Dịch bệnh bủa vây các thị trường nhưng ngành gỗ xuất khẩu vẫn đạt gần 9 tỷ USD
Trong 9 tháng năm 2020, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản đã có nhiều biến động, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, chế biến và giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản.
Bên cạnh dịch bệnh Covid-19 đã tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh ngành chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản nhất là tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU khiến các thị trường xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng thì các vụ việc cạnh tranh thương mại cũng được xem là những cản trở đối với sự tăng trưởng của ngành gỗ.
Dịch bệnh bủa vây các thị trường nhưng ngành gỗ xuất khẩu vẫn đạt gần 9 tỷ USD |
Cụ thể, Bộ Thương mại (DOC) Hoa Kỳ đã quyết định khởi xướng điều tra, gửi bản câu hỏi khảo sát về số lượng và giá trị xuất khẩu ván dán sang Hoa Kỳ cho 55 doanh nghiệp Việt Nam và yêu cầu các doanh nghiệp hoàn thành và gửi câu trả lời về DOC trước ngày 24/9/2020. Sau ngày 24/9/2020, DOC sẽ lựa chọn doanh nghiệp điều tra bắt buộc và tiến hành điều tra sơ bộ. Một vụ việc khác liên quan cạnh tranh thương mại đó là Hàn Quốc áp thuế chống bán phá giá tạm thời với ván dán của Việt Nam.
Nhiều khó khăn dồn dập, tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản 15 ngày đầu tháng 9/2020 đạt 565,6 triệu USD, ước tháng 9 đạt 1,131 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ 2019. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ước đạt 8,97 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2019, trong đó: gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,38 tỷ USD, tăng 11,2 so với cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu gỗ chính của Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc.
Trước đó, trong tháng 6 và tháng 7, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ được ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt. Theo con số thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 6/2020 đạt 946,9 triệu USD, tăng 15,6% so với tháng 6/2019. Trong đó xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 769 triệu USD, tăng 29,8%. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 7/2020 đạt 1,05 tỷ USD, tăng tới 20,7% so với tháng 7/2019.
Nguyên nhân khiến ngành gỗ trụ vững trước bối cảnh khó khăn chung của hầu hết các ngành hàng trong bối cảnh dịch bệnh được giải thích là do dịch bệnh Covid-19 đã khiến cho sản xuất gỗ ở Trung Quốc (nước xuất khẩu lớn nhất thế giới) bị gián đoạn. Một số nước chế biến gỗ quan trọng ở châu Âu như Đức, Ý… cũng bị gián đoạn sản xuất do dịch bệnh. Trong khi đó, ngành gỗ Việt Nam tuy bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng hầu như không bị gián đoạn về sản xuất, không nhà máy nào bị phong tỏa vì có ca nhiễm bệnh. Vì vậy, ngành gỗ Việt Nam không những vẫn duy trì được năng lực xuất khẩu mà còn có thể lấp được vào chỗ trống do ngành gỗ ở nhiều nước bị gián đoạn sản xuất.
Từ nay đến cuối năm, để ngành xuất khẩu gỗ đạt được mục tiêu xuất khẩu 12,5-13 tỷ USD năm 2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho hay, Bộ sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ, xem xét những vấn đề về cơ chế chính sách và hài hòa hóa các quy định và thông lệ quốc tế để ngành gỗ phát triển bền vững hơn. Đồng thời, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, góp phần ý nghĩa vào việc phát triển kinh tế xã hội chung của cả nước.
Đối với các vụ việc cạnh tranh thương mại, Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương để hướng dẫn và kịp thời can thiệp theo thẩm quyền với phía bạn; phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội gỗ và lâm sản cùng chung tay với các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị, có giải pháp ứng phó hiệu quả trong việc theo đuổi xử kiện thương mại của DOC, đảm bảo quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đức Minh
-
Tin tức kinh tế ngày 20/11: Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp