Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cuộc đời ám ảnh của viên cai ngục tàn bạo nhất nhà tù Phú Quốc

07:02 | 30/04/2015

39,002 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trần Văn Nhu (tức Bảy Nhu, SN 1926) là viên cai ngục nổi tiếng ác nhất ở Nhà lao Cây Dừa (đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Giai đoạn những năm 1967-1973, ông ta tra tấn tù binh Cộng sản một cách tàn bạo. Những ngày sau chiến tranh, Bảy Nhu trở lại với cuộc sống của một lão nông và khước từ mọi lời mời ra nước ngoài sinh sống. Cuộc sống của người nổi tiếng tàn ác trong suốt 40 năm qua như thế nào?

Tự mang “hình phạt không bản án”

Năm 1946, Bảy Nhu đi lính và phục vụ cho quân đội Pháp. Năm 1967, Trại tù binh Phú Quốc được thành lập, Bảy Nhu được điều ra đảo và ở đó cho đến khi nhà tù giải thể năm 1973. Ông ta lần lượt được thăng các cấp bậc và về sau giữ chức Giám thị trưởng Nhà lao Cây Dừa.

Thời gian ông làm cai ngục, Bảy Nhu cho áp dụng những đòn tra tấn tàn bạo để bẻ gãy ý chí của các tù binh Cộng sản bằng cách: Đục răng, dùng cây sắt nhổ dần từng chiếc răng, đập vỡ mắt cá chân, dùng giẻ tẩm dầu đốt dương vật, móc mắt hoặc dùng bóng điện lớn để gần mắt cho đến khi mắt bị nổ tung, luộc người trong chảo nước sôi, dùng kìm rút móng chân tay…

Ông Nguyễn Văn Nam. 

Trong hồ sơ của Trại tù binh Cộng sản Phú Quốc vẫn còn lưu giữ 24 ngón đòn tra tấn được các cai ngục thường xuyên sử dụng và phần nhiều được cho là do Bảy Nhu nghĩ ra. Bảy Nhu còn được cho là người chịu trách nhiệm về nhiều hành vi ngược đãi tù binh, đặc biệt là hành động ra lệnh bắn đạn cối vào trại tù binh.

Những chuyện về Bảy Nhu đến bây giờ vẫn còn là ẩn số đối với nhiều người. Viên cai ngục tàn ác đến như vậy, có nhiều cơ hội để được đi nước ngoài sinh sống nhưng ông ta đều khước từ tất cả. Ông đã quyết định ở lại Việt Nam đến những ngày cuối đời.

Để tìm hiểu về con người này, phóng viên Báo Năng lượng Mới đã tìm đến những người từng kề cận với Bảy Nhu.

 Ông Nguyễn Văn Nam (SN 1948, quê Phan Thiết, ngụ tổ 6, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc) từng làm lính Quân Cảnh ở Tiểu đoàn 5 Sài Gòn và đóng quân trên đường Lý Thái Tổ từ năm 1968. Đến năm 1971, ông Nam lên đường đến trại giam Phú Quốc theo mệnh lệnh. Cứ 9 tháng ở Sài Gòn và 3 tháng tiếp theo đến Phú Quốc. Những người lính phải ra đảo như ông Nam thuộc dạng bị “đì”.

Nói về trại giam Phú Quốc, ông Nam xác nhận có đến 12 khu giam tương ứng với 12 giám thị và 1 ông phó trại, cộng cả Bảy Nhu là 13 người. Ngày đất nước thống nhất, 12 “tên ác ôn” nhanh chóng lên máy bay sang nước ngoài định cư, riêng Bảy Nhu nhất quyết ở lại. Liệu đây có phải là một bất thường đối với viên cai ngục từng được truyền miệng là có tiếng “ác ôn”.

Căn nhà của Bảy Nhu nằm trên đường đi vào nhà tù Phú Quốc. Những năm tháng sau chiến tranh, viên cai ngục năm xưa gần như sống biệt lập với mọi người. Bảy Nhu sống khép kín và như mang luôn một nỗi niềm tâm sự về những năm tháng làm cai ngục đến hết phần đời còn lại.

Ông Nam nói, Bảy Nhu rất sợ bị “moi” chuyện cũ ra nhắc lại. Là chỗ bạn thân với Bảy Nhu, ông Nam hiểu được viên cai ngục còn giấu nhiều “uẩn khúc” cho riêng mình.

Ông Nam kể, Bảy Nhu nhiều lúc mặc cảm về quá khứ và đã ở độ tuổi nói trước quên sau. Tuổi về già, viên cai ngục làm vườn, câu cá để đổi lấy gạo sống qua ngày. Ông Nam vẫn còn nhớ thời làm tiếp liệu xăng trong nhà tù Phú Quốc. Lúc ấy, ông Nam lái xe và phụ trách việc bơm nhiên liệu cho các xe ra vào nhà tù. Bảy Nhu chỉ có nhiệm vụ làm Quân cảnh và đứng gác ở bên ngoài. Công việc mỗi người mỗi khác, chẳng hiểu “cơ duyên” thế nào lại đẩy Bảy Nhu vào làm “cai” nhà tù. Cả 2 nhận lệnh đến Phú Quốc đều có trách nhiệm, công việc riêng. Ông Nam và viên cai ngục thoáng nhìn mặt nhau chỉ chào vài câu xã giao.

Năm 1973, nhà tù Phú Quốc “giải tán”, ông Nam về lại Sài Gòn sinh sống và sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước, ông lại tìm đến đảo Phú Quốc để mưu sinh. Những năm 1977 – 1979, người dân trên đảo tìm cách rủ nhau “vượt biên” để đến Mỹ. Được mọi người rủ rê, ông Nam cũng tham gia nhưng không “trót lọt”. Ông bị giữ lại và đưa đi cải tạo.

Ở trong trại, ông Nam được giao nhiệm vụ làm Tổng Đại diện phạm nhân, đại loại như là “lớp trưởng” của các phạm nhân khác. Lần thứ 2 vào cuối năm 1979, ông lại tiếp tục tham gia “vượt biên” để trốn đi nước ngoài trái phép. Ông lại bị bắt rồi đưa đi cải tạo. Ông Nam vẫn lại được giao làm Tổng Đại diện phạm nhân.

Cải tạo xong, ông tình cờ gặp Đại tá Hai Ngán, Trưởng Công an huyện Phú Quốc. Đại tá Hai Ngán đưa ra những lời khuyên chí tình, chí nghĩa khiến ông Nam từ bỏ luôn ý định sẽ “vượt biên”. Ông đã ở lại Phú Quốc, chí thú làm ăn và được cất nhắc vào tham gia hoạt động các công tác xã hội tại địa phương. Không lâu sau, ông Nam được chỉ định làm Phó Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Phú Quốc.

Nhà tù Phú Quốc. 

Đến năm 1988, các xí nghiệp đồng loạt giải thể, ông về làm thành viên của Mặt trận Tổ quốc thị trấn và sau đó được đề cử làm Trưởng Ban Văn hóa của thị trấn. Ông Nam thừa nhận cuộc đời của ông đã thay đổi hẳn từ khi gặp được Đại tá Hai Ngán.

Trong quá trình tham gia hoạt động trong tổ chức xã hội của địa phương, ông Nam gặp lại Bảy Nhu. Ông đưa ra nhiều lời khuyên cho viên cai ngục Phú Quốc khi xưa đừng nên bi quan trong cuộc sống. Ông Nam khẳng định, chính quyền địa phương đã không hẹp hòi với bản thân một viên cai ngục như Bảy Nhu. Ông Nam và Bảy Nhu trở nên thân thiết với nhau. Gặp chuyện gì, Bảy Nhu cũng đều gọi điện xin ý kiến của ông Nam. Thời gian cứ dần trôi, Bảy Nhu bước qua tuổi 80 và được kết nạp làm Hội viên Hội Người cao tuổi. Tất nhiên, Bảy Nhu cũng được hưởng các chế độ của một hội viên như bao người cao tuổi khác.

40 năm qua, Bảy Nhu suy tư nhiều về những việc trong quá khứ. Ông Nam chia sẻ, đó cũng là một hình phạt “không bản án” đã dành cho viên cai ngục được mệnh danh “tàn ác” thuở nào. Thi thoảng, Bảy Nhu gọi điện thoại sang nhà ông Nam để hỏi thăm những câu xã giao. Viên cai ngục thường hay nhắc lại câu chuyện cũ và lấy đó làm nỗi ân hận để giày vò bản thân. Ông Nam nói nhiều về chiến tranh, mặc dù chưa từng phải cầm súng ra chiến trường. Ông hiểu cuộc chiến đã để lại cho người dân những hậu quả mà sau này nhiều người vẫn còn mãi day dứt.

Đôi bạn thân giữa 2 bên bờ chiến tuyến

Để tìm hiểu thêm về con người Bảy Nhu, phóng viên Năng lượng Mới tiếp tục tìm đến ông Võ Văn Thâm, Chủ tịch Chi hội Người cao tuổi (tổ 6, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc).

Ông Thâm kể nhiều về Bảy Nhu và gần như cả 2 là đôi bạn thâm giao. Đối với ông Thâm, Bảy Nhu là người “bên kia” của chiến tuyến trong những năm tháng chiến tranh, nhưng khi hòa bình lặp lại, ranh giới đó đã bị xóa nhòa. Ở địa phương, Bảy Nhu lại là Hội viên Hội Người cao tuổi và tích cực tham gia các hoạt động của Hội. Trong các ngày mừng thọ Hội viên, kết nạp Hội viên mới hay họp mặt cuối năm, Bảy Nhu đều không bỏ buổi nào.

Ông Võ Văn Thâm. 

Bảy Nhu chỉ lẳng lặng đến, ngồi lắng nghe các ý kiến trong cuộc họp rồi lại ra về. Thời điểm mới đặt chân đến đảo Phú Quốc để sinh sống, ông Thâm bắt gặp ngay Bảy Nhu. Cả 2 nhanh chóng làm bạn rồi kết thân với nhau. Lần nào gặp cũng vậy, Bảy Nhu đều nói với ông Thâm: “Xá lỗi cho tôi những chuyện đã qua”. Ông Thâm nghe và chỉ đáp lại rằng: “Anh Bảy à, tất cả những chuyện đã qua nên khép vào quá khứ để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn!”.

Mỗi lần nhà tù Phú Quốc có các sự kiện diễn ra, nhiều người vẫn hay đến nhà Bảy Nhu để tìm hiểu thêm một số thông tin. Ông Thâm khuyên Bảy Nhu đừng né tránh, không giấu giếm và biết những điều gì nên nói ra. Trò chuyện với ông Thâm, người cựu chiến binh năm xưa như hiểu người bạn thâm giao kết thân từ những ngày đặt chân lên đảo. Ông Thâm đúc kết về cuộc đời của viên cai ngục: “Gặp thời thế, thế thời phải thế”.  

Hỏi chuyện về Bảy Nhu, ông Thâm kể vanh vách về những ngày tháng gắn bó với con người này. Dù biết rằng tội ác của Bảy Nhu với những người tù Cộng sản không thể phủ nhận nhưng có một điều, nhiều người vẫn thắc mắc: “Vì sao Bảy Nhu không đi nước ngoài định cư?”. Ông Thâm hiểu được Bảy Nhu nhiều nên đáp ngay: “Cũng do hoàn cảnh lịch sử”. Hoàn cảnh về viên cai ngục như thế nào, ra sao, chỉ có Bảy Nhu và một số ít người biết. Trong nhiều sách sử lưu chép lại tại nhà tù Phú Quốc, Bảy Nhu xuất thân trong gia đình như thế nào, ở đâu và lớn lên như thế nào vẫn còn là một “ẩn số”.

Nhưng có một chi tiết Bảy Nhu từng gài mìn xung quanh nhà để đến nỗi chính con trai ông ta đi đạp phải mìn bị cụt chân thì người dân ở đây xác tín là hoàn toàn không có. Sau ngày giải phóng, Bảy Nhu đi cải tạo về và sống cùng người dân trên đảo Phú Quốc. Người dân ở đảo Ngọc vốn bình dị, dễ tha thứ nên cũng không để viên cai ngục phải sống trong những ngày hoảng loạn mà tự gài mìn cho con mình đạp trúng.   

Bảy Nhu sống trên đảo với người vợ là bà Nguyễn Thị Lình (SN 1929). Những ngày còn khỏe mạnh, Bảy Nhu hay vác cần câu cá rô, cá lóc hoặc đi bẫy những con thú trong rừng. Lúc câu về, viên cai ngục cũng đều không quên mời ông Thâm sang nhà làm vài ly rượu. Bảy Nhu kể cho ông Thâm nghe nhiều về quá khứ tội lỗi, nhưng có những chuyện chỉ hai bạn già biết với nhau. Dù cả 2 hoạt động ở 2 chiến tuyến khác nhau nhưng chiến tranh qua đi, họ trở thành người bạn thân thiết, sớm hôm có nhau.

Cuộc đời ông Thâm cũng phải gồng gánh những cay đắng của cuộc chiến để lại. Năm 1974, ông Thâm với người vợ phục viên và kết hôn với nhau. Lần lượt 3 người con ra đời. Chiến tranh tàn khốc với nỗi đau chất độc da cam để lại đã lần lượt cướp đi của ông Thâm 2 người con. Năm 1975, ông sinh đứa con trai đầu lòng rồi sau đó, con ông đột ngột qua đời. Đến năm 2010, người con trai út của ông cũng trút hơi thở cuối cùng sau những tháng ngày phát bệnh do di chứng chất độc da cam. Nỗi đau mang tên “chiến tranh” đã để lại quá lớn đối với người cựu chiến binh năm xưa. Ông chấp nhận và vượt qua tất cả. Trong nỗi đau về tinh thần, ông Thâm mang trong mình cả di chứng về thể xác.

Năm 1995, ông phát hiện chân phải bị “tê tê” và đi khắp các bệnh viện để điều trị. Không một nơi nào có thể tìm ra căn nguyên, nguồn gốc khiến cái chân ông Thâm lúc nào cũng tê buốt. Đến năm 2006, ông đi khám bệnh tại TP HCM thì phát hiện ra trong người nhiễm chất độc da cam. Lúc này, chân phải của ông đã bị liệt hẳn và đi từng bước một cách khó nhọc.

Giáp mặt Bảy Nhu

Trong vai một nhà nghiên cứu, viết về lịch sử nhà tù, phóng viên Năng lượng Mới đã tiếp cận được Bảy Nhu. Lần theo con đường mòn dọc nhà tù, qua đến căn nhà thứ 4 là nhà của viên cai ngục mỗi khi tham quan nhà tù Phú Quốc thường hay được nhắc đến. Căn nhà cấp 4 tường kiên cố nằm sâu trong con đường 2 bên rợp bóng cây. Bước đến cửa, bầy chó Phú Quốc sủa ong tai. Dáng một thanh niên khoảng 30 tuổi, chân đi những bước để lại những dấu chấm phẩy trên đất bước ra. Đây không ai khác, chính là người con trai từng đạp phải mìn được nhắc đến.

Bảy Nhu - viên cai ngục tàn bạo năm xưa ở nhà tù Phú Quốc. 

