nguồn điện mặt trời có cao điểm phát trong khoảng 12 - 13 giờ trưa, không trùng với cao điểm phụ tải hệ thống điện (10 giờ sáng và 14 giờ chiều).
Một vấn đề nữa là các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung tại 6 tỉnh ở miền Trung, miền Nam, gây áp lực rất lớn cho khả năng tải lượng điện phát ra từ điện mặt trời lên lưới. Nhiều công trình lưới điện đấu nối lưới điện khu vực rơi vào tình trạng đầy, quá tải.
Trước tình trạng đó, Phó tổng giám đốc EVN Ngô Sơn Hải cho biết, EVN đã đề xuất với Chính phủ bổ sung phát triển các dự án lưới điện, đồng thời đôn đốc các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ, thi công các công trình lưới điện liên quan, góp phần giải tỏa công suất các nhà máy điện mặt trời.
EVN cũng đã chỉ đạo A0 nghiên cứu, đề xuất các phương án vận hành tối ưu, linh hoạt trọng việc huy động các nguồn điện, bảo đảm vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, ổn định.
Trong 65 năm phát triển của ngành điện, chỉ có tổng số 147 nhà máy điện mặt trời có công suất đặt từ 30 MW trở lên đã hòa lưới và vận hành thương mại. Nhưng chỉ trong vỏn vẹn 3 tháng 4, 5 và 6 của năm 2019 sẽ đóng điện hòa lưới tới 88 nhà máy điện mặt trời mới. |
Nguyễn Hạnh
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
[PetroTimesMedia] Thành phố Biển Đỏ: Dự án lưới điện vi mô điện mặt trời lớn nhất thế giới
-
Cần cơ chế, chính sách cho điện mặt trời mái nhà “tự sản, tự tiêu”
-
Bộ trưởng Bộ Công Thương lý giải về việc điều hành giá điện còn bất cập
-
Kịch bản cung ứng điện năm 2025
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo