Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Đạo đức giáo viên: Báo động SOS!

15:58 | 18/10/2011

1,349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đạo đức của giáo viên hiện nay đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng không phủ nhận điều này. Tuy nhiên, ông cho rằng, trong bối cảnh chung của xã hội hiện nay, ngành Giáo dục cũng không thể tránh khỏi tiêu cực như bao ngành nghề khác.

Ngoại tình với phụ huynh học sinh

Có ai ngờ rằng “hủ hóa”, một hành vi vốn chỉ xảy ra ở môi trường xã hội phức tạp, giờ cũng xuất hiện trong môi trường giáo dục. Giáo viên quan hệ với học sinh như vụ Sầm Đức Xương. Song giáo viên còn quan hệ với cả phụ huynh. Đó là vụ việc của cô Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường tiểu học (TH) Ngô Quyền, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

Trong lá đơn trình bày mà Đảng ủy phường Tân An, nơi Trường TH Ngô Quyền tọa lạc và Phòng Giáo dục quận Ninh Kiều nhận được từ bà Lê Thị Phương Mai, phụ huynh của một học sinh trong trường viết: “Khi con tôi vào học tại Trường TH Ngô Quyền, chồng tôi được bầu làm Chủ tịch Hội Cha mẹ học sinh. Từ đó, do công việc cần trao đổi nên giữa chồng tôi và cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Anh Đào thường xuyên liên lạc với nhau và phát sinh tình cảm. Giữa năm 2008, tôi phát hiện được mối quan hệ này và đã nhiều lần gặp cô hiệu trưởng để đề nghị chấm dứt quan hệ bất chính trên…”.

Tưởng rằng sự việc bị phát giác như vậy sẽ khiến người đứng đầu của một trường TH, Bí thư Chi bộ như cô Đào thấy xấu hổ để chấm dứt mối quan hệ bất chính của mình. Nhưng đến năm 2010 mối quan hệ này vẫn kéo dài để đến nỗi bà Mai phải gửi đơn kiện tới các cấp cơ quan cao hơn. Mặc dù trước đó, đã nhiều lần cô hiệu trưởng hứa trước mặt bà và cả con trai bà sẽ chấm dứt mối quan hệ sai trái đồng thời xin bà bỏ qua.

Sầm Đức Xương tại tòa

Trong buổi làm việc với Phòng Giáo dục quận Ninh Kiều, UBND phường Tân An, chồng bà Mai cũng đã thừa nhận việc này và ngay cô Hiệu trưởng Anh Đào trong biên bản làm việc với Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy phường Tân An và Chi bộ Trường Ngô Quyền, cũng thừa nhận: “…Đồng chí Nguyễn Thị Anh Đào đã nhìn nhận thiếu sót, kiểm điểm và đã chấm dứt quan hệ tình cảm với Chủ tịch Hội Cha mẹ học sinh của trường…”.

Tháng 4 vừa qua, cô Đào đã phải chịu hình thức kỷ luật thôi giữ chức vụ hiệu trưởng và chuyển sang làm việc tại cơ quan khác. Hành động của cô Đào có thể nói là đánh cắp tình yêu của một người chồng với người vợ, người cha đối với con, làm tổn thương, gây “dư chấn” tâm lý cho chính cậu học sinh nhỏ của mình. Nhận định như ông Trần Việt Trường, Bí thư Quận ủy Ninh Kiều rất chính xác: “Vì là một giáo viên, hơn nữa lại là hiệu trưởng, cô Đào đã tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng đến uy tín, thể diện của ngành Giáo dục cần phải chịu hình thức kỷ luật nghiêm khắc”.

Ăn bớt của… trẻ

Có thể nói đó là hành động đáng xấu hổ của người lớn đối với trẻ em. Thế mà, trong môi trường giáo dục hiện nay đã xảy chuyện này, mà không phải ít. Thậm chí chính những người “trong cuộc” công khai chứ không phải người “ngoại đạo”. Mới đây, ông Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng Trường trung học dân lập Lômônôxốp, Hà Nội đã gửi đơn thư cho báo giới để tố cáo Hội đồng quản trị nhà trường thường xuyên duyệt chi tiền mua thực phẩm phục vụ bữa ăn bán trú của học sinh cao gấp hàng trăm lần so với giá thực tế. Ông Dũng có đầy đủ chứng từ chứng minh cho điều này.

Chẳng hạn, trong bảng so sánh duyệt mua thực phẩm và giá thị trường do ông Dũng lập năm học 2008-2009 cho thấy, giá các loại rau đều tăng so với thực tế thấp nhất là 125%, cao nhất là 400%. Đùi gà công nghiệp, được “đẩy” cao hơn tới 180% so với giá gốc… Đến năm học 2009-2010, khi không tự tổ chức nấu ăn nữa, Hội đồng quản trị của trường thuê một công ty cung cấp suất ăn cho các em thì số tiền của một suất ăn này không những đã tăng lên đến hàng chục nghìn đồng/suất mà chất lượng bữa ăn quá thấp đến nỗi Ban Giám hiệu của trường phải đấu tranh để nhà bếp của trường hoạt động trở lại. Vậy, việc đẩy chi phí thực phẩm lên cao so với thực tế của Hội đồng quản trị Trường Lômônôxốp nhằm mục đích gì? Và số tiền thất thoát đó đang ở đâu?

