Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đâu là từ nguyên của "Mồ côi"?

08:00 | 15/12/2014

|
Bạn đọc: Nhân chuyện “bù nhìn // mù nhìn” trên Báo Năng lượng Mới số 374 và 380, tôi xin nêu thắc mắc của tôi về một trường hợp được nhắc đến là “mồ côi // bồ côi”. Xin ông An Chi cho biết đâu là từ nguyên của hai tiếng “mồ côi”? (Tôi cho đây mới là từ chuẩn). Và của “cút” trong “côi cút”. Xin cảm ơn ông. Nguyễn Tấn Trọng (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Năng lượng Mới số 382

Học giả An Chi: Cách đây ngoài 60 năm, có một tác giả đã giảng rằng “mồ côi” là “(trẻ) đã mất mẹ” còn “bồ côi” là “(trẻ) đã mất cha”. Thực ra thì vào thời điểm đó (giữa thập niên 50 của thế kỷ trước), người ta cũng phải phân biệt hình thức chuẩn với hình thức không chuẩn, cũng như tiếng toàn dân với tiếng địa phương. Và hình thức chuẩn, dùng một cách phổ biến là “mồ côi”. Ngay từ năm 1887, trong Petit dictionnaire français - annamite, Trương-Vĩnh-Ký cũng đã đối dịch “orphelin” là “mồ côi”. Sau đó ít lâu, trong Đại Nam quấc âm tự vị (Sài Gòn, 1895-1896), Huình-Tịnh Paulus Của cũng chỉ gi nhận “mồ côi” và cho thí dụ “ Mồ côi cha, níu chân chú; mồ côi mẹ, tríu vú dì”. Trước đó hơn một thế kỷ, trong Tự vị Annam Latinh (Dictionarium Anamitico Latinum [1772-1773]), Pierre Pigneaux de Béhaine cũng chỉ ghi nhận “mồ côi”. Không có “bồ côi”. Lý do: Đây chỉ là một biến thể địa phương, thậm chí thổ ngữ nữa. Vậy hình thức chuẩn và phổ biến chính và chỉ là “mồ côi”. Và nếu lời giảng của tác giả kia mà đúng thì ta chỉ có trẻ… mồ côi mẹ mà thôi. Rất tiếc rằng Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức (Hà Nội, 1932) lại lấy “bồ côi” làm hình thức chính. Thực ra thì ngay từ giữa thế kỷ XVII, người Đàng Ngoài (nửa phía bắc của Đại Việt) cũng chỉ nói “mồ côi”. Bằng chứng là Từ điển Việt Bồ La của A. de Rhodes (Roma, 1651) cũng chỉ ghi nhận “mồ côi” (mà không có “bồ côi”). “Bồ côi” có lẽ chỉ là một đơn vị từ vựng của thổ ngữ đã được từ điển Khai trí Tiến đức nâng cấp thành hình thức chính do áp lực và loại suy từ nhiều đơn vị song tiết mà âm tiết đầu là “bồ”. Đây là một điều bất hợp lý. Về phương diện chuẩn hóa từ ngữ, đây thực chất là một sự đi ngược trào lưu. Từ lâu, chính người Hà Nội cũng đã bỏ “bồ côi” mà dùng “mồ côi”.

“Mồ côi” là một từ tổ bắt nguồn ở hai tiếng Hán ghi bằng hai chữ [無辜], mà âm Hán Việt thông dụng hiện nay là “vô cô”, nghĩa là “không phạm tội” (Chữ “cô” [辜] có nghĩa là tội). Ở đây, “mồ” là âm xưa của “vô”, như đã có bàn đến trong bài “Trở lại với từ nguyên của BÙ NHÌN” (Năng lượng Mới số 374) và bài “Từ nguyên của BÙ NHÌN là chuyện còn dài” (Năng lượng Mới số 380&381). Còn “cút” trong “côi cút” cũng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [孑], mà âm Hán Việt thông dụng hiện đại là “kiết”, có nghĩa là một minh, cô đơn. (Đây không phải chữ “tử” [子] vì nét thứ ba là nét “hất” chứ không phải nét “ngang”). “Côi cút” cũng là một cấu trúc đẳng lập, bắt nguồn ở hai từ ghi bằng hai chữ [孤孑], mà âm Hán Việt hiện đại là “cô kiết”, có nghĩa là cô độc, cô đơn. Thơ Bạch Cư Dị (bài “Cô phụ khổ”)  có câu: “Phụ nhân nhất táng phu - Chung thân thủ cô kiết” (Đàn bà hễ mất chồng - Đành suốt đời cô quạnh).

Nhưng tại sao xuất phát từ nghĩa gốc là “không phạm tội” mà bây giờ “mồ côi” (< “vô cô”) lại có nghĩa là “(trẻ) mất cha, hoặc mẹ hoặc cả hai”? Thì cũng là xuất phát từ hiện tượng đan xen hình thức và lây nghĩa do từ nguyên dân gian gây ra, mà chúng tôi từng nói đến tại chuyên mục này, đặc biệt là trong bài “Lại nói về sự đan xen hình thức và sự lây nghĩa” (Năng lượng mới số 370). Trong tiếng Việt thì, với nghĩa “tội”, “côi” (< “cô” [辜]) là một từ không thông dụng bằng chính chữ “tội” nên nó dần dần mờ nghĩa rồi mất nghĩa. Trong khi đó thì “côi” trong “côi cút” lại là một chữ thường dùng hơn nên từ nguyên dân gian mới đưa nó vào “mồ côi” mà trám cho chữ “côi” là “tội”. Và ta có một cấu trúc mới là “mồ [côi] + côi [cút]” và sự đan xen  này đã làm cho “mồ côi” vốn có nghĩa là “không phạm tội” bị “côi” của “côi cút” lây nghĩa. Chữ “mồ” vốn có nghĩa là “không” cũng dần dần trở thành một từ cổ mà nghĩa không còn được biết đến và bị thay thế bằng “vô” là âm xuất hiện sau nó. Thế là, vô hình trung, trong cấu trúc “mồ côi” mới “pha chế” này, ta có chữ “mồ” vô nghĩa và chữ “côi” là cô đơn. Thành ra, cứ theo cấu tạo thì từ tổ “mồ côi” mới này chỉ một khái niệm mơ hồ về sự cô đơn, hiu quạnh trong tâm thức của người sử dụng ngôn ngữ rồi dần dần nó được đặc dụng để chỉ sự cô  đơn của những trẻ mất cha và/hoặc mẹ để được dùng cho đến tận ngày nay. Tóm lại, nghĩa hiện hành của “mồ côi” chỉ là nghĩa sự cố.

A.C