Hỏi thăm về Bảy Nhu, cậu ta đưa cặp mắt dò xét với thái độ dè chừng. Sau khoảng 3 phút lưỡng lự, người thanh niên này lại lê từng bước đi vào sau nhà. Một lát sau, dáng ông lão cao tầm 1,6m, tóc bạc phơ và đã rụng nhiều, hai tay dò dẫm vịn 2 bên tường bước ra. Ông lần mò tìm chìa khóa mở cửa chính để đón khách. Người lạ đến, Bảy Nhu thừa sức hiểu “khách” muốn gì và sẽ hỏi những gì. Bảy Nhu lịch sự mời khách lạ vào nhà để cùng trò chuyện. Nhìn sâu vào cặp mắt viên cai ngục vẫn còn tinh anh.

Bảy Nhu vẫn còn minh mẫn. Không cần đặt câu hỏi, ông ta chất vấn ngay: “Cậu cần gì ở tôi?”. “Cháu gặp ông ở đây, chỉ muốn được trò chuyện, muốn nghe ông kể về tuổi thơ của ông như thế nào?”, tôi đáp. Bảy Nhu như có vẻ dịu giọng rồi ông ta dẫn dắt lại tuổi thơ nghèo khó với một buổi đi học, một buổi ra đồng bắt cá, bắt cua và đổi lấy gạo ăn. Bảy Nhu sinh ra ở vùng Đồng Tháp Mười, trong một gia đình có truyền thống yêu nước.

Ông ta chỉ được học đến lớp 3 rồi ở nhà nghỉ phụ giúp gia đình. Cuộc sống của một người thanh niên cứ thế dần trôi, cùng tiếng bom đạn, cùng những kỷ niệm thiếu ăn đến ngày Bảy Nhu phải đi lính và trở thành viên cai tù nổi tiếng tàn ác như bây giờ. Cuộc đời của ông ta rất có thể sẽ không trở thành một cai ngục “khét tiếng” nếu trốn được quân dịch để an phận.

Trong câu chuyện Bảy Nhu kể, có những lúc ông ta đưa tay lên quệt vội ở khóe mắt khi nhắc lại quá khứ, tuổi thơ của mình. Phải chăng đây là một sự nuối tiếc, một sự hối lỗi ở tuồi gần đất xa trời? Bảy Nhu vừa nói, miệng ông ta cứ móm mém, thỉnh thoảng lại ho từng tiếng và đưa tay lên dằn lồng ngực để tránh phát thành cơn.

Dẫn dắt câu chuyện về cuộc sống hiện tại, đôi mắt Bảy Nhu như chợt sáng lên. Ông ta bất ngờ đứng dậy, bước vào tủ kiếng ở phía trước và mở cửa lấy trong tủ ra một cuốn sổ. Bảy Nhu khoe hai vợ chồng đã được chính quyền địa phương kết nạp làm Hội viên Hội Người cao tuổi. Ông và vợ mỗi tháng được trợ cấp 180 ngàn đồng/người đủ mua các nhu yếu phẩm cần thiết cho gia đình. Từ sau giải phóng đến nay, Bảy Nhu vẫn bám lấy mảnh đất mà ngày xưa ông ta đã từng để lại tiếng ác. Ông vẫn gieo trồng những đợt hoa màu xanh tốt xen canh những cây lâu năm làm kế sinh nhai.

Cuối buổi nói chuyện, Bảy Nhu lại đưa ra cuốn sổ bé bằng nửa lòng bàn tay. Ông ta nói, ai đến tiếp chuyện đều xin lại chữ ký và hãy cứ trút những cơn “thịnh nộ” vào đấy để ông có thể được đọc. Chiều lòng Bảy Nhu, tôi vẫn để lại cho ông những dòng chữ, nhưng hy vọng, ông ta đọc xong sẽ được an ủi ở những năm tháng cuối đời người. Sau 40 năm giành được độc lập thống nhất đất nước, Bảy Nhu tàn ác năm xưa nay đã trở về với cuộc sống của những con người bình dị.

Hưng Long