Tương tự, cô giáo Đinh Hồng Phương, Phó chủ tịch Công đoàn Trường TH Quảng An, Tây Hồ đã cung cấp thông tin cho báo giới rằng, tháng 3 vừa rồi, Ban Thanh tra nhà trường đã phát hiện có sự chênh lệch giữa giá trị thực và đơn giá trong thực đơn, trung bình mỗi học sinh bị ăn bớt khoảng 500 đồng/bữa. Cô Phương cho biết thêm: “Tổng số học sinh bán trú của trường là 795 nhưng thực phẩm chỉ cấp đủ để chia cho khoảng 700 học sinh/ngày”. Chưa kể đến nhân viên nhà bếp phản ánh rằng, khi nhận thực phẩm nấu ăn cho học sinh, nhiều hôm thịt gà, thịt xay và cá bốc mùi, dầu để nấu ăn cũng là dầu dùng lại…

Phải chăng, Trường Quảng An đang áp dụng biện pháp “tiết kiệm” tiền bằng cách mua “của rẻ của ôi” để phục vụ bữa ăn cho học sinh?

Đáng buồn là, có không ít trường hiện nay đang thực hiện hành vi rất đáng xấu hổ này. Không biết rằng khi họp phụ huynh học sinh, nếu đề cập đến vấn đề này, họ có muốn “độn thổ”?

"Nuốt” tiền cứu trợ của học sinh nghèo

Cuối năm 2010, UBND huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh đã ra quyết định cách chức bà Lê Thị Thành Hiệu trưởng Trường TH Cẩm Mỹ vì đã có hành vi ăn chặn tiền cứu trợ của học sinh. Có thể nói đây là vết nhơ mà muôn đời bà Lê Thị Thành không bao giờ gột rửa được. Bởi hành vi của bà thực sự thiếu nhân cách, làm ảnh hưởng đến thanh danh, thể diện không chỉ của bà mà còn làm vẩn đục cả môi trường giáo dục.

Hiệu trưởng Lê Thị Thành.

Sự việc xảy ra như sau: Sau đợt lũ quét vào cuối năm ngoái gây thiệt hại nặng nề cho huyện Cẩm Xuyên, trong đó có Trường TH Cẩm Mỹ mà lúc đó bà Thành làm Hiệu trưởng, một công ty dược ở Hà Nội đã chia sẻ, gánh vác khó khăn ấy khi lặn lội vào để tặng 40 suất tiền cứu trợ cho học sinh nghèo học giỏi của trường, mỗi suất 200 nghìn đồng. Vì trời mưa quá to, nên đoàn không thể tổ chức trao tặng cho 40 học sinh ấy mà chỉ tặng tượng trưng cho 5 em. Số còn lại đoàn nhờ nhà trường trao lại cho các em. Tuy nhiên, ngay sau khi đoàn cứu trợ về, bà Thành đã gọi 5 học sinh được nhận học bổng lên để thu lại toàn bộ số tiền mà các em đã được nhận và không một lời giải thích kèm theo.

Bà “bịt miệng” các em bằng cách tặng mỗi em 10 quyển vở lấy trong kho và giao cho phó hiệu trưởng phát cho 35 em còn lại với lời giải thích: “Đó là quà mới nhận của nhà tài trợ”. Đồng thời bà dùng số tiền tài trợ đó chi cho mỗi giáo viên 100 nghìn đồng để hỗ trợ may đồng phục khi có người thắc mắc về học bổng của các em. Đến khi bị phát hiện, không thể chối cãi, bà Thành đã phải chịu kỷ luật mức nặng nhất như đã nói.

Trước những sự việc trên đây, có thể nói đạo đức của giáo viên hiện nay đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam cũng không phủ nhận điều này. Tuy nhiên, ông cho rằng, trong bối cảnh chung của xã hội hiện nay, ngành Giáo dục cũng không thể tránh khỏi tiêu cực như bao ngành nghề khác.

Giáo sư, Viện sĩ Lâm Trí Viễn, người đã 70 năm trong nghề trồng người lại nhận định một cách khác cũng rất thuyết phục rằng, thầy giáo tốt hay dở trước hết do chính đạo đức của người ấy quyết định.

Giáo sư còn nhận định: “Làm thầy không phải là một việc dễ dàng vì người thầy phải luôn giữ được sự gương mẫu, mực thước trong cuộc sống”. Để chấm dứt hiện tượng suy thoái về đạo đức của giáo viên này, thì Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc cho rằng, phải xử lý thật nghiêm những trường hợp đánh mất đạo đức của nhà giáo. Đồng thời, trong các trường sư phạm hiện nay, phải chú trọng hơn nữa việc giáo dục đạo đức cho những người chuẩn bị đứng trên bục giảng.

Tú Anh