Để DNNN xứng đáng là huyết mạch, là xương sống của nền kinh tế
Theo TS. Nguyễn Quốc Ngữ, Phó Vụ trưởng, Vụ Kinh tế, Văn phòng Trung ương Đảng thì, trong những năm qua, mặc dù DNNN giảm về số lượng và giảm phần tài trợ của Nhà nước, nhưng trong nhiều ngành, lĩnh vực quan trọng thì mạnh lên, quy mô vốn tăng, cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng nòng cốt, có vị trí then chốt, làm công cụ vật chất để Nhà nước định hướng và điều tiết vĩ mô nền kinh tế, bảo đảm hầu hết yêu cầu sản phẩm và dịch vụ công ích, các điều kiện giao thông, cáp điện, nước, thông tin, các vật tư hàng hóa cho xuất khẩu và thị trường trong nước, đóng góp cho ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế và tạo nền tảng cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.
Đặc biệt, DNNN luôn chiếm tỉ lệ khá cao về xuất nhập khẩu. Tốc độ tăng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân hằng năm 20%. DNNN là đầu mối xuất khẩu hầu hết các mặt hàng quan trọng như dầu thô, than, gạo, cao su, thủy sản, hàng may mặc,… Đồng thời, chiếm trên 98% tổng số dự án liên doanh với nước ngoài, góp phần tạo ra nguồn ngân sách đáng kể từ khu vực này.
Ngoài ra, các DNNN cũng đóng vai trò chủ lực trong việc thực hiện các chính sách xã hội và ổn định chính trị – xã hội, định hướng công bằng, văn minh, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội về việc làm, thực hiện chế độ bảo hiểm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo,…
Tuy nhiên, theo PGS. TS Nguyễn Đắc Hưng, bên cạnh những đóng góp của các DNNN thì vài năm trở lại đây đã bộc lộ nhiều mặt hạn chế trong công tác quản lý cũng như hoạt động của DNNN khiến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có dấu hiệu suy giảm, gây tổn thất cho nền kinh tế.
Và để từng bước tháo gỡ những hạn chế trên, để DNNN xứng đáng là xương sống, là huyết mạnh của nền kinh tế, PGS. TS Nguyễn Đắc Hưng cho rằng:
Thứ nhất, vấn đề đầu tiên trong tái cơ cấu các DNNN là phải tăng cường và nâng cao hiệu quả, nâng cao trách nhiệm của thanh tra chuyên ngành trực thuộc các bộ chuyên ngành, cũng như thanh tra tài chính. Đồng thời cần làm rõ chức năng quản lý nhà nước của bộ chuyên ngành với chức năng quản lý vốn và tài sản của DNNN thuộc Bộ tài chính.
Ngoài ra, các DNNN cần phải chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại chính bản thân mình, các bộ chủ quản, bộ chuyên ngành xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty thuộc lĩnh vực mình phụ trách, quản lý nhà nước.
Thứ hai, công tác quản lý, điều hành của nhiều tập đoàn kinh tế, tổng công ty còn có sự hạn chế, chậm thay đổi. Trong quản trị doanh nghiệp còn mang tính chủ quan, duy ý chí, quan liêu, ít nhiều có tâm lý dựa vào “ nhà nước”…, do đó tính cấp bách là cơ cấu lại quản trị điều hành các tập đoàn, tổng công ty, cần nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành, thay đổi lãnh đạo, cần thiết thuê chuyên gia nước ngoài trong một số lĩnh vực.
Thứ ba, hiệu quả hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty chưa tương xứng với quy mô đầu tư vốn của Nhà nước, do đó, nội dung và giải pháp quan trọng trong cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNNN là nâng cao hiệu quả đầu tư vốn của nhà nước, hoàn thành dứt điểm, đúng tiến độ các dự án đầu tư, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể để dự án kéo dài, lãng phí và chậm đưa khai thác, sử dụng.
Thứ tư, tình trạng đầu tư ngoài ngành, đầu tư dàn trải đã dẫn tới hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở một số doanh nghiệp cao, ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp. Bởi vậy cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, nâng cao trách nhiệm trong việc huy động vốn và sử dụng có hiệu qua vốn đầu tư, chấm dứt việc thành lập nhiều công ty con, hạn chế tới mức thấp nhất việc thành lập các công ty liên kết, chỉ thành lập các công ty dạng này khi thực hiện các dự án, hợp đồng thuộc nhiệm vụ chức năng chính hay có liên quan trực tiếp đến chức năng chính.
Thứ năm, tình trạng đầu tư một khối lượng vốn ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính xẩy ra rất phổ biến và ở mức độ lớn, song kém hiệu quả. Một số tập đoàn, tổng công ty trong những năm vừa qua tham gia góp vốn vào ngân hàng thương mại cổ phần, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản với số tiền khá lớn. Cụ thể, tính đến cuối năm 2010, các DNNN đã đầu tư ra ngoài ngành ở 5 lĩnh vực với tổng vốn 21.814 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán 3.576 tỉ đồng; lĩnh vực bảo hiểm 2.236 tỉ đồng; bất động sản 5.379 tỉ đồng; các quỹ đầu tư 495 tỉ đồng; lĩnh vực ngân hàng 10.128 tỉ đồng.
Nếu chiếu theo kế hoặch của Chính phủ đến 31-12-2015 sẽ hoàn thành việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN thì trong 5 năm tới không biết các DNNN có thu hồi đủ gốc số vốn nói trên hay không khi mà ngay cả các công ty chứng khoán, công ty bất động sản đang thu lỗ, các NHTM cũng phải thực hiện cơ cấu lại…Bởi vậy một nội dung, hay giải pháp quan trọng trong cơ cấu lại các DNNN là yêu cầu các đơn vị này có lộ trình rõ ràng, chặt chẽ, thực hiện nghiêm và đúng kế hoạch việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.
Thứ sáu, riêng với lĩnh vực xăng dầu, cần phải hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành giá xăng dầu và Quỹ bình ổn giá. Cần phải tiến hành đánh giá, sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định 84 và cơ chế trích lập, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, tập trung vào nội dung cơ bản là xem xét sửa đổi chu kỳ tính giá cơ sở 10 ngày phù hợp với tần suất điều chỉnh giá (thay cho 30 ngày như hiện nay); xem xét loại tỷ lệ hoa hồng của Petrolimex chi cho các đại lý bán lẻ xăng dầu.
Thứ bảy, đối với ngành điện, phải có phương án tổng thể về giá điện và giải quyết dứt điểm tình trạng thua lỗ của Tập đoàn điện lực Việt Nam, cần thiết phải làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc đầu tư ngoài ngành gây ra tình trạng thua lỗ, mất vốn của EVN.
Thứ tám, cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế, ổn định tỷ giá. Bởi vì hai yếu tố này có liên quan, chặt chẽ rất lớn đến hiệu quả kinh doanh của các DNNN nói riêng và các doanh nghiệp nói chung. Chính sách cần phải được linh hoạt, cần phải xem mức độ tác động của công cụ lãi suất trong kiềm chế lạm phát, cũng như tác động hai chiều trong điều chỉnh tỷ giá. Nói cách khác, chính sách tài chính – tiền tệ có liên quan chặt chẽ đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.
Thanh Ngọc